Đưa hậu phương tới Trường Sa

Đưa hậu phương tới Trường Sa
TP- Ở nhà son sắt thủy chung/Mong theo anh tới tận cùng nước non- lời nhắn nhủ của chị Vũ Thị Tố Nga (Trực Ninh, Nam Định) tới chồng Thượng tá Vũ Văn Cường - Đảo trưởng đảo Song Tử Tây (Trường Sa) theo những tấm hình triển lãm hậu phương lần đầu tiên vượt trùng khơi ra đảo thiêng Tổ quốc.

> Phát triển đội tàu dịch vụ ở Hoàng Sa
> Lính Trường Sa cầu hôn qua... điện thoại
> Giảng dạy về Trường Sa ở trường phổ thông

Thượng tá Cường cười vui giới thiệu về các “hậu phương” của mình với anh em cán bộ, chiến sĩ trên đảo Song Tử Tây
Thượng tá Cường cười vui giới thiệu về các “hậu phương” của mình với anh em cán bộ, chiến sĩ trên đảo Song Tử Tây.

Ấm lòng chiến sỹ đảo xa

Sáng sớm 18-5, đảo Song Tử Tây hiện ra giữa mênh mông biển nước trước mũi tàu HQ 571 sừng sững. Cả đoàn thăm, công tác Trường Sa năm 2012 xúc động sau hải trình dài được đặt bước chân đầu tiên lên một phần máu thịt Tổ quốc.

Thượng tá Cường tất bật công tác tiếp đón, bất ngờ sững người trước dãy dài những tấm ảnh triển lãm do đoàn công tác mang ra đảo. Trong đó, có bức ảnh ghi cận cảnh về cuộc sống gia đình anh nơi hậu phương.

Thượng tá Cường hồ hởi giới thiệu về từng thành viên trong gia đình mình với anh em chiến sĩ và khách: “Đây là mẹ nó này, còn hai thằng cu kia nữa. Đứa lớn học lớp 12 rồi đó, dạo này cao đáo để, đây là thằng út.

Hai anh em đang giúp nhau giặt quần áo cho mẹ”. Cùng trong bức hình, chị Nga - vợ anh không quên ghi lại lời thơ nhắn nhủ: Ở nhà son sắt thủy chung/Mong theo anh tới tận cùng nước non.

Theo Thượng tá Cường: Hai vợ chồng lấy nhau hơn chục năm nay nhưng điều kiện công tác ở đảo xa, khiến thời gian ở nhà bên vợ con, gia đình với anh chưa được đầy 2 năm. “Tháng 6 này, vợ tôi được đoàn mời ra thăm đảo lần đầu tiên nhưng lại bận lo cho con lớn thi vào đại học nên chắc khó ra được.

Bữa trước nghe vợ con điện nói có người bên Quân chủng Hải quân đến ghi hình làm triển lãm tại đảo, tôi cứ mong mãi. Không được gặp trực tiếp nhưng cảm nhận qua hình ảnh thế này cũng ấm lòng chiến sĩ đảo xa” - Thượng tá bộc bạch.

Thiếu tá Nguyễn Cảnh Hưng, Cụm phó cụm 3 (đảo Song Tử Tây) bồi hồi bên bức ảnh kể lại cuộc sống gia đình thường nhật của mình nơi đất liền: “Cái bếp lửa thân thương quá, lần nào tôi về cũng được gia đình nấu cho những món ăn dân dã từ đây.

Cả cảnh vợ bán tạp hóa nữa... đúng như đang ở gia đình mình vậy”. Quê anh Hưng ở xã Thạch Hòa (Thạch Thất, Hà Nội), từ dạo công tác đảo xa, anh ít có dịp về quê nhà.

Cùng tâm trạng, Trung úy Nguyễn Văn Thiện, nhân viên cơ yếu (đảo Song Tử Tây) thấy từng khuôn mặt, dáng hình, công việc thường nhật của gia đình tại quê Thủy Nguyên (Hải Phòng).

Trung úy Thiện bộc bạch: Xa nhà hơn 2 năm nay, giờ thông tin liên lạc thuận tiện nhưng những hình ảnh thế này lần đầu đến được với anh em trên đảo, đưa “hậu phương” xích lại gần với Trường Sa.

Gia đình đảo - gia đình hậu phương

Gần 200 bức ảnh hậu phương thuộc không gian trưng bày Những lá thư nhà gửi Trường Sa được Quân chủng Hải quân phối hợp thực hiện, tổ chức ngay chính trung tâm đảo.

Từng nét cận cảnh về bố mẹ, vợ con, gia đình và cuộc sống sinh hoạt thường nhật được thực hiện tỉ mỉ, như thước phim quay chậm.

Thiếu úy Nguyễn Văn Công, tổ dịch vụ âu thuyền (đảo Song Tử Tây) tâm sự: Không phải gia đình chiến sĩ nào cũng được thực hiện bộ ảnh.Tuy nhiên, nhìn vào các bức ảnh ai cũng nhận ra hình ảnh của gia đình mình.Anh em trên đảo coi nhau như người nhà, nên cùng chung hậu phương ngoài quê.

Anh Nguyễn Hồng Kỳ (Ban biên tập ảnh, TTXVN), trưởng ê kíp thực hiện Những lá thư nhà gửi Trường Sa, cho hay: Ý tưởng triển lãm được Thông tấn xã, quân chủng Hải quân hình thành từ đầu năm 2012 và chỉ trong vòng 2 tháng 4-5, nhóm thực hiện đã đến hàng chục tỉnh, thành phố trên cả nước cùng gần 10 gia đình “hậu phương” của các cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại Trường Sa, các nhà giàn DK để thực hiện.

Triển lãm gồm 7 nội dung: Gia đình, con thơ, vợ yêu, cha mẹ già, hậu phương, quê hương...

“Chúng tôi không ghi chú thích ảnh từng gia đình, địa điểm vì muốn nói rằng đó có thể là gia đình của một cán bộ, chiến sĩ cụ thể nhưng cũng là hình ảnh “hậu phương” của mọi người. Những bối cảnh này đều luôn luôn thường trực trong tâm khảm của những chiến sĩ”, anh Kỳ nói.

Theo Chuẩn đô đốc Nguyễn Văn Ninh, Phó tư lệnh vùng 4 Hải quân: Cuộc sống anh em chiến sĩ ngoài đảo còn khó khăn nhất định do xa cách địa lý, tình cảm.

Triển lãm là hình ảnh sống động, thân thương, chân thực nhất về gia đình, hậu phương của người chiến sĩ Trường Sa.

Qua đó, giúp các chiến sĩ thấy hình ảnh quê nhà thật gần gũi, sinh động như chính mình đang đứng giữa quê nhà, góp phần động viên tinh thần các chiến sĩ vững tay súng gìn giữ phần biển đảo máu thịt của Tổ quốc.

Sáng 18-5, công trình nhà văn hóa Trường Sa tại đảo Song Tử Tây (huyện Trường Sa, Khánh Hòa) đã chính thức khánh thành và đưa vào sử dụng.

Nhà văn hóa có quy mô 1.500m2, 2 tầng được khởi công từ tháng 6 - 2011 với tổng mức đầu tư 24 tỷ đồng do TP Hà Nội tặng đảo. Công trình gồm nhiều công năng: phòng đọc, sinh hoạt văn hóa, sách báo, triển lãm, chỗ lưu trú cho các đoàn công tác, thăm đảo.

Theo Thượng tá Vũ Văn Cường, Đảo trưởng Song Tử Tây: Việc hoàn thành công trình góp phần to lớn trong hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống văn hóa cho cán bộ chiến sĩ, hộ dân trên đảo.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG