Băm nát quy hoạch trước ngày Thủ đô mở rộng:

Đua nhau ôm đất, lập dự án!

Đua nhau ôm đất, lập dự án!
TP - Quá nhiều dự án bất động sản, tình trạng thiếu quy hoạch tổng thể, phê duyệt và cấp phép đầu tư tràn lan đã dẫn đến mất cân đối về việc phân bố các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư trên địa bàn Hà Nội mở rộng.

Không ít chủ đầu tư không đủ năng lực hoặc chỉ có mục đích ôm đất khiến nhiều dự án được phê duyệt, giao đất hàng năm trời nhưng vẫn chỉ là bãi trống…

Tiền Phong khởi đăng loạt bài về thực trạng thất thoát, lãng phí nguồn tài nguyên quý giá là đất đai, đồng thời cũng cảnh báo hệ lụy của việc ồ ạt thu hồi đất nông nghiệp đối với vấn đề tam nông đang nóng bỏng hiện nay.

Đại gia đua nhau 'ôm'  đất

Bội thực dự án bất động sản

Hà Nội vừa hoàn tất giai đoạn 1 kế hoạch rà soát các đồ án quy hoạch và dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhằm phục vụ quy hoạch chung xây dựng thành phố Hà Nội mở rộng.

Đối tượng của cuộc rà soát là tất cả các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng đã và đang triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội mới, bao gồm thành phố Hà Nội cũ, tỉnh Hà Tây cũ, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và bốn xã thuộc huyện Lương Sơn (Hòa Bình) mới sáp nhập về Hà Nội. Các đồ án quy hoạch và dự án đầu tư xây dựng được phân bố trên tất cả 29 quận, huyện và thị xã.

Theo kết quả giai đoạn 1 kế hoạch rà soát, đến nay cơ quan chức năng rà soát được 501 đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 và 1/500.

Trong số đó, có 402 đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng được cấp thẩm quyền phê duyệt với diện tích khoảng 40.271 ha, dân số khoảng trên 2,1 triệu người.

Có 241 đồ án khu đô thị mới và nhà ở; 67 đồ án khu, cụm công nghiệp; 45 đồ án khu du lịch, dịch vụ; 42 đồ án giáo dục, y tế và tám đồ án khác.

Về các dự án đầu tư xây dựng, có 376 dự án đã được cấp thẩm quyền giao cho chủ đầu tư, trong số đó có 305 dự án được phê duyệt đầu tư hoặc cho phép đầu tư.

Tuy nhiên, sự phân bố về số lượng, quy mô của các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư, lĩnh vực đầu tư cũng rất khác nhau giữa các quận huyện. Trong khi quận Hoàn Kiếm chỉ có duy nhất một đồ án, dự án đầu tư với quy mô 0,32 ha thì huyện Quốc Oai có tới 103 đồ án quy hoạch, dự án đầu tư với quy mô hơn 9.900 ha. Huyện Hoài Đức cũng có 85 đồ án, dự án.

Phần lớn các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực xây dựng các khu đô thị mới, khu nhà ở, khu du lịch sinh thái, khu giáo dục-đào tạo, y tế, khu đa năng tập trung tại khu vực phía bắc, đông bắc, tây và tây bắc thành phố. Các khu, cụm công nghiệp lại tập trung tại khu vực phía nam và tây nam.

Phần lớn các dự án bất động sản  có quy mô lớn khu đô thị mới, khu nhà ở, khu hỗn hợp…, tập trung tại các khu vực ven đô theo các hướng tây, tây bắc, đông và đông bắc như Hà Đông, Đông Anh, Gia Lâm, Từ Liêm, Hoài Đức, Đan Phượng, Mê Linh…và dọc trục đường Láng-Hòa Lạc (bao gồm cả khu vực kéo dài).

Tình trạng thiếu quy hoạch tổng thể, phê duyệt và cấp phép đầu tư tràn lan dẫn đến mất cân đối trong phân bố đồ án quy hoạch, dự án đầu tư trên từng địa bàn và các lĩnh vực đầu tư cụ thể.

Cụ thể là có quá nhiều các dự án thuộc lĩnh vực bất động sản (so với các lĩnh vực khác, dự án bất động sản chiếm 51 phần trăm về số lượng đồ án, dự án và 51,7 phần trăm về tổng diện tích mặt bằng).

Phần lớn các dự án trên chủ yếu tập trung vào các huyện ven đô, dọc các trục đường giao thông quan trọng hoặc có quỹ đất lớn, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) và giá đất thấp hay một số lợi thế đặc thù khác như bốn xã thuộc huyện Lương Sơn, Hòa Bình trước khi sáp nhập.

Số lượng các dự án được phê duyệt, cấp phép đầu tư hoặc cho chủ trương đầu tư với tốc độ khá nhanh tại một số địa phương và khu vực cụ thể trong thời gian ngắn, nhất là nửa đầu năm 2008.

Có những khu đất vàng bị tước khỏi tay những người đang sử dụng hợp pháp với giá rẻ mạt và được giao vội vã cho chủ đầu tư, cốt sao xong trước thời điểm quyết định mở rộng Hà Nội có hiệu lực (Tiền Phong sẽ có bài tiếp về vấn đề này).

Đủ mặt anh tài

Diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi để làm dự án rất lớn, có huyện bị thu non nửa diện tích tự nhiên, trên 70 phần trăm diện tích đất canh tác, nhiều xã cơ bản bị các dự án nuốt hết sạch đất.

Góp mặt vào cuộc đua ồ ạt chiếm đất, lập dự án trong vài năm qua có từ những đơn vị tên tuổi, thâm niên trong làng xây dựng, cho tới các đại gia bất động sản mới nổi thích gây ồn ào và khá nhiều những doanh nghiệp ít tên tuổi nhưng không muốn mất phần trong miếng bánh bất động sản. Người ít thì ôm dự án một vài ha, kẻ mạnh lập dăm bảy dự án chiếm vài chục đến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn ha đất.

Cty TSQ Việt Nam, một doanh nghiệp 100 phần trăm vốn nước ngoài thuộc tập đoàn TSQ Finance (Ba Lan) mấy năm qua đã triển khai tại khu vực Hà Đông một loạt dự án như làng Việt kiều châu Âu; tòa tháp đôi trung tâm tài chính thương mại; tòa tháp thiên niên kỷ Hà Tây Millennium; trường Đại học Đại Nam…, và một số dự án khác nằm trên địa bàn Hà Tây cũ.

Về phần mình, tập đoàn Nam Cường (khởi nghiệp từ Hải Dương) năm ngoái gây đình đám với lễ khởi công trục đường xuyên trục bắc-nam Hà Tây cũ với chiều dài 63 km, dự kiến sẽ xây sáu khu đô thị (KĐT) dọc tuyến đường này với quy mô chiếm đất lên tới khoảng 3.300 ha.

Ngoài ra, Nam Cường còn đang thực hiện các dự án xây dựng đô thị tại Dương Nội, Cổ Nhuế. Đi dọc trục đường Láng-Hòa Lạc có thể điểm mặt hàng loạt dự án của các đại gia như KĐT bắc An Khánh 264,5 ha và Trung tâm Makerting của Vinaconex; khu du lịch sinh thái và vui chơi giải trí Tuần Châu-Hà Tây rộng 254 ha; KĐT An Khánh – An Thượng của Cty Cổ phần Hà Đô 52 ha; KĐT mới CEO Quốc Oai của Cty Cổ phần Đầu tư C.E.O 24,1 ha; KĐT thương mại Quốc Oai của tập đoàn Nam Cường trên 1.100 ha; hai KĐT mới nam An Khánh mở rộng của Cty Cổ phần ĐTPT đô thị và KCN Sông Đà (Sudico) rộng hơn 240 ha; KĐT mới hai bên đường Lê Trọng Tấn của Cty xuất nhập khẩu tổng hợp Geleximco 143,7 ha; khu giải trí Thiên đường Bảo Sơn 20 ha của tập đoàn Bảo Sơn…

Đua nhau ôm đất, lập dự án! ảnh 1
Ngay bên cạnh dự án khu đô thị vẫn là cảnh đồng áng thường nhật

Cùng chen vai thích cánh là dự án KĐT mới Tiến Xuân quy mô 1.400 ha; KĐT Sơn Đồng của Cty cổ phần đầu tư xây dựng và phát triển đô thị LILAMA chiếm 415 ha; KĐT Viwasen của liên doanh các nhà đầu tư, đại diện là Tổng Cty ĐTXD Cấp thoát nước & Môi trường Việt Nam rộng 450 ha; Tổng Cty Thương mại & Xây dựng –Bộ GTVT có dự án KĐT rộng 169,4 ha; Tổng Cty Xây dựng Công trình Giao thông 5 (CIENCO 5) ba dự án khu đô thị với quy mô gần 600 ha; Tổng Cty Đầu tư phát triển Nhà & Đô thị (HUD) cũng có hàng loạt dự án với quy mô chiếm đất lên tới hàng trăm ha; KĐT Dầu khí đang được nghiên cứu quy hoạch tại huyện Hoài Đức có quy mô tới 840 ha; cả Cty Cổ phần Vincom hay tập đoàn Mai Linh cũng đều đã có phần cho mình tại địa bàn Hà Tây…

Một số doanh nghiệp nước ngoài như Posco E&C, Booyoung và Huyndai cũng vào cuộc. Thậm chí khu đất đã được quy hoạch cho các cơ quan hành chính của UBND TP Hà Đông trước đây cũng bị lấy dành cho đại gia Huyndai xây siêu thị và trung tâm thương mại.   

-----------------------

(Còn nữa)

Bài 2: Huyện mở mắt đụng dự án

MỚI - NÓNG