Đừng biến việc xây dựng tượng đài thành cái cớ

Khu phố dãy lẻ kéo dài gần 1km đường Điện Biên, trung tâm thành phố Sơn La sẽ được di dời khi dự án được phê duyệt. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Khu phố dãy lẻ kéo dài gần 1km đường Điện Biên, trung tâm thành phố Sơn La sẽ được di dời khi dự án được phê duyệt. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - "Đừng biến việc xây dựng tượng đài Bác thành cái cớ để xử lý các việc khác về đô thị", nhà sử học Dương Trung Quốc lên tiếng về đề án xây dựng khu tượng đài 1.400 tỷ đồng của Sơn La.

"Việc thể hiện tình cảm bằng cách dựng tượng đài Bác Hồ là một điều chính đáng. Nhưng kinh nghiệm cũng cho thấy không phải cứ tượng đài hoành tráng về quy mô, đầu tư mới là đẹp. Điều quan trọng là nên chọn không gian và một mẫu thiết kế phù hợp, trong đó phải đặt chất lượng lên hàng đầu. Thứ nữa, khi xây dựng tượng đài, người ta thường gắn kết với cả một quảng trường và là một chủ trương rất lớn. Do vậy, cần phải tách biệt rành mạch. Đừng biến việc xây dựng tượng đài Bác thành cái cớ để xử lý các việc khác về đô thị. Cuối cùng, nguồn vốn đầu tư triển khai cũng phải được cân nhắc trên cơ sở thực tiễn nguồn lực của địa phương.

Điều này cũng liên quan đến thời điểm đầu tư. Ai cũng thấy thời điểm này tỉnh Sơn La còn rất khó khăn, đặc biệt đang phải đứng trước những khó khăn do thiên tai hoành hành. Do vậy, địa phương cần phải cân nhắc kỹ trên nhiều phương diện, đừng nghĩ việc triển khai làm tượng Bác gắn liền với một dự án, vì nếu là dự án thuần túy không thôi thì nó chỉ là vấn đề tiền bạc. HĐND là cơ quan đại diện cho dân, nếu đúng thì địa phương cân nhắc xem nguồn thu đến đâu, nhu cầu chi tiêu hiện nay như thế nào, cần ưu tiên cái gì... Trong bối cảnh hiện tại đang diễn ra lũ lụt nặng nề như vậy thì tỉnh Sơn La cần phải hết sức cân nhắc", nhà sử học Dương Trung Quốc nêu quan điểm.

Trong khi đó, ông Phạm Tất Thắng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: "Trước hết, phải khẳng định việc xây dựng tượng đài là cần thiết, nhất là tượng đài liên quan đến Bác Hồ. Tuy nhiên, khi quyết định xây dựng thì phải xem có phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội của địa phương không.

Nếu như địa phương có điều kiện, ngân sách lớn thì có thể xem xét quyết định việc xây dựng. Nhưng nếu kinh tế địa phương hạn hẹp, khó khăn, phải xin ngân sách trung ương để xây thì phải cân nhắc thật kỹ. Phải đặt vấn đề trong thời điểm này nên xây tượng đài hay xây các công trình phục vụ cho việc phát triển kinh tế, an sinh xã hội. Để rồi sau này khi kinh tế, xã hội phát triển, có điều kiện hơn thì lúc đó xây tượng đài cũng chưa muộn.  

Ngoài ra, khi quyết định quy mô xây dựng, tổng mức đầu tư thì các địa phương cũng phải chú ý xem có phù hợp điều kiện kinh tế, xã hội hay không. Trong đó, các địa phương nghèo, ngân sách hạn hẹp thì không nên cố gắng quá sức để đầu tư xây dựng những công trình tượng đài quá lớn".

MỚI - NÓNG