Dựng làng mới cho dân vùng núi lở

Các chiến sỹ giúp người dân dựng nhà ở nơi ở mới.
Các chiến sỹ giúp người dân dựng nhà ở nơi ở mới.
TP - Một cuộc di dân khẩn cấp ngoài kế hoạch của những hộ dân thoát chết sau trận lở núi kinh hoàng tại thôn 2 xã Trà Vân (huyện Nam Trà My, Quảng Nam). Khe Chữ là nơi họ dừng chân và bắt đầu cuộc sống mới. Dẫu còn đầy rẫy những khó khăn, nhưng ít nhất ở đây họ thấy an lòng khi không còn nghe tiếng núi lở rạt bên tai, và ấm lòng khi tất cả đang dồn sức chung tay dựng nhà, dựng làng giúp họ qua cơn bĩ cực.

Hơn 1 tháng sau trận lở núi kinh hoàng, chúng tôi trở lại xã Trà Vân, huyện Nam Trà My. Dấu vết cơn thịnh nộ của thiên nhiên vẫn còn ngổn ngang, lực lượng chức năng vẫn đang dồn sức khắc phục, giúp dân kịp đón Tết.

Ám ảnh làng sập

4 người chết, 13 người bị thương, nhà sập. Cả ngôi làng phút chốc làng tan hoang, vùi trong đất đá. Đường sá tắc nghẽn, phương tiện liên lạc không thể hoạt động. Ngày dài, đêm thăm thẳm khi cô lập hoàn toàn với bên ngoài. Đó là những ký ức của người dân nóc Ông Tuân (thôn 2 xã Trà Vân) về ngôi làng họ từng gắn bó sau trận lở núi đầu tháng 11.

Ngồi co mình bên bếp lửa trong căn nhà được bộ đội dựng tạm trong khi chờ nhà mới, bà Hồ Thị Hạnh kể lại những ngày ở làng cũ trong cơn bão số 12. Ngôi nhà bà Hạnh nằm bên vách núi.

Ngày 6/11, trận lở núi kinh hoàng vùi chết 4 người, trong đó có 3 em nhỏ. Cả ngôi làng tan hoang, đổ nát dưới lớp đất đá. “Sợ lắm. Mấy ngày liền trời mưa to, gió giật. Ngồi trong nhà mà lúc lại nghe tiếng rầm rầm, tưởng như đất đá đã trùm lên nhà mình rồi. Người ta gào khóc trong mưa vì người thân chết, nhà sập” - giọng bà Hạnh còn run run. Theo đoàn người hỗ trợ di dời, bà ngoảnh lại nhìn làng chỉ còn một đống tan hoang đổ nát. Gần hết một đời gắn bó ở đây, chưa bao giờ bà chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng đến vậy.

Anh Hồ Văn Toàn (25 tuổi), trưởng nóc Ông Tuân cho hay, cả tổ có 24 hộ bị thiệt hại, trong đó 4 hộ bị sập nhà. Chưa bao giờ mọi thứ trở nên ghê sợ đến thế. “Làng mất rồi. Núi lở, đất nứt hết rồi nên phải kiếm chỗ an toàn thôi. Nếu còn ở đó thì không ai giữ được mạng sống nữa”. Anh Toàn bảo, dù rất sợ sạt lở nhưng không dễ gì để người dân dời làng đến nơi khác. Làng không chỉ là nơi ở, mà còn là đất thiêng. Lúc đầu người dân còn nấn ná vì những tục niệm nhưng sau đó thì ai nấy đều gật đầu đồng ý vì đảm bảo an toàn tính mạng. Dân làng làm lễ chuyển đến nơi ở mới.

Dựng làng mới cho dân vùng núi lở ảnh 1 Toàn cảnh Khe Chữ - nơi xây dựng khu dân cư mới cho các hộ dân vùng sạt lở Trà Vân. Ảnh: H. Văn.

Di dân

Ông Trần Văn Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, trận mưa lũ kéo dài từ ngày 3 - 9/11 gây sạt lở nghiêm trọng trên địa bàn. Tình hình hết sức căng thẳng, địa phương phải xin hỗ trợ khẩn cấp từ BCH Quân sự tỉnh Quảng Nam và Quân khu 5. Huyện phải tạm ứng ngân sách, không để dân bị đói, không để cảnh màn trời chiếu đất. 268 nhà (thuộc 10 xã) phải di dời, riêng thôn 2 xã Trà Vân là 144 hộ di dời vào khu vực Khe Chữ.

Từ hơn nửa tháng nay, các lực lượng chức năng đã có mặt tại đây hỗ trợ người dân dựng nhà tại làng mới Khe Chữ. Đây là nơi an toàn, không có khả năng xảy ra lở núi. Mỗi hộ được bố trí 360m2. “Đây là cuộc di dân ngoài kế hoạch. Tuy nhiên, về lâu dài, địa phương xác định sắp xếp khu dân cư, đầu tư hạ tầng, xây dựng Khe Chữ trở thành khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu” - ông Mẫn nói.

Những cơn mưa dai dẳng vẫn chưa dứt, con đường dẫn vào xã Trà Vân càng thêm lầy lội. Từ trung tâm huyện về xã chưa đến 10 cây số nhưng phải mất gần 2 giờ chạy xe máy, trầy trật với đoạn đường sình lầy chúng tôi mới đến được xã. Từ nóc Ông Tuân đến làng mới Khe Chữ khoảng hơn 1km, nhiều đoạn phải khiêng xe, lội bộ.  

“Hôm nay có chút nắng, còn chạy xe vào được tới xã chứ mấy bữa trước toàn phải đi bộ vào thôi. Chỉ thương bộ đội, dù mưa gió vẫn đội mưa làm. Nếu không có bộ đội giúp di dời, đưa nhà cũ lên dựng ở nơi mới thì không biết bao giờ người dân chúng tôi mới thoát cảnh núi đè, nhà sập” - anh Toàn nói.

Mệnh lệnh trái tim

Khu đất rộng lớn tại Khe Chữ là nơi lập làng mới. Những ngày này, hàng trăm chiến sỹ thuộc lực lượng BCH Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam, BCH quân sự huyện Nam Trà My, Sư đoàn Bộ binh 315 (Quân khu 5) và dân quân các xã… đang túc trực, khẩn trương giúp dân dựng lại nhà.

Đại úy Nguyễn Thái Huy – Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 143, Sư đoàn 315 (Quân khu 5) cho hay, thời tiết liên tục mưa khiến công tác hỗ trợ di dời và dựng nhà giúp dân gặp nhiều khó khăn, trong khi khối lượng công việc khá lớn. Cán bộ chiến sỹ phải tranh thủ thời gian.

 “Dù thời tiết không được thuận lợi nhưng chiến sỹ luôn nêu cao quyết tâm. Tinh thần chủ động tìm việc, làm khẩn trương, hiệu quả cố gắng hoàn thành trước Tết Nguyên đán để dân yên tâm đón Tết”, đại úy Huy nói.

Khoảnh đất tại Khe Chữ giờ như một công trường, không khí làm việc khẩn trương. Xe vận tải ra vào liên tục, chuyển đồ từ nóc Ông Tuân đến làng mới Khe Chữ. Bên này các chiến sỹ khẩn trương khiêng gỗ từ xe vận chuyển đến các nền đất để dựng, bên kia dân quân xẻ từng vuông gỗ mới. Mảnh đất này trước là ruộng gồ ghề giờ cũng đã được san nền, những ngôi nhà gỗ bắt đầu được dựng nên.

Trung tá Trần Văn Chín – Phó Tham mưu trưởng Ban chỉ huy quân sự huyện Nam Trà My là một trong những người đầu tiên tiếp cận hiện trường sạt lở tại xã Trà Vân. Tiếp đó là những ngày dài túc trực, cùng các cán bộ chiến sỹ hỗ trợ di dời dân đến nơi an toàn, giúp dân làm nhà tạm. Hiện anh trực tiếp chỉ đạo lực lượng đơn vị giúp dân dựng nhà. Đơn vị đảm nhận việc đưa gỗ về dựng nhà bếp mới  cho dân. “Với người đồng bào Ca Dong, nhà bếp có vai trò rất quan trọng trong sinh hoạt cũng như đời sống tinh thần. Đơn vị thường xuyên duy trì 60 dân quân, 7 cán bộ huyện cho mỗi đợt (từ 10  -12 ngày/ đợt). Dự kiến sẽ dựng 116 nhà. Lực lượng đang tiến hành khẩn trương nhiệm vụ, quyết tâm hoàn thành trước Tết Nguyên đán để bà con kịp đón Tết”.

Đôi tay thoăn thoắt đưa gỗ lên mái, rồi đóng đà, lợp tôn, thượng úy Trịnh Kiêm Nhơn (Tiểu đoàn quân y 24, Sư đoàn 315, Quân khu 5) cho hay đã túc trực tại đây gần 1 tháng. Ngoài nhiệm vụ giúp dân dựng nhà, thượng úy Nhơn còn đảm nhận việc khám bệnh cho người dân nên lúc nào cũng kè kè túi thuốc. Ngày thì dựng nhà, tối lại thì vào từng nhà để khám bệnh. “Chăm sóc sức khỏe đối với người dân cũng hết sức quan trọng. Đôi khi người dân chủ quan hoặc chưa biết cách thì mình phải tư vấn, hướng dẫn nữa. Sức khỏe đảm bảo mới làm việc và chăm lo cho cuộc sống, vượt qua khó khăn được” - Thượng úy Nhơn chia sẻ.

Anh Hồ Văn Liệu (43 tuổi) cứ chạy quanh các góc, ngắm nghía ngôi nhà đang dần định hình trên nền đất mới, rồi gật gù. “Các chiến sỹ làm nhanh thật, mới ngày qua căn nhà còn chênh vênh bên vách núi ở làng cũ mà giờ đã được đưa về đây. Năm ni đón Tết ở làng mới rồi, không còn lo núi đè nhà sập nữa” - anh cười, rồi nhanh tay cùng các chiến sỹ khiêng tôn lợp mái.

Hiến đất dựng làng

Ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho hay, để xây dựng khu dân cư mới Khe Chữ, nhiều hộ dân đã tự nguyện hiến đất. Có khoảng 15 hộ đã tự nguyện hiến đất để dựng làng, trong đó có hộ hiến hàng ngàn mét vuông đất. “Dù các hộ này cũng rất khó khăn vì nhà sập, thiếu đất sản xuất nhưng tinh thần đùm bọc, chia sẻ lẫn nhau trong lúc khó như vậy là rất đáng quý”.

MỚI - NÓNG