Đúng là Bộ đội Cụ Hồ

Lực lượng công binh đang xử lý sự cố trong hầm hẹp.
Lực lượng công binh đang xử lý sự cố trong hầm hẹp.
TP - Lúc 16 giờ 10 phút, ngày 19/12, đường hầm ngách trái cứu hộ các nạn nhân trong vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng do bộ đội công binh thực hiện được chọc thủng và 12 nạn nhân lần lượt được đưa ra khỏi hầm trong vỡ òa niềm vui.

Ánh sáng cuối đường hầm

Để đưa được 12 công nhân mắc kẹt trong hầm thủy điện Đạ Dâng ra ngoài, hai đường hầm song song đã được thực hiện qua vị trí sạt lở. Bên phải là do lực lượng cứu hộ sự cố sập hầm của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), phía đối diện là đường hầm do lực lượng công binh chuyên thi công các công trình ngầm của Lữ đoàn 293 thực hiện.

Tận mắt chứng kiến việc đào hầm mới thấy được hết khó khăn, vất vả và cả nguy hiểm nữa của những chiến sĩ. Tại vị trí hầm sạt lở, hai lối nhỏ chỉ vừa một người đi khom lưng vào là hai đường hầm đang được thi công. Phía trái, các cán bộ chiến sĩ công binh lặng lẽ làm công việc của mình, không ai nói với ai câu gì, tất cả tập trung cho công việc. Một chiến sĩ phía trong đào và gia cố hầm, một chiến sĩ khom lưng gạt những xẻng đất vừa được đào chuyển ra cửa hầm, chiến sĩ phía cửa hầm xúc đất đưa lên xe cho một chiến sĩ khác đẩy ra ngoài đổ. Tất cả quy trình cứ lặp đi lặp lại. Như một dây chuyền công nghiệp đều đặn. Mỗi khi gặp một khối đá lớn, người phía trong đẩy, người phía ngoài kéo lăn ra ngoài. Quần áo bộ đội màu xanh đã nhuốm màu đỏ của đất bazan, tóc bết vào nhau vì nước và bùn đất từ mái hầm nhỏ xuống tí tách.

Phía ngoài cửa hầm, đại tá Nguyễn Hữu Hùng - Phó Tham mưu trưởng binh chủng Công binh (Bộ Quốc phòng), người được giao nhiệm vụ tổng chỉ huy các lực lượng làm nhiệm vụ cứu hộ không rời mắt vào hầm. Khi các chiến sĩ gặp đoạn hầm có đá, hay nước, lập tức ông cho ý kiến chỉ đạo. Cứ thế, đường hầm do Công binh thực hiện phăng phăng tiến thẳng vào trong phát hiện và đưa được 12 công nhân an toàn ra ngoài.

Trung úy Nguyễn Hữu Tiền, Phó đại đội trưởng thuộc Lữ đoàn 293, một trong những người chọc thủng đường hầm cứu hộ, nhớ lại: “Hôm đấy chúng tôi vừa đổi ca. Đào được một lúc thì tôi cảm thấy có luồng khí lạnh từ trong ra, còn dưới chân đường hầm đất ngày càng ướt. Tôi báo cáo với đồng chí thượng tá Lê Đình Hùng, Lữ phó Lữ đoàn 293 về điều này và phán đoán có khả năng trong kia nước rất nhiều. Lữ phó bảo tôi cứ tiếp tục làm theo kế hoạch”, trung úy Tiền nói. Các chiến sĩ công binh đào thêm khoảng 2 mét nữa thì nước trong hầm rỉ ra và thêm 50cm thì thấy chấm sáng phía trong, nhưng chưa biết có phải ánh điện hay không (một bóng điện nhỏ được đưa vào trong qua mũi khoan trước đó). “Tôi báo cáo, đồng chí Lữ phó bảo tắt điện thử xem sao. Khi điện ngắt, ánh sáng cũng mất”, trung úy Tiền kể giọng đầy xúc động.

Đào vài mét nữa thì ánh đèn lộ ra, khoảnh khắc đầy ý nghĩa ấy giờ đang tươi nguyên, trung úy Tiền kể: “Khi hầm thông, chúng tôi gọi liên tục nhưng không nghe tiếng trả lời. Lữ phó Lê Đình Hùng ra lệnh cho tôi chui vào trong. Tôi đi vào chừng 3 mét thì nghe tiếng người trong kia vọng ra: “Có ai ngoài kia không cứu chúng tôi với!”. Tôi tiếp tục đi vào, vừa đi vừa hô to: “Có ai trong kia, tất cả ra đây, có bộ đội cứu đây rồi”. Sau tiếng gọi, tôi nghe tiếng mọi người xôn xao. Nước trong hầm rất nhiều, có chỗ ngang cổ. Tôi bơi vào trong, qua khỏi một khúc cua, tôi thấy hai người, một già một trẻ, cả hai đều không mặc áo, trên người chỉ có mỗi chiếc quần đùi. Tôi xốc nách dìu họ ra trước. Xong tôi quay lại và bơi thẳng vào trong thì thấy mọi người đang ngồi trên chiếc xe hay máy móc gì đó và hầu như đều không mặc áo. Tôi bảo: “Tất cả mọi người ra đi, không cần quần áo gì cả”. Từ chỗ miệng hầm đào thông vào đến nơi mọi người đang ngồi khoảng 60-70 mét. Tôi dìu từng người men theo đường ống sắt bằng cổ tay tôi (ống truyền thức ăn từ ngoài vào và để nói chuyện giữa người ngoài và trong hầm bị mắc kẹt - PV) để đưa ra ngoài. Đứng ở cửa hầm cứu hộ, Lữ phó Lê Đình Hùng chỉ huy đưa từng nạn nhân một thoát khỏi hầm cứu hộ”.

Lữ đoàn Công binh 293 (Binh chủng Công binh) thành lập ngày 8/4/1993, với 21 năm thành lập, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 293 đã phát huy truyền thống “Mở đường thắng lợi”, vượt qua mọi khó khăn, thử thách... Với thành tích đặc biệt xuất sắc trong thời gian qua, ngày 7/1/2013, Lữ đoàn vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. 

Toàn bộ việc đưa 12 công nhân ra ngoài được giữ tuyệt đối bí mật. Khi người đầu tiên được đưa ra, lúc này các chiến sĩ công binh mới yêu cầu lực lượng cứu hộ của TKV dừng mọi hoạt động. Rồi người thứ 2, thứ 3, thứ 4… lần lượt được đưa ra khỏi cửa hầm cứu hộ. Phía ngoài, mọi ánh mắt dõi theo, những người xung quanh cũng ùa chạy tới, người này tiếp người kia hô vang “cứu được rồi, cứu được rồi”. Cánh phóng viên chúng tôi cũng từ mọi ngả, tay giữ máy ảnh, tay cầm điện thoại chạy như bay về phía cửa hầm thủy điện vừa thông báo về tòa soạn thông tin các công nhân đã được đưa ra ngoài an toàn, lúc đó là 16h30 ngày 19/12.

Binh nhất Hoàng Văn Thao, người chọc thủng đường hầm cứu nạn và cũng là người đầu tiên dìu nạn nhân ra khỏi đường hầm tâm sự: “Lúc mới đào đường hầm, khi vào thấy lực lượng khác đang gia cố như sợ… sập nữa tôi cũng thấy lo. Thế nhưng mệnh lệnh trái tim vì sinh mạng 12 con người thôi thúc chúng tôi. Mảng đất cuối cùng của đường hầm vừa khai thông, tôi run bắn người vì mừng”. Trung úy Tiền cũng cho biết, ca trực tiếp làm hôm đó có 10 người.

Chiến sĩ Nguyễn Vũ Linh và Nguyễn Chí Lâm - hai trong số 50 chiến sĩ công binh tinh nhuệ được điều đến tăng cường kể: “Anh em nào mệt thì lùi ra sau làm việc khác nhẹ hơn, anh em khác lên trước tiếp tục, không nghỉ phút nào”.

Đúng là Bộ đội Cụ Hồ ảnh 1 Đại tá Nguyễn Hữu Hùng vào thám sát hiện trường.

Sáng tạo + quyết tâm = đường sống

“Lực lượng công binh được điều đến sau hai ngày so với các lực lượng khác và chúng tôi bổ nhát cuốc đầu tiên đào đường hầm bên ngách trái vào lúc 16 giờ ngày 18/12 và chỉ 24 giờ 10 phút sau là thông hầm, cứu được nạn nhân” - Đại tá Nguyễn Hữu Hùng - Phó tổng tham mưu trưởng binh chủng Công binh (Bộ Quốc phòng), người được giao nhiệm vụ tổng chỉ huy các lực lượng làm nhiệm vụ cứu hộ nhớ lại.

Đứng ngay cửa hầm khi đã cứu được 12 công nhân an toàn, đại tá Đặng Văn Cát - Trưởng phòng Phòng chống cháy nổ cứu sập (Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn), Cục cứu hộ cứu nạn thuộc Bộ Quốc phòng kể, khi nhận được tin sập hầm, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn và Cục cứu hộ cứu nạn đã tham mưu cho Bộ Quốc phòng điều lực lượng của Bộ Tư lệnh Công binh thi công công trình ngầm lên Lâm Đồng tham gia trực tiếp công tác cứu hộ, cứu nạn. Lực lượng Công binh nghiên cứu hiện trường và buổi chiều hôm đó Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vào, công binh xin mở thêm đường hầm thứ 2, phòng trường hợp hầm phía TKV tắc thì bên này vẫn tiếp tục. Ban đầu, phương án đưa ra là đào một đường hầm đi vào giữa vị trí sạt lở, nhưng sau đấy xác định đây là sụt theo dạng nón, nên quyết định là làm đường hầm mới ở ngách hầm phía trái, nhằm tận dụng chống tràn (chống lở đất) là vách bê tông hầm, đi sát tường nên áp lực đất cũng giảm đi.

Ngoài ra, do là đất sụt từ trên xuống sẽ theo hình nón (nhỏ ở trên và to dần xuống dưới), nên việc thi công một nửa phía ngoài thấp, nửa cuối hầm cao hơn đã rút ngắn được phần quãng đường, bớt nhiều thời gian. “Trong đường hầm còn rất nhiều nước, nên việc thi công cao lên cũng tạo thành một bờ đê cản nước, và khi thông vào trong thì nước cũng không bị tràn vào hầm”, đại tá Cát nhớ lại.

Một sáng kiến được các chiến sĩ công binh thực hiện, thay vì đưa từng thanh chống vào hầm, việc tạo khuôn chống tràn được thực hiện ngay từ ngoài hầm rồi chuyển vào trong. Lực lượng phía trong khoét tới đâu thì đẩy khuôn chống tràn vào tới đấy để cố định luôn cả 4 phía của hầm cứu hộ. “Nếu không may có nước lớn đẩy sạt chân hầm thì hầm vẫn không bị đe dọa vì có bộ khung chắc giữ ổn định hầm, và lực lượng cứu hộ cứ thế tiến hành”, đại tá Cát nói.

Ngoài ra, giải pháp phân ca giúp đẩy nhanh tiến độ. Lúc đầu là 3-4 tiếng/ca, sau đó rút xuống 2 tiếng/ca. Thậm chí, có người mệt là thay người khác vào ngay, để anh em nghỉ lấy sức, người khỏe mới làm nhanh.

Đại tá Hùng cho biết, vì điều kiện địa chất nên không cho phép đưa bất cứ phương tiện cơ giới nào vào để đào hầm giải cứu. Do vậy, tất cả đều phải đào thủ công bằng sức người. “Kiểu đào hầm truyền thống của bộ đội cụ Hồ, của cha ông vẫn phát huy tác dụng tốt, hiệu quả cao” - đại tá Hùng khẳng định. Để đẩy nhanh tốc độ đào hầm, quân đội đã điều 110 cán bộ chiến sĩ thuộc 3 đơn vị tham gia, trong đó Lữ đoàn 293 của Binh chủng Công binh (Bộ Quốc phòng) chịu trách nhiệm trực tiếp. Ngoài ra, hai đơn vị công binh khác của Quân khu 7 và tỉnh đội Lâm Đồng làm nhiệm vụ vòng ngoài như vận chuyển vật liệu chống hầm từ ngoài vào đồng thời vận chuyển đất cát ra.

Trong đêm 18, rạng sáng 19/12, đại tá Nguyễn Hữu Hùng đã nhiều lần vào tận trong hầm cứu hộ vốn rất chật hẹp để thị sát, chỉ đạo thi công. Ông cũng kịp thời động viên tinh thần chiến sĩ trong những thời khắc khó khăn nhất. Phóng viên Tiền Phong cũng đã vào tận trong hầm cứu nạn để ghi những bức ảnh nóng hổi về người lính công binh. Các dụng cụ đào hầm như cuốc, xẻng, xà beng… đều có cán rất ngắn để thích hợp với không gian chật hẹp. Các chiến sĩ đào hầm làm việc theo hàng một, người trong cùng đào  và hắt đất đá ra phía sau, người tiếp sau đó lại cào và hắt đất ra sau nữa. Những người ở phía sau đó xúc đất đưa lên xe rùa đẩy ra ngoài xa. Những khi gặp đá lớn, không thể lăn, các chiến sĩ phải dùng đến thuốc nổ, cho nổ om (nổ nhỏ), sau đó dùng mũi sắt nhọn và búa phá đá thành từng mảnh nhỏ…

Sáng phẩm chất người lính Cụ Hồ

Kể từ khi xảy ra sự cố sập hầm, ông Nguyễn Xuân Tiến - Bí thư tỉnh ủy Lâm Đồng lo lắng, đứng ngồi không yên. Ngay sau khi hoàn thành việc đưa 12 nạn nhân ra khỏi hầm, ông Tiến như muốn gào lên vì sung sướng: “Không có gì hạnh phúc hơn khi tất cả 12 nạn nhân đã được cứu sống!”. Trước đó, khi vào tận nơi quan sát các lực lượng đào hầm cứu nạn, bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng đã thốt lên: “Tôi rất khâm phục tinh thần của các nạn nhân, cũng như những nỗ lực của các lực lượng cứu hộ không quản ngày đêm đào hầm và đạt được tiến độ nhanh chóng”.  

Đại tá Phan Văn Tỵ - Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ - cứu nạn (Bộ Quốc phòng) phấn khởi: “Đây là chiến công chung của toàn thể lực lượng tham gia cứu hộ. Nhưng với công binh, đó là món quà  dành tặng nhân dân nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam”. Ông cũng ghi nhận, trong hoàn cảnh thi công cực kỳ khó khăn nhưng lực lượng công binh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Đại tá Nguyễn Hữu Hùng không giấu niềm hạnh phúc: “Nhiệm vụ lớn nhất của các lực lượng tham gia cứu hộ cứu nạn là đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các nạn nhân giờ đã hoàn thành”.

MỚI - NÓNG