Đưa 3G vào cuộc sống

Đưa 3G vào cuộc sống
TP - Đã hơn hai tháng kể từ khi Vinaphone mở màn cung cấp dịch vụ 3G. Tuy nhiên, người ta dự đoán rằng phải mất hàng năm nữa những tiện ích 3G mới thực sự đi vào cuộc sống.

Theo ông Lâm Hoàng Vinh, Giám đốc Vinaphone, 3G là cuộc cách mạng để “phổ cập” Internet trên máy di động. Vì vậy, những khách hàng 3G sẽ là các thuê bao di động sử dụng dữ liệu (data) nhiều nhất như doanh nhân, giới trẻ...

Ông Vinh cho biết, trong tháng đầu khai trương dịch vụ 3G, thuê bao phát triển mới của mạng này tăng vọt hơn 2,2 triệu thuê bao mới, gấp 4 lần các tháng trước đây.

Trong việc phát triển thuê bao 3G, theo đánh giá của các chuyên gia viễn thông, Vinaphone đang có nhiều lợi thế nhất, tiếp đến là MobiFone. Những thuê bao đăng ký về sau này là các khách hàng tiềm năng chuyển sang mạng 3G với điều kiện chi trả cước, nhu cầu sử dụng các dịch vụ gia tăng và quan trọng là họ có sẵn trong tay máy điện thoại 3G.

Theo đại diện các mạng di động cung cấp 3G, muốn các dịch vụ này thực sự đi vào cuộc sống, trở thành quen thuộc với người tiêu dùng, các tiện ích mà 3G đem lại cũng phải phong phú và thiết thực.

Vinaphone hiện đang cung cấp 6 dịch vụ tiện ích trên mạng 3G, MobiFone cũng đã khai trương 4 dịch vụ, các dịch vụ cũng hầu hết giống nhau: Mobile Internet, Mobile TV, Video call, nghe nhạc trực tuyến...

“Trong số các dịch vụ 3G, Mobile Camera là dịch vụ tôi thấy khác biệt và thiết thực nhất. Nó cho phép tôi xem trực tiếp trên máy điện thoại di động của mình hình ảnh thực các nút giao thông trong thành phố để tránh tắc đường các giờ cao điểm” - Anh Tuấn, phóng viên Đài tiếng nói Việt Nam cho biết.

Trao đổi với Tiền Phong, đại diện các mạng khẳng định dịch vụ hấp dẫn nhất hiện nay là Mobile Broadband (truy cập Internet tốc độ cao từ máy tính thông qua các thiết bị hỗ trợ kết nối 3G như USB 3G datacard).

Với việc đầu tư chiều sâu vào công nghệ hơn nữa, theo các chuyên gia, dịch vụ truy cập Internet tốc độ cao qua mạng di động 3G trong tương lai sẽ trở thành phổ biến do băng thông rộng  hỗ trợ tốc độ lên tới 14,4 Mbps và đặc biệt là khả năng di chuyển so với các kết nối Internet tĩnh hiện tại như Wifi hay ADSL.

Khó khăn 3G

Vùng phủ sóng rộng chất lượng tốt đang là bài toán khá đau đầu với các mạng di động trong việc bảo đảm để các thượng đế đi đâu cũng có thể xài được điện thoại 3G, lướt net, gửi mail, xem TV hay gọi điện thấy hình... Cho đến nay, Vinaphone cung cấp được tại 13 tỉnh, thành; MobiFone cung cấp tại Hà Nội và TP.HCM, trong khi Viettel tiếp tục thử nghiệm tại một số trung tâm thương mại.

Thiết bị đầu cuối hỗ trợ 3G giá thành vẫn cao cũng là một trong những rào cản để các thuê bao chuyển sang mạng 3G. Thống kê cho thấy ở Việt Nam chỉ có khoảng 10% khách hàng đã có sẵn máy 3G, tại các thành phố lớn tỷ lệ này là 20%.

Đó là chưa kể đối với các dịch vụ đặc biệt như video call, mobile TV.... các thuê bao đều phải cài đặt các chế độ phức tạp trên máy điện thoại của mình chứ không dễ dàng sử dụng như đối với các dịch vụ thoại thông thường bên mạng 2G.

Ông Lê Ngọc Minh, Giám đốc MobiFone thừa nhận việc triển khai cung cấp hoàn hảo song hành cả dịch vụ 3G và 2G là việc rất khó đối với bất kỳ nhà cung cấp nào trong thời gian đầu. Điển hình như Singtel phải mất gần 3 năm để triển khai hoàn thiện việc cung cấp dịch vụ 3G.

Mạng China Mobile phát triển 3G trước Việt Nam hơn nửa năm nhưng đến thời điểm hiện tại chất lượng dịch vụ vẫn chưa hoàn thiện. Đại diện MobiFone cho biết sau nửa tháng cung cấp dịch vụ, lượng thuê bao 3G của doanh nghiệp này vẫn còn khá khiêm tốn.

Thực tế đã cho thấy, đến thời điểm hiện tại, việc cung cấp dịch vụ 3G đúng không phải là dễ ăn như nhiều người lầm tưởng. Các thuê bao của VinaPhone, MobiFone khi chuyển sang 3G đã gặp phải sự cố đứt, gián đoạn thông tin. Các thuê bao trả trước của MobiFone khi đăng ký sử dụng 3G còn bị trừ tiền oan trên tài khoản.

Hiện tại cước dịch vụ 3G của VinaPhone và MobiFone tương đương nhau. Các thuê bao của Viettel cũng đang khấp khởi chờ đợi mạng của mình đưa ra mức cước rẻ hơn. Tuy nhiên, đại diện các mạng cho rằng đây là bài toán khó bởi vốn đầu tư mạng 3G quá lớn.  

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.