Xe ben liên tiếp gây tai nạn ở Đà Nẵng:

Đừng bắt dân phải trả giá bằng mạng sống

Xe ben, xe tải chạy trên đường Cách Mạng Tháng Tám. Ảnh: NC.
Xe ben, xe tải chạy trên đường Cách Mạng Tháng Tám. Ảnh: NC.
TP - Sau nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc liên tiếp xảy ra liên quan ô tô chở đất đá, hôm qua, Đà Nẵng tổ chức đối thoại với 36 DN xe ben, chủ các mỏ khai khoáng.

“Người mềm như cọng bún, sao lái xe?”

Ông Lê Văn Sơn - Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ cho biết, chưa bao giờ tình hình TNGT liên quan đến xe ben, xe tải chở đất trên địa bàn quận lại “đen” như giai đoạn này: “Trước Tết, Cẩm Lệ là quận an bình đúng nghĩa, không có TNGT,  cướp giật… Vậy mà sau Tết mấy ngày đã xảy ra 4 vụ TNGT làm chết 3 người, đều liên quan tới xe ben. Mỗi ngày có tới 4.000 lượt xe ben chạy ầm ầm trên tuyến đường Cách Mạng Tháng Tám. Lúc cấm lưu thông thì đậu tràn đường. Tôi ngồi trong ô tô mà còn thấy kinh hoàng huống hồ là người dân đi xe máy”.

Theo ông Sơn, ý thức chấp hành luật của tài xế xe ben là nguyên nhân chính dẫn đến các tai nạn chết người. “Tôi đi kiểm tra mấy lần, thấy xe ben chẳng ai nhường ai, chạy vù vù, nhất là những lúc không có lực lượng kiểm tra”. Quy lỗi cho tài xế xe ben, ông Sơn cho rằng, trách nhiệm lớn thuộc chủ các mỏ khai khoáng.

Theo trung tá Hồ Ngọc Hợp - Pho trưởng Công an quận Cẩm Lệ, việc chạy đua, tăng chuyến, quá tốc độ… là nguyên nhân gây tai nạn. Lỗi phần lớn là tài xế nhưng trách nhiệm thuộc về các chủ DN. “Trong hợp đồng lao động, không thấy trách nhiệm của chủ DN ở đâu, khi gây tai nạn, tài xế thường chấp nhận ở tù. Vấn đề ở đây là các chủ DN phải giáo dục, quán triệt đối với tài xế của mình” - trung tá Hợp nói.

Về việc quản tài xế, theo Chủ tịch quận Lê Văn Sơn, sức khỏe, cường độ làm việc cùng ý thức chấp hành luật là điều kiện tiên quyết. “Phải quản lý làm sao để đảm bảo sức khỏe cho tài xế. Tôi đột xuất kiểm tra, thấy nhiều anh ra khỏi cabin là mềm như cọng bún. Sao mà lái xe? Chạy cả ngày lẫn đêm mà. Vì thế, đề nghị các chủ DN bố trí làm sao cho phù hợp, chạy đêm thì nghỉ ngày và ngược lại”. 

Ông Sơn cũng cho biết đã nhận được tin từ người dân báo có tài xế xe đường dài sử dụng ma túy. “Họ tấp vào hẻm, chích xong ra lái tiếp, cả tài xế cũng như phụ xe. Chưa nghe nói tài xế xe ben, xe tải dùng ma túy, nhưng sắp tới sẽ kiểm tra”.

Doanh nghiệp phản pháo, lộ nhiều bất cập

Các DN khai khoáng cho rằng, ngoài ý thức chấp hành luật chưa tốt của tài xế xe ben cũng như người tham gia giao thông, chính những động thái cấm đường của chính quyền Đà Nẵng hiện nay là một trong các nguyên nhân gây nên tai nạn. Theo các DN, việc cấm lưu thông các loại xe ben, xe tải hạng nặng qua các đường Điện Biên Phủ, Võ Chí Công, cầu Nguyễn Tri Phương… vào giờ cao điểm khiến lượng xe ben đổ từ ngoại ô vào các dự án trong thành phố qua đường Cách Mạng Tháng Tám nhiều vô số.

“Phải tôn trọng dân, đừng vì đồng lời mà bắt dân phải trả giá bằng mạng sống. Thường ngày, người dân đã quá khổ với khói bụi, ồn ào, với tiếng còi xe inh ỏi rồi”. Đại tá Nguyễn Văn Chính - Phó GĐ Công an TP Đà Nẵng,  nói và khẳng định sắp tới sẽ ra quân xử lý nghiêm, kiểm tra đồng loạt từ chủ mỏ tới các tài xế.

Ông Nguyễn Đình Nam (Cty Phúc Hoàng Nguyên), thẳng thắn: “Hiện nay thành phố đang cấm giờ cao điểm rất vô lý. Các tuyến đường xe ben, xe tải chạy cấm buổi sáng tới 8h30, trong khi công chức đi làm hầu hết đều trước 7h30. Đến trưa tài xế nghỉ ăn cơm. Đến chiều 16h30 lại cấm tiếp. Điều này gây cho tài xế tâm trạng rất khó chịu”. Ông Nam cho rằng, hiện Đà Nẵng có quá nhiều biển cấm, đơn cử đường Điện Biên Phủ, Võ Chí Công hoặc các đường ngang đường Cách Mạng Tháng Tám. Theo các DN, vì cấm nhiều đường, kéo dài giờ cao điểm nên hàng ngàn lượt xe cùng ùn ứ một điểm, gây nên tai nạn.

Ông Nguyễn Văn Huy - Phó GĐ Sở GTVT cho biết, đang trình UBND thành phố về những bất cập trong việc cấm đường trong giờ cao điểm , cắm biển báo tốc độ. “Chúng tôi đề nghị cho phép lưu thông 24/24 đường Võ Chí Công (trong đó có cầu Nguyễn Tri Phương - PV) và một số tuyến đường khác”. Tuy nhiên, ông Huy lưu ý, năm 2015, đại diện các DN đã ký bản cam kết việc giảm thiểu TNGT, khắc phục ô nhiễm bằng những nội dung như không bốc xếp quá tải trọng, có trạm rửa xe tại mỏ…; nếu vi phạm lần 3 sẽ bị đình chỉ khai thác mỏ.

Mặc dù vậy, việc ký cam kết từ 2015 đến nay dường như chỉ để cho vui. Ông Nguyễn Quang Vinh - Phó GĐ Sở TN&MT cho rằng, những biển báo, cấm đường thấy vô lý thì cứ mạnh dạn bãi bỏ. “Sắp tới Sở TN&MT sẽ tổng rà soát, theo cam kết mà thực hiện, đơn vị nào không chấp hành nghiêm sẽ nghiên cứu việc rút giấy phép” - ông Vinh nói.

Theo thượng tá Lê Văn Lực - Phó phòng CSGT Đà Nẵng, các giải pháp tốt nhất đã được đưa ra, nhưng tai nạn vẫn không giảm, điều đó chứng tỏ rằng việc thực thi chưa tốt. “Theo tôi chỉ cần thực thi, chấp pháp cho tốt là mọi việc đúng nề nếp. Tài xế chạy đúng tốc độ, tuân thủ luật. Chủ mỏ xuất khoáng sản đúng trọng tải, rửa xe trước khi ra khỏi mỏ…”, thượng tá Lực khẳng định.

MỚI - NÓNG