Đụng chạm và tâm tư

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường. Ảnh: Như Ý.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường. Ảnh: Như Ý.
TP - PV báo Tiền Phong trao đổi với 2 đại biểu trẻ, ghi nhận cống hiến và cả những băn khoăn trăn trở của họ…

Lắng nghe và “hiến kế” từ cử tri

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) tâm niệm khi được cử tri tin tưởng lựa chọn, người đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phải nói lên tiếng nói, tâm tư nguyện vọng của người dân.

Là ĐBQH trẻ, lại thuộc đoàn thành phố Hà Nội, địa bàn có nhiều cử tri nhất, anh có chia sẻ gì về những khó khăn, áp lực và cả những động lực trong nhiệm kỳ qua?

Hà Nội không chỉ nhiều cử tri nhất mà cử tri Thủ đô còn rất trí tuệ và tâm huyết nên có những đòi hỏi cao hơn. Đây vừa là động lực vừa là áp lực. Bởi vậy, ngoài những lần đi tiếp xúc cử tri, tôi thường tận dụng mọi điều kiện, hoàn cảnh để tiếp xúc, lắng nghe tâm tư nguyện vọng, “hiến kế” từ cử tri.

ĐBQH Nguyễn Phi Thường sinh năm 1971, thuộc đoàn ĐBQH Hà Nội. ĐB Nguyễn Phi Thường là tiến sĩ kinh tế, thạc sĩ kỹ sư tổ chức GTVT và hiện đang là Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Tổng Công ty vận tải Hà Nội. Tiếp tục ứng cử ĐBQH khóa XIV, ông Nguyễn Phi Thường đều nhận được 100% tín nhiệm của cử tri tại nơi công tác, nơi cư trú và tại Hội nghị hiệp thương lần ba vừa qua.

Mỗi năm QH họp hai lần, mỗi lần kéo dài cả tháng trời. Mỗi ĐBQH phải làm việc nhiều hơn ngày thường. Chẳng hạn khi QH bàn về một dự án luật nào đó, trong tay mỗi ĐBQH là một tập tài liệu, phải dành thời gian tìm hiểu, nghiên cứu thật kỹ, đau đáu những vấn đề nóng bỏng trong xã hội, những vấn đề dân sinh bức xúc, những định hướng lớn trong phát triển kinh tế- xã hội đất nước.... Từ đó mới có thể đưa ra những ý kiến đóng góp thiết thực, hiệu quả trong các phiên thảo luận.

Một vấn đề luôn được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm là câu chuyện nhượng quyền khai thác đường cao tốc, cảng biển, sân bay cho tư nhân. Nhiều ý kiến ủng hộ, song cũng không ít ý kiến băn khoăn lo ngại, đặc biệt là câu chuyện phí chồng phí. Và chính kiến của anh tại kỳ họp được xem là khá chí lý?

Trong điều kiện Việt Nam hiện nay, nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ yêu cầu phát triển rất lớn, trong khi tiềm lực kinh tế khó khăn, nợ công tới ngưỡng, cho nên việc tính toán chuyển nhượng quyền khai thác các dự án đã đầu tư là rất cần thiết. Ngay khi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) thông tin chủ trương sẽ bán một số công trình hạ tầng giao thông như sân bay, cảng biển, đường cao tốc... Nhiều chuyên gia lên tiếng ủng hộ nhưng cũng đưa ra những khuyến nghị cần thận trọng. 

Tôi cho rằng, những cảnh báo thận trọng, những lo lắng, băn khoăn đó hoàn toàn có cơ sở, trước hết bởi đây là vấn đề quốc kế dân sinh nhưng lại còn khá “lạ lẫm” với môi trường Việt Nam. Mặt khác cũng bởi đâu đó vẫn còn những vấn đề như quản lý nhà nước, quản lý đầu tư công chưa chặt chẽ, chất lượng công trình yếu kém, tham nhũng, thất thoát, lãng phí chưa được ngăn chặn hiệu quả. Đặc biệt, ở ngành giao thông vẫn đâu đó còn điều tiếng về hiện tượng phí chồng phí, mặc dù các bên liên quan đều đúng quy trình nhưng trạm thu phí hoàn vốn cho đường này lại vẫn được đặt để thu phí trên con đường khác. Cá nhân tôi cũng được cử tri lên tiếng phản ánh bị thu phí oan và đã đề nghị cần có giải pháp chấm dứt tình trạng này.

Cũng liên quan vấn đề giao thông đã và đang rất được quan tâm là chủ trương xây dựng dự án sân bay Long Thành. Tại những lần phát biểu ở tổ và trên nghị trường, quan điểm của ông cũng “đụng” vào nhiều vấn đề gai góc?

Một vấn đề mà nhiều ĐB còn băn khoăn là: sân bay Long Thành có cần thiết và cấp thiết hay không? Qua nghiên cứu, tôi thấy dự án sân bay Long Thành vừa cần thiết vừa cấp thiết. Vì sao? Dự án này cần thiết bởi một đất nước 90 triệu dân đang trên đà công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển và hội nhập sâu với khu vực và thế giới thì không thể không có một sân bay tầm cỡ quốc tế. Còn tại sao cấp thiết thì chúng ta đều rõ, hàng không quốc tế đang bùng nổ, hàng không châu Á và hàng không Việt Nam tăng trưởng liên tục hai con số. Mô hình và xu hướng vận tải hàng không thế giới hiện nay là dùng sân bay trung chuyển, các sân bay khác là vệ tinh. Nếu không có cảng hàng không trung chuyển thì hàng không dân dụng sẽ bị phụ thuộc, ảnh hưởng tới vị thế và khả năng phát triển.

Tuy nhiên qua nghiên cứu báo cáo tôi thấy vẫn còn những điểm “mờ” cần làm rõ hơn. Bài toán khó nhất ở đây chính là vấn đề nguồn vốn khi dự án có tổng mức đầu tư lên đến 18 tỷ đô la, do vậy dự án bắt buộc phải có sự kết hợp tìm kiếm đa nguồn vốn. Cũng từ đó, cần cân nhắc kỹ hơn việc lựa chọn đầu tư và phân kỳ đầu tư để giảm suất đầu tư, tăng hiệu quả đầu tư và sử dụng vốn. Rồi phương án khai thác kinh doanh sân bay Long Thành còn được đề cập khá mờ nhạt. Bên cạnh đó cũng cần làm rõ hơn vai trò chiến lược của dự án trong phát triển ngành hàng không dân dụng, trong phát triển kinh tế xã hội vùng kinh tế trọng điểm Nam bộ và tỉnh Đồng Nai.

Đụng chạm và tâm tư ảnh 1

Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Hương Sen.

Bâng khuâng, trăn trở

Trong suốt 5 năm hoạt động ở Quốc hội (QH), tôi có rất nhiều kỷ niệm, đến giờ phút chia tay, tôi còn cảm thấy nhiều bâng khuâng, lưu luyến. Đó là tâm sự của ĐBQH Vũ Thị Hương Sen, đoàn Hải Dương (ĐB trẻ nhất khoá XIII, sinh năm 1986).

Bên cạnh áp lực về công việc, về trọng trách và vai trò của người ĐB, tôi còn có chút áp lực về xã hội, có không ít người thấy mình trẻ, là nữ nên có những cái nhìn không khách quan, tiêu cực về con người mình, điều đó cũng gây xáo trộn đôi chút trong cuộc sống riêng tư trong một thời gian. Tuy nhiên, sau khi được gia đình, bạn bè động viên, tôi cũng lấy được cân bằng. 

ĐBQH Vũ Thị Hương Sen

Động lực giúp tôi phấn đấu trở thành người đại biểu (ĐB) của dân xuất phát từ môi trường làm việc. Ở bệnh viện, tôi luôn tiếp xúc với người dân có hoàn cảnh khó khăn, tôi chỉ hy vọng sẽ cố gắng góp chút sức nhỏ bé của mình để giúp đỡ được phần nào cho những người dân ấy. Được trở thành ĐBQH là một vinh dự nhưng cũng là áp lực lớn đối với tôi, bởi tôi còn trẻ. Chưa kể, môi trường làm việc của QH khác rất nhiều so với công việc chuyên môn tôi đang làm, đòi hỏi tôi phải có sự cố gắng rất nhiều để hoàn thành được cả hai vai trò.  

Có thể nói tôi là người khá may mắn. Từ khi tham gia QH, lãnh đạo bệnh viện nơi tôi công tác luôn quan tâm, tạo điều kiện bố trí bác sỹ làm thay để tôi có điều kiện dành trọn thời gian cho kỳ họp. Ngoài ra, trước khi kết hôn, tôi đã là ĐBQH, vì vậy ông xã cũng khá thoải mái với công việc và lịch họp của tôi.

Bước chân vào nghị trường, tôi luôn tâm niệm phải cố gắng hoàn thành vai trò của một ĐB, cố gắng truyền tải những ý kiến, kiến nghị của cử tri đến QH thông qua các bài phát biểu, các câu hỏi chất vấn của mình với kỳ vọng đời sống của người dân ngày càng được nâng lên. Vấn đề cử tri quan tâm chính là vấn đề tôi quan tâm. Những ý kiến tôi phát biểu hay những câu hỏi chất vấn các vị bộ trưởng chính là những tâm tư, nguyện vọng của cử tri.

   

Những kỳ họp kéo dài cả tháng trời, tôi cũng như nhiều ĐB khác luôn “ngập” trong những tài liệu, luôn phải suy nghĩ tới những vấn đề “nóng” trong các phiên thảo luận nên áp lực là điều khó tránh khỏi.

Sau 5 năm nhìn lại, tôi thấy mình vẫn còn nhiều trăn trở. Tôi nhớ, có một cử tri ngành giáo dục gọi điện cho tôi phản ánh về chế độ đối với những người làm trong ngành giáo dục nhưng không tham gia giảng dạy trực tiếp (như văn thư, y tế học đường…) lương thấp, không có phụ cấp đứng lớp nên đời sống khó khăn. Điều họ mong muốn là Nhà nước cần tạo điều kiện, quan tâm và có chế độ ưu đãi đối với những đối tượng như vậy. Nhưng trong báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ, về vấn đề giáo dục chưa được đánh giá một cách đầy đủ và phù hợp với thực tế… 

MỚI - NÓNG