Đua nhau múc cát đi bán

Việc khai thác cát ồ ạt khi chưa có nhà máy chế biến tại Phong Điền khiến dân bức xúc.
Việc khai thác cát ồ ạt khi chưa có nhà máy chế biến tại Phong Điền khiến dân bức xúc.
TP - Thay vì khai thác gắn liền chế biến sâu theo quy định, thời gian gần đây, tại vùng trảng cát rộng lớn của nhiều xã thuộc huyện Phong Điền (tỉnh TT-Huế), các doanh nghiệp lại đua nhau múc cát thô đem bán, dưới danh nghĩa thí nghiệm, bỏ ngỏ việc xây dựng nhà máy và giải quyết việc làm cho dân như từng vẽ vời.

Nhà máy trên giấy, doanh nghiệp ồ ạt múc cát đem bán

Tháng 3/2015, Cty TNHH MTV Khoáng sản & Đầu tư Khánh Hòa tại TT-Huế (gọi tắt là Khamihuco) được Bộ TN&MT cấp phép khai thác cát thủy tinh tại Bàu Bàng, thuộc xã Phong Chương (huyện Phong Điền) trên diện tích 87 ha. Giấy phép quy định, việc khai thác phải gắn với xây dựng nhà máy chế biến. Tuy nhiên, từ đó đến nay, nhà máy chế biến không thấy đâu, trong khi, nguồn cát thô tại Phong Chương cứ “bốc hơi” từng ngày. Không chỉ vậy, Khamihuco còn chở bán cát thô “nhầm” địa chỉ.

Dựa vào văn bản của UBND tỉnh TT-Huế cho phép khai thác cát cung cấp đến Nhà máy gạch men Vitto thuộc KCN La Sơn (huyện Phú Lộc, TT-Huế), mới đây, Khamihuco ngang nhiên chở cát thô ra ngoại tỉnh bán lậu. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trịnh Đức Hùng, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, khẳng định: Khamihuco đã vi phạm quy định về khai thác, vận chuyển cát thô của tỉnh. “Mới đây, khi Khamihuco chuyển cát bán ra khỏi địa bàn tỉnh, lực lượng chức năng đã phát hiện, lập biên bản vi phạm và kịp thời ngăn chặn hành vi này. Tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chức năng xem xét, xử lý nghiêm”, ông Hùng lưu ý.

Được biết, đây không phải là vi phạm lần đầu. Tháng 3/2016, trong khi UBND tỉnh TT-Huế chưa cấp quyền khai thác cho Khamihuco, doanh nghiệp này từng khai thác, vận chuyển cát ra khỏi vùng dự án, dưới danh nghĩa vật liệu thí nghiệm. “Cho dù khai thác, chuyển đi thí nghiệm, nhưng Khamihuco chưa được UBND tỉnh đồng ý mà vẫn làm là sai”, ông Cái Văn Vinh, Trưởng phòng Tài nguyên Khoáng sản  (Sở TN&MT), khẳng định.

Chiếm đất nghĩa trang của dân?

Ông Lê Viết Phước, Chủ tịch UBND xã Phong Chương, chia sẻ: Kỳ tiếp xúc cử tri nào từ tỉnh cho đến xã, dân đều “kêu” về khai thác cát ồ ạt không qua chế biến, kể từ khi doanh nghiệp được cấp mỏ nhưng “quên” làm nhà máy. Trong khi, dân lại rất bí bách về nơi chôn cất, cũng như nguồn cát cho xây dựng.

Ngay như chính quyền xã Phong Chương, khi cần đến nguồn vật liệu xây dựng công trình công cộng từ trảng cát cũng đành chịu. Cách đây chưa lâu, khi san lấp các ao hồ bỏ hoang để làm công viên trước mặt trụ sở ủy ban xã, lãnh đạo địa phương này từng phải “cầu cạnh” một chủ trang trại người địa phương để xin chở vài chục xe đất tầng phủ về làm công trình.

Tương tự, tại xã Phong Hiền - nơi có “siêu” dự án khai thác, chế biến cát của Cty CP Tập đoàn Đầu tư Việt Phương, người dân cũng băn khoăn. “Người chết muốn chôn vào nghĩa trang cũ thì bị doanh nghiệp ngăn cấm, vì thuộc quy hoạch mỏ cát. Doanh nghiệp hứa hỗ trợ dân làm nghĩa trang mới thì chẳng thấy đâu”, ông Trần Đức Thiện, Chủ tịch UBND xã Phong Hiền cho biết. 

Khi cấp phép cho Cty Việt Phương, Bộ TN&MT cũng từng quy định, chỉ được phép khai thác cát khi dự án nhà máy chế biến đi vào hoạt động. Tuy nhiên, mới đây, dù nhà máy còn nằm trên giấy, Cty Việt Phương lại được cấp có thẩm quyền cho phép khai thác một lượng lớn cát mang đi “thí nghiệm”. 

Việc vận chuyển bằng phương tiện vận tải hạng nặng đã ảnh hưởng nghiêm trọng hệ thống giao thông nông thôn vốn chịu tải yếu, khiến chính quyền và dân địa phương bức xúc.

Năm 2011, xã Phong Hiền được một trung tâm ở Nhật Bản tài trợ kinh phí trồng khu rừng sinh thái rộng hơn 120ha trên vùng trảng cát khô cằn, với mục đích cải tạo môi trường, phủ xanh đất trống, chống cát bay cát nhảy, và cũng nhằm tăng cường tình hữu nghị. Rừng đến nay phát triển tốt, nhưng lại bị quy hoạch mỏ cát của Cty Việt Phương chồng lên. Dân lo, xã Phong Hiền đứng trước nguy cơ sa mạc hóa khi nhiều cánh rừng trồng quý giá lần lượt biến mất.

MỚI - NÓNG