Dùng Quỹ Bảo trì sửa lại mặt cầu Thăng Long

Dùng Quỹ Bảo trì sửa lại mặt cầu Thăng Long
TP - Bộ GTVT vừa thể hiện quyết tâm sửa chữa 12.000m2 mặt cầu cũ của cầu Thăng Long và cào bóc 2 cm toàn bộ mặt cầu để làm lại.

> Làm lại gần toàn bộ mặt cầu Thăng Long
> Vì sao mặt cầu Thăng Long nhanh xuống cấp?

Thông tin từ Bộ GTVT cho biết, từ thời điểm hết bảo hành đến nay, mặt cầu Thăng Long được sửa chữa trên 14.000m2/tổng số 26.100m2 diện tích mặt cầu. Hiện tại còn trên 12.000m2 mặt cầu cũ, sau 4 năm khai thác đã xuất hiện nhiều vị trí hư hỏng, cản trở lưu thông.

Theo ông Hoàng Hà, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, nên bố trí vốn để sửa chữa toàn bộ phần diện tích hơn 12.000m2 còn lại, vì “không còn hy vọng gì nữa” ở phần mặt cầu cũ này. Thời gian qua, việc sửa chữa được thực hiện bằng công nghệ và vật liệu của Cty Hall Brother (100% vốn của Mỹ hoạt động tại Việt Nam). Ông Hà cho rằng, trên diện tích đã được thi công, từ suốt 14 tháng qua, vật liệu Novabond của DN này có khả năng bám dính ổn định.

Trên cơ sở đề xuất của cơ quan chuyên môn và Cty Hall Brother, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng quyết định giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam ký hợp đồng với đơn vị này sửa chữa phần mặt cầu 12.000m2 và cào bóc thảm 2cm với toàn bộ mặt cầu Thăng Long (để tạo sự đồng đều, êm thuận). Nhà thầu cam kết có thể thi công từ 300 - 500m mặt cầu mỗi đêm, như vậy chỉ sau 1 tuần có thể hoàn tất việc sửa chữa.

Trả lời PV Tiền Phong, quyền Tổng cục trưởng Đường bộ Việt Nam Nguyễn Đức Thắng cho biết, việc triển khai cụ thể sẽ được thực hiện trong tuần này. Do công trình hết hạn bảo hành nên kinh phí sửa chữa từ 14 tháng qua và đợt sửa chữa tới đây lấy từ Quỹ Bảo trì đường bộ. Hiện vẫn chưa xác định kinh phí sửa chữa đợt mới. Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường cho rằng, lưu thông trên cầu Thăng Long hiện nay vẫn đảm bảo an toàn, “việc sửa chữa lần này thể hiện sự chủ động của Bộ GTVT”.

Cuối năm 2009, bằng nguồn vốn xây dựng cơ bản từ ngân sách, Bộ GTVT giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam sửa chữa toàn bộ mặt cầu với kinh phí khoảng 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau khi sử dụng, mặt đường xuất hiện nhiều vết nứt, lún, trượt. Sau nhiều lần vá víu, sửa chữa, Bộ GTVT xác định, đây là thất bại trong chuyển giao công nghệ nên không có cá nhân, tập thể nào phải chịu trách nhiệm.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.