Đừng bắt dân phải hy sinh nữa

Đừng bắt dân phải hy sinh nữa
TP - Ngày 3/10, tại TP Hội An (Quảng Nam), Hội thảo đối thoại các bên liên quan “Thủy điện miền Trung và sự tham gia của người dân” do Hội Liên hiệp mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) và Liên hiệp Hội KHKT tỉnh Quảng Nam (QNAUSTA) tổ chức với sự tham gia của đại diện chính quyền, người dân các địa phương có thủy điện ở khu vực miền Trung.

> 11 người chết và mất tích, hàng trăm người bị thương vì bão số 10
> Cạn nước mắt sau siêu bão

Ông Đặng Phong, Phó Giám đốc Sở Tài chính Quảng Nam, nguyên Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, từng bao phen sốt vó vì động đất ở thủy điện Sông Tranh 2, cho rằng, thủy điện mang lại cho ngành điện siêu lợi nhuận nhưng những hệ lụy của nó thì địa phương và người dân đang gánh chịu. Như Thủy điện Sông Tranh 2, sau hơn 5 năm, người dân vẫn chưa thể ổn định cuộc sống.

Trong khi công trình này dù ngừng tích nước theo chỉ đạo của Chính phủ nhưng mỗi ngày phát điện vẫn thu về 4,5 tỷ đồng/ngày. “Người dân đã hy sinh cho thủy điện quá nhiều, đừng bắt người dân phải hy sinh thêm nữa”, ông Phong khẩn thiết.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chánh Văn phòng UBND huyện Bắc Trà My cho biết việc xây dựng thủy điện phải tính toán đến thiệt hại cho vùng hạ du, không riêng gì vùng có lòng hồ. Tuy nhiên, đến nay các chủ đầu tư, các bộ ban ngành chưa hề tính đến việc này. Người dân và chính quyền hạ du ảnh hưởng và thiệt hại nặng nề, ai bồi thường?”.

Bà Lê Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà (TT - Huế), cho rằng hiện nay, chủ đầu tư khi đầu tư xây dựng thủy điện dù đã có nhiều cam kết nhưng do lợi ích cục bộ nên chưa thực hiện đúng gây nhiều bức xúc cho chính quyền và người dân. Chính quyền phải đứng ra giải quyết hệ lụy do thủy điện gây ra cho người dân.

Theo một chuyên gia thủy lợi thuộc Sở NN&PTNT Quảng Nam, hiện nay Hội đồng đánh giá tác động môi trường các công trình thủy điện chỉ mang tính hình thức, nhất là thủy điện vừa và nhỏ. Hội đồng này rất đông người nhưng thực chất người am hiểu về môi trường rất ít.

Chủ đầu tư thuê tư vấn để làm theo ý mình nên báo cáo thường chỉ làm qua loa. Còn ông Đặng Phong, cựu Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My thì thẳng thừng: “Đừng bao giờ tin vào các báo cáo tác động môi trường của các công trình thủy điện”.

PGS.TS Lê Anh Tuấn, cố vấn VRN, người bỏ nhiều thời gian công sức nghiên cứu về hệ thống sông ngòi miền Trung, tác động của thủy điện đối với đời sống người dân và môi trường cho rằng, việc xây dựng thủy điện đang làm mất chỗ ở của người dân, dòng chảy sông ngòi bị thay đổi, mất phù sa, tăng nguy cơ sạt lở, cắt đứt giao thông đường bộ, ảnh hưởng đến hệ sinh thái…Thủy điện nói cắt lũ vào mùa mưa, điều tiết nước vào mùa hạ tuy nhiên thực tế lại ngược lại. Ông Tuấn kết luận: “Đừng nghe những gì thủy điện nói”.

Tại buổi đối thoại, các hộ dân vùng ảnh hưởng do các dự án thủy điện tại Quảng Nam, TT - Huế, Quảng Bình đã thẳng thắn bày tỏ : người dân vùng thủy điện không phải là đối tượng phục vụ mà đang bị khai thác.

Lũ trên sông ở Trung bộ đang lên

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư, hôm nay (4/10), các tỉnh Bắc Trung bộ và Tây Nguyên tiếp tục có mưa vài nơi, mưa vừa, mưa to và dông. Dự báo, lũ trên sông Ngàn Sâu, hạ lưu sông La (Hà Tĩnh), sông Cả (Nghệ An), sông Ba (Gia Lai, Phú Yên) tiếp tục lên.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.