Đũa dùng một lần không rõ xuất xứ

Đũa dùng một lần không rõ xuất xứ
TP - Trước thông tin đũa dùng một lần ở Trung Quốc có nguy cơ nhiễm hóa chất độc hại (Tiền Phong số ra ngày 21/3 có bài phản ánh), PV đã khảo sát thị trường Hà Nội. Tìm hiểu ban đầu cho thấy phần lớn đũa dùng một lần không rõ nguồn gốc.

> Rùng mình đũa Trung Quốc 'ngậm' chất độc

Phần lớn đũa dùng một lần trên thị trường không được ghi xuất xứ. Ảnh: Nguyễn Hoài
Phần lớn đũa dùng một lần trên thị trường không được ghi xuất xứ. Ảnh: Nguyễn Hoài.

Khảo sát trên nhiều tuyến phố, chợ ở Hà Nội như Phùng Hưng, chợ Đồng Tâm, Đồng Xuân, đũa dùng một lần được bày bán phổ biến với giá rẻ. Một bó đũa 65 đôi được bán với giá 15.000 đồng, bó đũa 60 đôi bán giá 12.000 đồng. Trung bình, mỗi đôi đũa có giá 200 - 230 đồng.

Hầu hết đũa dùng một lần, ngoài dòng chữ “chúc mừng năm mới”, không thấy ghi bất cứ thông tin nào về nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm.

Theo chủ một cửa hàng trên phố Phùng Hưng, đũa dùng một lần được một cơ sở sản xuất ở Hòa Bình chở ô tô đổ về cho các đại lý ở đây.

Anh Tùng, chủ một cơ sở sản xuất đũa dùng một lần ở Hòa Bình, nói rằng, đũa được sản xuất ngay tại gia đình anh, sau đó phân phối cho các nhà hàng, chợ đầu mối. Có những nhà hàng lấy cả ô tô sản phẩm để dùng.

Ít ảnh hưởng sức khỏe

Về thông tin đũa dùng một lần khi cho vào nước thôi ra màu vàng và bốc mùi hăng nồng. PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết, từng có xét nghiệm cho thấy trong đũa dùng một lần có hàm lượng lưu huỳnh. Tuy nhiên, việc sử dụng lưu huỳnh không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người sử dụng, theo ông Thịnh.

 Có thể màu vàng của đũa ngâm trong nước được tạo ra từ một hóa chất nào đó, điều này cần sự kiểm chứng đối với các sản phẩm đang bán trên thị trường 

Ông Thịnh cho biết, đũa dùng một lần được làm bằng tre non, ngấm nước tốt, nên nguy cơ ẩm mốc rất cao. Để loại trừ bào tử nấm mốc, người sản xuất có thể áp dụng nhiều phương pháp như sấy khô hoặc dùng hóa chất.

Trong đó phương pháp sấy khô ít được sử dụng vì mất nhiều thời gian, đũa dễ bị cong. Phương pháp dùng hóa chất được sử dụng phổ biến hơn. Đũa dùng một lần được khử trong khí SO2 khi đốt lưu huỳnh.

Theo ông Thịnh, phương pháp này cũng được áp dụng trong xử lý chống ẩm mốc cho nhiều sản phẩm bằng tre. Sau khi đũa được khử trong SO2, khí SO2 có thể lưu lại trên bề mặt đũa, vì thế, người sản xuất thường đem phơi để bay mùi. Tuy nhiên, có thể do việc sử dụng lưu huỳnh quá hàm lượng nên lưu huỳnh còn tồn dư trong đũa, TS Thịnh nói.

Theo ông, việc sử dụng khí SO2 để diệt nấm mốc ít ảnh hưởng sức khỏe người dùng. “SO2 vẫn được dùng để khử trùng trong công nghiệp thực phẩm”, ông Thịnh nói. Giải thích vì sao đũa ngâm trong nước thôi ra màu vàng, nhà khoa học cho hay, trong tre non có nhiều chất hòa tan, sau một thời gian, chúng dễ bị phân hủy, tạo ra màu vàng khi ngâm vào nước.

Tuy nhiên, nhà khoa học này cũng khuyến cáo, có thể màu vàng của đũa ngâm trong nước được tạo ra từ một hóa chất nào đó, điều này cần sự kiểm chứng đối với các sản phẩm đang được bán trên thị trường.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.