Dừng 14 dự án BOT, 9 dự án bị phá vỡ phương án tài chính

Đối với 2 trạm Cai Lậy và trạm Thái Nguyên - Chợ Mới, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải rà soát để giải quyết triệt để các vướng mắc, bất cập
Đối với 2 trạm Cai Lậy và trạm Thái Nguyên - Chợ Mới, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải rà soát để giải quyết triệt để các vướng mắc, bất cập
TPO - Chính phủ vừa có báo cáo gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện các nghị quyết, kết luận về chất vấn và giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018.

Sụt giảm doanh thu

Liên quan đến lĩnh vực BOT giao thông, báo cáo của Chính phủ nêu rõ, từ đầu năm 2018 đến nay, hầu hết không có dự án giao thông mới nào được triển khai theo hình thức BOT, chỉ có 8 dự án đầu tư một số đoạn đường bộ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, các địa phương đa phần tập trung vào các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT.

Về chủ trương không đầu tư dự án BOT trên đường hiện hữu, Bộ Giao thông vận tải đã dừng 14 dự án BOT có tiêu chí trên đường hiện hữu, trong đó 4 dự án đã ký hợp đồng và đang triển khai, 10 dự án đã phê duyệt đề xuất dự án hoặc đang lập báo cáo nghiên cứu khả thi.

Cũng theo Chính phủ, đến nay có 49 dự án BOT đã đến kỳ tăng giá theo hợp đồng, tuy nhiên do Chính phủ chỉ đạo chưa tăng giá nên Bộ Giao thông vận tải chưa tăng giá theo lộ trình đã ký trong hợp đồng. Đặc biệt, có khoảng 9 dự án bị phá vỡ phương án tài chính nếu phải lùi thời điểm tăng giá đến năm 2022. Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả tài chính của dự án, không đảm bảo kế hoạch trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký kết với ngân hàng, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh nợ xấu, ảnh hưởng đến môi trường kêu gọi đầu tư.

Theo số liệu quản lý của Bộ Giao thông vận tải, đến nay một số dự án có sự sụt giảm doanh thu so với phương án tài chính ban đầu. Nguyên nhân gây sụt giảm doanh thu tại các dự án được chia làm 4 nhóm chính.

Trước tiên, việc sụt giảm doanh thu do lưu lượng thấp hơn so với dự báo. Tại một số trạm lượng xe sử dụng vé tháng, vé quý lớn hơn rất nhiều so với dự báo ban đầu. Điển hình tại trạm Hà Nội - Bắc Giang, Quốc lộ 38, tuyến tránh Phủ Lý...việc bán vé tháng, vé quý tại các trạm này làm doanh thu giảm từ 15% - 20% so với phương án tài chính ban đầu dự kiến khoảng 5%.

Nguyên nhân thứ hai, có sự sụt giảm lưu lượng do xuất hiện các tuyến đường song hành, đường ngang qua khu vực trạm thu phí dẫn đến xe tránh trạm hoặc phân lưu.

Thứ ba, doanh thu sụt giảm do giảm phí và chưa tăng phí theo đúng lộ trình trong Hợp đồng theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 35. Bộ Giao thông vận tải đã đàm phán với các nhà đầu tư giảm phí tại các trạm BOT, giảm phí cho các phương tiện ảnh hưởng lớn đến chi phí vận tải và giảm phí cho người dân quanh trạm thu phí trong bán kính từ 05 km – 10 km tuỳ từng trạm tại hầu hết tất cả các trạm thu phí; đồng thời chưa thực hiện việc tăng phí theo lộ trình như quy định trong Hợp đồng BOT.

Nguyên nhân khác là có sự thay đổi về số lượng trạm thu phí và hỗ trợ từ ngân sách nhà nước so với phương án ban đầu tại Dự án Hầm đường bộ qua Đèo Cả. Trên cơ sở đó đã điều chỉnh số lượng trạm thu phí từ 7 trạm thành 5 trạm để phù hợp với chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ

“Việc sụt giảm doanh thu không như dự kiến ban đầu sẽ dẫn tới khó khăn cho các nhà đầu tư dự án BOT và ngân hàng tài trợ. Hiện nay, Chính phủ đang xem xét để xử lý các vấn đề nêu trên”, báo cáo nêu.

Để xử lý triệt để, dứt điểm các bất cập của các trạm thu phí, Chính phủ cho rằng: Nhà nước cần bố trí nguồn vốn để mua lại các dự án. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, rất khó khăn để cân đối đủ nguồn vốn để thực hiện. Thủ tướng Chính phủ đang giao Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục rà soát báo cáo Chính phủ xem xét giải quyết từng trạm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng.

Đang xử lý vị trí 4 trạm

Liên quan đến việc rà soát vị trí đặt trạm, Chính phủ cho biết, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tiến hành rà soát các nội dung liên quan đến các tồn tại, vướng mắc tại các trạm thu phí và kiến nghị hướng xử lý. Đến thời điểm này, cơ bản các bất cập tại các trạm thu phí đã được giải quyết và đang xử lý thu phí ổn định.

Chính phủ cho biết, hiện chỉ còn 4 trạm đang phải tiếp tục xử lý gồm: 2 trạm có vị trí nằm ngoài phạm vi dự án do lịch sử để lại gồm Trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài và Trạm Bỉm Sơn - Thanh Hóa. Hiện Bộ Giao thông vận tải đang nghiên cứu phương án phù hợp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đối với 2 trạm Cai Lậy và trạm Thái Nguyên - Chợ Mới, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải rà soát để giải quyết triệt để các vướng mắc, bất cập để có hình thức thu phí phù hợp.

Đối với việc thu phí tự động không dừng dự án thuộc quản lý của Bộ Giao thông vận tải, hệ thống thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí BOT được chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 áp dụng đối với Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên (gồm 44 trạm); giai đoạn 2 áp dụng các trạm còn lại trên toàn quốc (gồm 33 trạm: 10 trạm trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, 23 trạm trên các tuyến cao tốc và các quốc lộ khác).

Chính phủ khẳng định, đến thời điểm này, cơ bản các trạm trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên đã triển khai vận hành hệ thống thu phí tự động không dừng (26 trạm); các trạm còn lại sẽ hoàn thành trong năm 2019 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, để tăng hiệu quả đầu tư hệ thống thu phí tự động, tăng số lượng phương tiện dán thẻ, tránh ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, Bộ Giao thông vận tải đã tập trung triển khai trước một số trạm ngoài Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên thuộc các cửa ngõ thành phố có lưu lượng lớn như trạm Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình, cầu Đồng Nai, An Sương - An Lạc, Mỹ Lộc, Quốc lộ 10…

MỚI - NÓNG