Đức Trọng - Lâm đồng: Nhiều nơi bị nứt đất do khoan giếng tràn lan

Đức Trọng - Lâm đồng: Nhiều nơi bị nứt đất do khoan giếng tràn lan
Việc khai thác nước ngầm quá mức trên diện hẹp (cả chục giếng trên diện tích vài ha) đã làm cạn kiệt tầng chứa nước bazan dẫn đến tình trạng co ngót thể tích đất , xuất hiện khe nứt ...

Thời gian gần đây, khi lưu thông trên quốc lộ 20, ngang qua đoạn đường trước cổng Nhà máy Chế biến rau quả cấp đông, thuộc địa bàn  thôn Trung Hiệp, Hiệp An, Đức Trọng , người đi đường không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy một số vết nứt  chạy dọc quốc lộ rồi cắt ngang mặt đường.

Ban đầu khe nứt chỉ rộng khoảng 2 - 3 cm và dài hơn chục mét. Thế nhưng, miệng khe ngày càng mở rộng và kéo dài thêm hàng chục mét, tiềm ẩn nguy cơ gây sụt lún quốc lộ, khiến người qua đường và cư dân quanh vùng lo lắng. 

Ông Từ Văn Sậu - Phó chủ tịch UBND xã Hiệp An cho biết: Cách đây mấy tháng, mặt đường chỉ mới xuất hiện những vết rạn nhỏ  nên chúng tôi nghĩ rằng đó là hiện tượng đường giao thông bị xuống cấp. Thế nhưng chẳng bao lâu sau vết rạn biến thành khe nứt và khe càng ngày càng mở rộng “miệng”. Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân nên không biết giải thích với dân thế nào.

Chúng tôi kiến nghị các ngành chức năng  nhanh chóng xác định chính xác hiện tượng “tai biến” địa chất này để có biện pháp ngăn ngừa, phòng tránh những hậu quả nghiêm trọng. Trước mắt, đề nghị Cty Cầu đường 78  khắc phục ngay vết nứt trên quốc lộ 20 để đảm bảo an toàn giao thông  trên tuyến đường quan trọng nhất của tỉnh.

Ông Lương Văn Ngự - Phó GĐ Sở TN&MT cho biết: Ngành vừa tiến hành  khảo sát trong phạm vi 2 ha ở thôn Trung Hiệp, Hiệp An và nhận thấy có 2 vết nứt đang hoạt động, chạy theo hướng đông bắc, dọc quốc lộ 20, góc dốc thẳng đứng và nhiều khe nứt nhỏ cắt ngang.

Theo nhận định ban đầu, nguyên nhân chính là do lạm dụng nguồn nước ngầm, nước mạch trong sản xuất và sinh hoạt của các xí nghiệp và nông dân. Thực vậy, nơi xuất hiện các vết nứt có mật độ dân cư đông đúc, diện tích chuyên canh rau hoa rộng lớn, là khu vực chế biến nông sản tập trung hoạt động quanh năm.

Các doanh nghiệp và hộ dân tự tiện đào quá nhiều giếng khoan sâu  từ  30 - 60m . Trong khi  nền địa chất được cấu tạo bởi các đất đá trầm tích và đá bazan nhiều lỗ hổng nên dễ vỡ vụn. Việc khai thác nước ngầm quá mức trên diện hẹp (cả chục giếng trên diện tích vài ha) đã làm cạn kiệt tầng chứa nước bazan dẫn đến tình trạng co ngót thể tích đất , xuất hiện khe nứt .

Đáng lưu ý, tháng 3/2002, ở thôn Đarahoa (cách địa điểm nứt đất hiện nay chừng 5 km) cũng từng xảy ra tình trạng nứt đất nghiêm trọng: 2 vết nứt chạy song song, dài 200 - 300m, rộng 5 - 20cm, có chỗ trên 20cm, sâu hơn 12m như những “con rắn khổng lồ” uốn lượn giữa các khu vườn trồng hoa cúc, rau, đậu, cắt ngang đường liên thôn, “bò” vào khu dân cư  làm nứt tường nhà, nứt giếng của dân. 

Liên đoàn Địa chất thuỷ văn và địa chất công trình miền Trung (Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam) đã khảo sát và xác định nguyên nhân chính là do con người  khai thác nước ngầm không hợp lý và đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng  chỉ đạo ban ngành chức năng điều tiết lại việc khai thác sử dụng nước ngầm, khuyến cáo người dân  không nên tập trung quá nhiều giếng khoan ở một chỗ để tránh làm cạn kiệt tầng chứa nước gây tình trạng nứt đất .

Thế nhưng  đã 3 năm qua, tình trạng trên không được khắc phục. Hầu như mỗi hộ trồng rau, hoa đều đầu tư nhiều triệu đồng để khoan giếng lấy nước tưới cho vài ba hec-ta hoạt động liên tục ngay cả vào ban đêm.

Theo qui định, muốn sử dụng nước ngầm (khoan những giếng sâu hơn 30 m) phải được Nhà nước cho phép; người hành nghề khoan giếng phải có giấy phép và sự giám sát của kỹ sư địa chất… Thế nhưng do chính quyền và các ngành liên quan buông lỏng quản lý nên không chỉ người dân mà đa số các doanh nghiệp đều khoan giếng chui.

Vết nứt ra đến quốc lộ là điều rất đáng lo ngại. Đến một lúc nào đó khe nứt mở rộng đột biến, có thể gây nguy hiểm đến tài sản, tính mạng người tham gia giao thông. Phó GĐ Sở TN&MT Lương Văn Ngự cho biết: Sắp tới  sẽ có biện pháp chế tài để  hạn chế việc khai thác nước ngầm; thay đổi nhận thức, điều chỉnh hành vi để giảm bớt việc khoan giếng tùy tiện. Trong mùa khô, có thể ngừng sản xuất một thời gian. Bảo vệ nguồn nước ngầm cũng chính là bảo vệ sự an toàn cho người dân.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.