Đua nhau phá đồi, bán đất

Xe tải hạng nặng ngang nhiên vào ra chở đất
Xe tải hạng nặng ngang nhiên vào ra chở đất
TP - Tại huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn), các “cai đất” đang đua nhau phá đồi trồng cây để bán đất cho dự án mở rộng Quốc lộ 1A trước sự bất lực của chính quyền địa phương.  

Đường Quốc lộ 1A (đoạn Bắc Ninh - Bắc Giang) đang trong gian đoạn mở rộng. Nắm bắt được chủ đầu tư cần hàng vạn mét khối đất để san lấp mặt bằng, nhiều “cai đất” thông đồng với người dân mua đồi trồng cây để xúc đất bán. Trong vai một doanh nghiệp cần mua đất san lấp mặt bằng, nhóm PV Tiền Phong đã “mục sở thị” nhiều điểm khai thác đất trái phép.

Núi đồi tan hoang

“Huyện chỉ đạo không cho múc đất nhưng người ta cứ múc  xã không biết phải làm sao. Xã đã làm đủ trò rồi nhưng mà vẫn không được”.

Bà Mã Thị Lý, Chủ tịch UBND xã Minh Sơn

Tại khu vực thôn Đồn Vang (xã Minh Sơn, Hữu Lũng, Lạng Sơn), một vùng đồi trồng cây bị san phẳng, đất đỏ lồi lõm, đùn lên từng đống. Từ ngoài Quốc lộ 1A  nhìn vào, các loại cây như tràm, thông bị lòi rễ, ngả nghiêng. Ông Chờ, người quản lý máy xúc tại điểm khai thác này cho biết, khách có nhu cầu, máy xúc sẽ đào suốt ngày đêm.

“Theo chỉ đạo của ông chủ, chúng tôi bán giá 300 nghìn đồng/xe. Các anh muốn mua số lượng lớn, nên liên hệ trực tiếp với ông chủ”, ông Chờ nói. Theo ông Chờ, chủ khu đồi khai thác đất có tên là Kỳ, giám đốc Công ty Ngọc Khánh. “Mua đất ở đây có hóa đơn không, xe vào ra chở đất liệu có bị chính quyền cản trở?”. “Về hóa đơn các anh phải làm việc với ông Kỳ.

Còn xe vào chở đất cứ yên tâm, không bị trở ngại gì vì phía công ty đã lo hết”, ông Chờ nói. Để lấy lòng khách hàng, ông Chờ lập tức đọc số di động của ông Kỳ: 0986...899 và nói: “Các anh cứ yên tâm, khu đồi này ông Kỳ đã mua của người dân với giá khoảng 100 triệu đồng. Thuế, phí đã nộp hết cho xã rồi”.

Chúng tôi tiếp tục sang một khu đồi khác. Tại đây, xe tải hạng nặng nối đuôi nhau vào ra mua đất. Cả một khu đồi mênh mông đang bị máy xúc ồ ạt cày xới. Theo một người tự xưng là Hiên (giới thiệu là chủ đất), khu đồi này được mua với giá 100 triệu đồng.

Để tạo điều kiện cho xe tải hạng nặng dễ dàng vào ra, chủ đất bỏ thêm 30 triệu đồng/năm để mở đường thông với quốc lộ. “Xe chở dưới 35 khối, em bán giá 300 nghìn đồng; xe trên 35 khối, giá 350 nghìn đồng”, anh Hiên nói. Theo anh Hiên, “Các anh cứ yên tâm mua đất, ở khu vực này em có hai bà chị làm trên UBND xã nên không lo bị làm khó”.

Chúng tôi tiếp tục đi dọc theo Quốc lộ 1A, dọc hai bên đường, nhiều khu đồi bị san phẳng, đất đỏ vương vãi khắp nơi. Từng đoàn xe tải hạng nặng ngang nhiên vào ra chở đất. Riêng tại Văn Miêu (xã Minh Sơn), có ít nhất 3 điểm khai thác đất.

Một người dân sống hơn 20 năm tại đây cho biết, xe vào ra chở đất suốt ngày đêm. “Đất ở đây người dân được giao khoán 50 năm để trồng rừng, không hiểu sao, suốt thời gian qua người ta ồ ạt múc đất, phá cây mà chính quyền lại không hề can thiệp”, ông nói.

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, thực trạng phá đồi trồng cây bán đất cho dự án mở rộng đường Quốc lộ 1A diễn ra rầm rộ nhiều tháng nay. Dù có trạm cân gần đó, nhưng xe tải hạng nặng vẫn ngang nhiên chở đất ngày đêm.

Anh N.V.C, một lái xe cho biết, dù xe anh chỉ được phép chở 11 tấn, nhưng lúc nào cũng chở gấp vài lần. “Sỡ dĩ các xe vào ra vận chuyển dễ dàng và vượt trọng tải cho phép là vì các ông chủ đã làm “luật” với lực lượng chức năng”, anh N.V.C tiết lộ.

Theo quan sát của Tiền Phong, từ Bắc Ninh đến Lạng Sơn, có nhiều trạm cảnh sát giao thông (CSGT) làm việc cả ngày lẫn đêm. Tuy nhiên, điều khó hiểu là các xe chở đất quá tải vẫn dễ dàng lọt qua.

Chủ tịch xã: “Không biết phải làm sao!”

Về việc người dân đua nhau bán đồi trồng cây cho các “cai đất”, làm việc với  Tiền Phong, bà Mã Thị Lý, Chủ tịch UBND xã Minh Sơn (huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn) cho biết, tình trạng xúc đất trái phép diễn ra từ lâu. “Đất ở Minh Sơn được giao cho người dân để trồng rừng với thời hạn 50 năm. Vì giao cho dân, nay dân bán đồi để múc đất xã không biết phải làm sao”, bà Lý nói.

Theo bà Lý, từ Tết Nguyên đán đến nay, Chủ tịch UBND xã đã ban hành nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính về xúc đất cũng như lập nhiều biên bản xử phạt về xúc đất, chở đất. “Điểm nóng múc đất trái phép hiện nay là tại thôn Văn Miêu và thôn Đồn Vang”, bà Lý cho biết.

Cũng theo bà Lý, gần đây, vì có trạm cân nên tình trạng xe tải vào ra chở đất có giảm. “UBND huyện đã có chỉ đạo không cho múc đất, nhưng người ta cứ múc xã cũng không biết phải làm sao. Xã đã làm đủ trò rồi những vẫn không được”, bà Lý nói.

Được biết, UBND xã Minh Sơn đã thu thuế tài nguyên từ múc đất trái phép gần 100 triệu đồng. Vì sao biết múc đất trái phép mà UBND vẫn thu thuế? “Nếu không thu thuế sẽ lãng phí ngân sách. Họ múc đất thì mình phải thu”, bà Lý nói.

Về chất lượng đất, một kỹ sư cầu đường cho biết, đất lấy tại huyện Hữu Lũng cấp cho dự án mở rộng Quốc lộ 1A chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn. “Hiện, đất đổ không được kiểm nghiệm. Qua quan sát thực tế, hàm lượng đất sét quá nhiều. Đất đáp ứng tiêu chuẩn làm đường phải là đất k95 hoặc k98 (đất sỏi son)”, vị kỹ sư nói.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.