Dự án tăng cường năng lực giao thông Hà Nội: Chi 24 triệu USD để được gì?

Dựng “lươn”, đắp “trạch”, thảm đường rồi... phá!

Dựng “lươn”, đắp “trạch”, thảm đường rồi... phá!
Không chỉ lãng phí tiền tỷ trong việc lắp hệ thống đèn tín hiệu, sắm xe “đắp chiếu”, dự án tăng cường năng lực giao thông Hà Nội còn dựng lên những dải phân cách cứng. Song, do thiết kế tuỳ tiện, hàng chục tỷ đồng tiền đi vay đã bị thất thoát lãng phí…

Trạch, lươn cũng tốn bạc tỷ

Hành lang Lê Duẩn- cách đây không lâu, những dải phân cách bê tông lừng lững kéo dài vài hàng trăm mét trị giá hàng trăm triệu đồng được bày ra giữa đường.

Người ta lý giải về sự có mặt của những khối bê tông nhằm: Tăng khả năng lưu thông, giảm tai nạn. Trái với những lời biện minh, thực tế tai nạn tăng nhiều.

Để đối phó với dư luận, những khối bê tông được âm thầm chuyển xa trung tâm thành phố rồi xếp xó mà không có một lời giải thích! Nút giao Trần Hưng Đạo - Lê Thánh Tông cũng trong tình trạng tương tự.

Đầu năm 2003, một thanh niên xấu số đã húc xe máy vào dải phân cách có hình giọt nước tại đường Cát Linh (gần điểm giao với đường Tôn Đức Thắng), chết bất đắc kỳ tử.

Cảnh sát giao thông bức xúc, dư luận bức xúc…Chủ đầu tư nhấn mạnh: “Giọt nước” để cho ô tô quay đầu thuận tiện. Không lâu sau, người ta cấm ô tô quay đầu tại đây. Giọt nước giá trị cả trăm triệu đồng chỉ để…ngắm. Không ít vụ tai nạn xảy ra vì giọt nước này.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại hầu hết các nút giao thuộc dự án đều được tuỳ tiện dựng lươn, xây trạch: hành lang Bạch Mai; Tây Sơn; một số tuyến phố kiểu Pháp, phố cổ... Và tất nhiên sau đó người ta cũng thoả sức băm khúc những con lươn, con trạch này.

Đặc biệt, tại nút Tây Sơn- Thái Hà, ngoài việc dựng lên những con lươn, rồi  xoá đi, sửa lại, chủ đầu tư còn chỉ đạo “xoá gọn” một đoạn dải phân cách (dài trên 20m, rộng khoảng 2m). Trước đó, cũng chính chủ đầu tư cho dựng lên dải phân cách này bằng việc quây bê tông, đổ đất, trồng hoa với giá hàng chục triệu đồng…

Không chỉ vậy, để “an toàn”, hành lang Tây Sơn còn được đầu tư hàng ngàn chiếc đinh phản quang, nhiều tuyến, nút giao được kẻ sơn... Nhưng những chiếc đinh sau 2 năm sử dụng đã mất, hỏng đến 95%.

Trên nhiều tuyến đường người ta lại ra sức đi xóa nét sơn… vì không phù hợp. Không biết sự lãng phí hàng tỷ đồng này ai chịu? Rồi lại đến người dân oằn lưng gánh nợ (?).

Hướng dẫn dân đi sai luật!

Lần đầu tiên làn xe thô sơ của Hà Nội được thảm bê tông đỏ - Lời diễn giải của chủ đầu tư làm nức lòng người Thủ đô. Có điều đây là sự “biện bạch” cho việc làm không khoa học và lãng phí nếu không muốn nói là cố ý tổ chức giao thông vi phạm Luật Giao thông đường bộ (GTĐB).

Đường Quang Trung; đường Ngô Quyền; đường Tây Sơn; đường Phan Chu Trinh; đường Lê Thánh Tông; đường phố Huế, Hàng Bài…đều được thảm đỏ hai bên đường phần dành cho xe thô sơ và kẻ sơn nét liền sát với làn đường dành cho xe cơ giới.

Việc làm ngẫu hứng này đã đẩy người tham gia giao thông vi phạm Luật GTĐB: Xe cơ giới luôn lấn làn xe thô sơ. Nghiêm trọng hơn, các tuyến đường một chiều hiện cũng được thảm đỏ hai bên (phần đường dành cho xe thô sơ).

Kiểu tổ chức giao thông này đã vi phạm nghiêm trọng Luật GTĐB. Trái ngược hẳn với mục tiêu “giáo dục chấp hành luật cho dân”, dự án này nhiều năm nay đã  “hướng dẫn dân đi sai luật”.

Trích Khoản 1, điều 9 và Khoản 2, điều 13, Luật GTĐB:

- Trên đường một chiều có vạch kẻ phân làn đường, xe thô sơ phải đi trên làn đường bên phải trong cùng, xe cơ giới đi trên làn đường bên trái.

- Người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ.

Xét về góc độ kinh tế, chỉ riêng việc thảm đỏ đường cho xe thô sơ đã lãng phí khoảng gần chục tỷ đồng.

Được biết, trước đó Bộ GTVT đã có công văn gửi Sở GTCC Hà Nội, Chủ đầu tư khuyến cáo rằng: “Vì là đường nội đô do đó nên đồng nhất kết cấu làn xe cơ giới với làn xe thô sơ (với kết cấu làn thô sơ làm mới có lớp AC dày 3 cm - lớp bê tông đỏ rải trực tiếp trên lớp cấp phối đá răm rất dễ bị bong bật khi xe cơ giới đi vào). Theo Bộ GTVT nên chọn thảm bê tông atphan dày 7cm, hoặc 5cm”.

Tiếc rằng những ý kiến này đã bị chủ đầu tư  phớt lờ. Không biết, dưới những lớp “thảm đỏ” đặc biệt này ẩn chứa điều gì uẩn khúc? Ai sẽ phải chịu trách nhiệm về những việc làm trái luật và những lãng phí thất thoát? Liệu rằng chủ đầu tư có lại tìm cách biến lớp bê tông “đỏ” thành “đen”?

Không chỉ lãng phí tiền tỷ vào những hạng mục khó hiểu, nhiều hạng mục của dự án đã xuống cấp nặng như lún, vỡ mặt đường, vỉa hè tan nát...như: Đường Lê Thánh Tông, đường Quang Trung, hành lang Tây Sơn, Trần Quang Khải…

Mới đây, khi nút giao Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng được khởi công xây dựng, người dân vô cùng xót xa khi nhìn thấy hàng chục ngàn m2 mặt đường vừa đưa vào sử dụng đã bị đào bới, băm bổ để rồi lại được… thảm lại. Lý do là dự án xây dựng 2 nút giao thông Vọng và Ngã Tư Sở trùng một phần lên dự án tăng cường năng lực GTĐT.  Người làm trước cứ làm, người sau phá cứ phá. Tốn kém, lãng phí tiền tỷ… Nhà nước chịu.

Đặc biệt, gần đây sở GTCC Hà Nội lại cho phép cắt, đào đường Nguyễn Trãi khi lớp bê tông của con đường vừa  được thảm nhựa láng bóng. Cả chiều dài đường (từ chợ Xanh, đến phố Hạ Đình) đã bị cắt rộng 80 cm, đào bới và chắc chắn không dừng ở đó.

Xin lưu ý rằng, tuyến đường Nguyễn Trãi là tuyến đường đầu tiên của Hà Nội được xây dựng hệ thống tuy nen (hộp chứa các loại dây điện, dây thông tin liên lạc, cáp quang…) với tổng chiều dài hai bên khoảng 4km. Phần đường bị cắt chỉ cách hào tuy nen 3m. Phải chăng việc đầu tư nhiều tỷ đồng xây dựng hệ thống tuy nen chỉ để ngắm?

Với kiểu tiêu tiền vay một cách “ vung tay quá trán” như thế này, không biết đến bao giờ Hà Nội mới giảm được thất thoát, lãng phí, giảm được tai nạn giao thông; những đồng tiền vay mới được sử dụng đúng mục đích?

MỚI - NÓNG