Thừa Thiên - Huế:

Đua nhau san phẳng đồi cát phòng hộ

Đua nhau san phẳng đồi cát phòng hộ
TP - Trong khi chính quyền nghiêm cấm dân khai thác thì các doanh nghiệp cứ vô tư san phẳng hàng loạt đồi cát để làm khu du lịch, resort, sân golf…

Từ nhiều tháng nay, dải cồn cát nối giữa hai huyện Quảng Điền và Hương Trà dọc theo điểm cuối Quốc lộ 49A đông đúc dân cư liên tục bị xâm hại.

Mặc dù không nằm trong quy hoạch lấy đất san lấp theo nghị quyết của HĐND tỉnh, nhưng tại vùng giáp ranh hai xã Quảng Công  (huyện Quảng Điền) và Hải Dương (Hương Trà), các đơn vị xây dựng và người dân vẫn vô tư xẻ thịt đồi cát phòng hộ để lấy đất làm vật liệu xây dựng, san nền.

Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch UBND xã Hải Dương, thanh minh, cát được lấy tại khu vực đồi ven biển để phục vụ thi công đường dẫn cầu Ca Cút, địa phương và đơn vị thi công chỉ thỏa thuận miệng, nhưng nay đã chấm dứt khai thác.

Cán bộ địa chính xã Quảng Công cũng cho biết: Địa phương buộc lấy cát tại vùng đồi phòng hộ để xây các công trình công cộng từ năm 2007-2009.

Trước tình trạng lấy cát bừa bãi, ảnh hưởng sự bền vững các dải đồi phòng hộ ven biển, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành lệnh cấm khai thác đối với các tổ chức, cá nhân tại địa bàn các huyện kể từ ngày 24-12-2009.

Tuy nhiên, nạn khai thác cát vẫn tiếp diễn tại vùng giáp ranh từ xã Quảng Công dọc về xã Hải Dương, với gần 20 điểm bị khoét sâu vào dải đồi phòng hộ, nhiều vị trí gần nhà dân; hàng chục nghìn khối đất cát dần bốc hơi theo các công trình xây dựng.

Không riêng hai xã trên, nạn khai thác đồi cát còn diễn ra tại các xã ven biển thuộc vùng kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (huyện Phú Lộc), bất chấp lệnh cấm.

Kết hợp sự tàn phá của con người, cùng với nạn sạt lở bờ biển khốc liệt ở nhiều nơi, dải đồi cát phòng hộ ven biển Thừa Thiên - Huế đang trở nên mong manh.

Doanh nghiệp cũng ra tay triệt hạ

Trong khi UBND tỉnh ban hành lệnh cấm thì tại các dải cát phòng hộ dài hàng kilômét từ bờ biển Lăng Cô ra đến xã Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc), nhiều nhà đầu tư du lịch sau khi được giao đất đã mặc nhiên cạo trọc thảm thực vật tự nhiên, san phẳng đồi cát, tạo mặt bằng thông thoáng ra phía biển để xây dựng các khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, resort…

Việc xem nhẹ cam kết bảo vệ cảnh quan, sinh thái, duy trì thảm thực vật tự nhiên, bảo tồn khu vực phòng hộ ven biển giữa chính quyền và doanh nghiệp đang biến vùng đất có hệ sinh thái phong phú, dồi dào nước ngầm, có khả năng hạn chế thiên tai, thành dải bình địa trơ trọi cát trắng.

Dọc theo tuyến đường du lịch Chân Mây - Lăng Cô, ngày gió to, tình trạng cát bay, cát nhảy đã xuất hiện tại các vùng dự án nghỉ dưỡng đắp chiếu do những đồi cát phòng hộ bị xóa sổ.

Đồi cát phòng hộ và thảm thực vật tự nhiên bị cày nát rồi để đó đang tiềm ẩn nguy cơ sa mạc hóa diện rộng khu vực ven biển Chân Mây - Lăng Cô.

Đơn cử khu quy hoạch Lăng Cô Spa Resort, sau lễ động thổ lấy lệ, dự án này án binh bất động. Gặp gió lớn từ biển, rào chắn bằng tôn đổ ngả ngổn ngang, đã để lộ ra những khoảng đất trắng xoá bên trong mênh mông như hoang mạc, cát biển tự do di chuyển khắp nơi.

Bà Lê Thị Hoa, thôn Lập An (thị trấn Lăng Cô), lo lắng: Hễ gió to, cát từ các dự án du lịch đắp chiếu ven biển bay tứ tung cả cây số. Nếu bão lớn đổ bộ từ hướng biển, mức độ nguy hại càng gia tăng, do khả năng che chắn của các đồi cát phòng hộ đã bị triệt tiêu.

Xem ra, sự xâm hại đồi cát của người dân vì nhu cầu xây dựng chả thấm vào đâu so với sự tàn phá hợp pháp lên hàng loạt dải cát phòng hộ ven biển Thừa Thiên - Huế của các doanh nghiệp du lịch.

Trong chương trình phát triển vùng Chân Mây - Lăng Cô năm 2010, tỉnh Thừa Thiên - Huế lưu ý tăng cường bảo vệ tài nguyên môi trường, cảnh quan, rừng phòng hộ, mặt nước đầm phá, bãi biển, nhằm đảm bảo cân bằng môi trường và phát triển kinh tế bền vững tại khu kinh tế - đô thị mới này.

Tuy nhiên, với sự biến mất dần của hàng loạt đồi cát phòng hộ, sinh thái ven biển bị thay đổi vì phát triển du lịch, những tiêu chí nêu trên dường như là không tưởng.

MỚI - NÓNG