"Đừng cư xử với ngân sách Nhà nước như với “con bò sữa”

"Đừng cư xử với ngân sách Nhà nước như với “con bò sữa”
TP - Tại phiên thảo luận về kinh tế-xã hội và ngân sách của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) đã cảnh báo tình trạng “cư xử với Ngân sách Nhà nước như với con bò sữa”.

Phát biểu trong phiên thảo luận của Quốc hội (QH) về vấn đề ngân sách Nhà nước (NSNN), diễn ra hôm qua (24/10), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và ngân sách của QH Tào Hữu Phùng cho rằng, tình trạng dàn trải, hiệu quả thấp, lãng phí trong chi đầu tư phát triển từ NSNN năm 2006 vẫn chưa được ngăn chặn có hiệu quả, nợ đọng xây dựng cơ bản còn lớn...

Ông Phùng đưa ra dẫn chứng: “Điển hình như Hà Giang mà chúng ta đã biết. Bên cạnh đó, chất lượng công trình xây dựng cơ bản của một số ngành, địa phương còn ở mức đáng báo động, ví dụ một tỉnh xây dựng bệnh viện hết 20 tỷ đồng, 50 giường bệnh nhưng thiếu trang thiết bị, thiếu y, bác sỹ nên 2 năm nay không có người đến khám, tỉnh khác xây dựng một nhà máy chế biến rau quả 3 tỷ đồng nhưng không có nguyên liệu, nên nhà máy thành nơi bán... xe máy.

Về phân bổ NSNN từ 2007 đến 2010, ông Phùng hoan nghênh việc Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 quyết định kịp thời là Quyết định 151 về phân bổ chi thường xuyên và Quyết định 210 về chi đầu tư xây dựng cơ bản, với nội dung vừa đảm bảo khuyến khích các động lực cho “tỉnh giàu làm giàu hơn và lôi kéo các tỉnh nghèo đi lên”, đồng thời vẫn quan tâm đến các tỉnh nghèo.

Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) đã cảnh báo tình trạng “cư xử với NSNN như với con bò sữa”, và lấy dẫn chứng từ việc giải phóng mặt bằng để làm con đường nối Kim Liên - Ô Chợ Dừa (Hà Nội).

“Một đoạn đường khoảng 1km mà chi giải phóng mặt bằng hết 600 tỷ đồng, còn đắt hơn cả làm 1km đường tàu điện ngầm. Sở dĩ có tình trạng như vậy vì tiền giải toả mặt bằng lấy từ NSNN, nếu đó là tiền túi cá nhân thì cách chi tiêu sẽ khác ngay” - Ông Thuyết nói.

Phải chi cho nông dân nhiều hơn nữa

Cho rằng trước xu thế hội nhập, phải chi cho nông thôn, nông nghiệp, nông dân nhiều hơn nữa, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của QH Nguyễn Thị Hoài Thu nói: “Không thể để nông dân kêu mãi về vật tư phục vụ sản xuất, nhất là giá phân bón lại tăng. Bà con bảo tôi, giá vật tư tăng như vậy thì cần thêm đất để làm gì, để khổ thêm à. Vậy là bà con kéo nhau đi làm thuê...”.

Chủ nhiệm Văn phòng QH Bùi Ngọc Thanh đưa ra những con số cảnh báo: “6 năm qua, cả nước thu hồi 30 vạn ha đất nông nghiệp, hệ quả là 3,7 triệu nông dân mất đất, 75% trong số này trước khi bị thu hồi đất có việc làm, sau đó chỉ còn 49% có việc làm. Thiếu công ăn việc làm, hàng triệu người lao động trở thành đội quân tiêu thụ.

Tới đây, dự kiến còn khoảng 64 vạn ha đất nông nghiệp nữa sẽ bị thu hồi”, ông Thanh tỏ ra bức xúc: “Không nên coi việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất như một cuộc mua bán đơn thuần. Đáng lẽ phải lo đời sống, lo việc làm cho người nông dân sẽ bị thu hồi đất trước rồi mới tính tới việc lấy đất, đằng này ta đang làm ngược lại”.

Với hôm nay (25/10), QH thảo luận về dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ và dự thảo Luật Đê điều.

MỚI - NÓNG