Trên mặt trận xóa đói nghèo

Dũng sĩ diệt Mỹ chiến thắng trong mặt trận đói nghèo

Dũng sĩ diệt Mỹ chiến thắng trong mặt trận đói nghèo
Trở về từ cõi chết, Dũng sĩ diệt Mỹ ưu tú Lê Văn Chớ - Mũi trưởng đội đặc công 20 (Sư đoàn 324 hai lần Anh hùng) trở về quê hương để tiếp tục chiến đấu trên mặt trận kinh tế.

Đã 35 năm trôi qua mà Dũng sĩ diệt Mỹ Lê Văn Chớ vẫn còn nhớ như in trận đánh ác liệt ấy ở phía Tây Nam tỉnh Quảng Trị: “Sau mấy giờ chiến đấu khốc liệt, đầu mũi chủ công của chúng tôi đã tiêu diệt được sở chỉ huy và trung tâm thông tin của địch.

Tôi bị thương vào tay. Băng bó chớp nhoáng xong tôi dẫn đồng đội xông lên tiếp tục chiến đấu. Địch tập trung bắn vào chỗ chúng tôi. Chiến sĩ Lê Văn Phi (quê Thái Bình) hy sinh tại chỗ. Tạ Văn Hợi (quê Thái Bình) bị thương vào tay, còn tôi bị trúng đạn lần thứ 2 rất nặng, đổ ngã vật xuống.

Về sau, đồng đội kể lại cho biết: Tôi bị đạn xuyên từ lưng ra bụng, ruột trào ra ngoài, bị đứt 4 đoạn, đứt động mạch mạc treo trong, máu chảy đầy ổ bụng. Tiểu đoàn phó Khương đã dùng bát B52 úp vào bụng, lấy mũ tai bèo đắp vào và quấn chặt bụng tôi đưa về trạm cứu thương dã chiến phía sau trận địa.

Trận này theo xác định tại chỗ lúc đó, Tiểu đoàn 4 có 10 chiến sĩ (trong đó có tôi) hy sinh nên đã đào 10 huyệt và chuẩn bị làm lễ vĩnh biệt. Tôi cũng được đưa vào quan tài nilông dã chiến. 9 người trước đã an nghỉ, riêng tôi – theo như đồng đội kể lại, còn “phập phồng thoi thóp” nên mọi người mừng quá đưa ngay vào hầm phẫu thuật của trạm quân y dã chiến.

Anh Đua (quê Thái Bình) nhảy ngay vào hầm quay đinamô phát điện để mổ khẩn cấp, vì hầm vẫn còn mịt mùi khói đạn. Bác sĩ Nguyễn Đình Cận, các y sĩ Cảnh, Thành, các chị y tá đã phẫu thuật thành công cho tôi ngay tại “trận tiền” trong cảnh đạn bom gầm thét. Thế là cái huyệt thứ 10 được bỏ không, tôi đã từ cõi chết trở về với đồng đội...”.

Trước đó hơn 2 năm, người dũng sĩ này còn có một trận đánh đáng nhớ nữa. Hôm 30 Tết Mậu Thân, mũi trưởng đặc công Lê Văn Chớ cùng trinh sát Phan Thế Kiền cải trang làm hai “o thôn nữ” trong bộ áo dài trắng đội nón, súng ngắn K59 và súng AK gập báng lại giấu trong người, cùng 2 du kích dẫn đường về xã Hải Tân đón đồng chí cấp trên của mặt trận 7 có mật danh Hoàng đến sở chỉ huy ở làng Tri Bưu (xã Hải Thượng) để chỉ huy trận đánh chiếm thị xã Quảng Trị.

Khi đi qua thôn Đá Nghi, họ bị một đại đội ngụy vây đánh, hô hào bắt sống. Hai “o thôn nữ” này cùng các chiến sĩ du kích đã đánh trả quyết liệt. “O” Kiền bị thương nặng, sau đó được nhân dân đem cất giấu để chữa vết thương.

“O” Chớ thì dẫn người cán bộ cấp trên bám lấy bờ kênh, chen vào giữa đám trâu bắn cấp tập vào quân địch... Cuối cùng, nhờ sự mưu trí và dũng cảm họ đã thoát vây, về được vị trí an toàn để chuẩn bị cho trận ác chiến hôm sau.

Tiếp tục trận chiến ở hậu phương

Lê Văn Chớ đi bộ đội từ cuối 1966, vào chiến trường B từ 30/5/1967 và tới trận ác chiến ngày 19/5/1970 thì bị thương nặng phải rời đơn vị. Suốt 3 năm chiến đấu ở Trung đoàn 812, anh đã tham gia ngót 100 trận đánh lớn nhỏ, được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ tới 7 lần. Sau khi bị thương nặng anh phải lui về hậu phương để điều trị vết thương.

Bình phục, giữa 1971 Lê Văn Chớ về làm trợ lý đặc công Bộ Chỉ huy quân sự Hà Tĩnh. Tiếp theo, anh được cử đi học Trường Đoàn và được biệt phái sang Tỉnh Đoàn làm Đại đội trưởng Đại đội thanh niên xung phong (TNXP) 476 (gồm 300 đội viên) của Tổng đội TNXP N40 – P18.

Lúc này phong trào Thanh niên xung phong tình nguyện chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở các tỉnh khu Bốn hoạt động rất sôi nổi và có hiệu quả to lớn.

Cũng như ngày nào ở chiến trường trực tiếp chiến đấu đối mặt với kẻ thù, nay tại nơi tuyến đầu của hậu phương lớn, anh lại chỉ huy C476 TNXP hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ được giao: xây dựng các hầm tránh bom kiên cố cho các cơ quan của Đảng và Nhà nước của tỉnh Hà Tĩnh; tu sửa khẩn cấp các tuyến đường bị đánh bom; phá bom nổ chậm cùng bộ đội phòng không chiến đấu bắn rơi nhiều máy bay địch trên bầu trời tỉnh nhà...

Đại đội 476 của anh là một đơn vị dẫn đầu phong trào phục vụ chiến đấu và rèn luyện thanh niên. Cuối năm 1972, hầu hết các đội viên nam được chuyển sang quân đội vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Nhiều người đã lập những thành tích xuất sắc.

Các trọng điểm như Ngã ba Đồng Lộc, Cầu Bạng, cầu Tùng Cốc, các mỏm đồi Cào Cào, cầu Chi Lệ, Mỹ Lộc ở Hà Tĩnh đều có sự góp công sức và hiệu quả của C476 TNXP này.

Trong các đợt làm nhiệm vụ phá bom nổ chậm, đắp lại đường giao thông tại trọng điểm Ngã ba Đồng Lộc, C476 của dũng sĩ Lê Văn Chớ luôn hoàn thành tốt phần việc được giao. Những lúc gặp hiểm nguy mọi người đều lấy gương chiến đấu dũng cảm kiên cường của người chỉ huy này để động viên  nhau hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Trên mặt trận xóa đói nghèo

Hết chiến tranh, “Xê trưởng” Lê Văn Chớ trở lại công tác ở Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tĩnh. 3 năm sau anh phục viên. Thời đó nước nhà vừa mới thoát khỏi chiến tranh nên còn gặp nhiều khó khăn, nhất là kinh tế.

Hà Tĩnh lại còn là “quê hương của cái nghèo” nên lại càng gian khó hơn. Thế là cả hai vợ chồng với đồng lương và trợ cấp ít ỏi phải loay hoay tìm kiếm cách làm ăn để “tự cứu lấy mình”.

Đã từng một thời với “chiếc ba lô lộn ngược” anh ngược xuôi theo những con tàu Bắc - Nam để kiếm tiền nuôi sống gia đình, cho con ăn học. Thế nhưng nghèo khó, gian nan vẫn đeo bám gia đình anh.

Nhưng rồi, “cái khó ló cái khôn”. Được “Thời đổi mới” mở cửa, anh đã bàn bạc cùng các chiến hữu từng vào sinh ra tử năm xưa về cách làm ăn mới... Và họ đã tập hợp nhau lại, cùng chung sức chung lòng hỗ trợ nhau như ngày nào trên chiến trường đánh địch.

Hợp tác xã xây dựng 27/7 ra đời do anh làm Chủ nhiệm. Họ làm đủ mọi thứ, từ mộc, nề, hàn, tiện cho tới mở cửa hàng cửa hiệu buôn bán đủ loại và những dịch vụ cần cho dân trong vùng như xây nhà, may áo quần, làm đường...

Một số khác chuyên trách việc chăn nuôi, thả cá, làm vườn, trồng cây... Cả Hợp tác xã như một đại gia đình mà nòng cốt là các chiến sĩ đã từng ngày nào kề vai sát cánh chiến đấu chống quân thù trên chiến trường Quảng Trị.

Nhờ sự thông minh sáng tạo, ý chí và quyết tâm vươn lên, nhờ sự đoàn kết nhất trí của tất cả các thành viên, Hợp tác xã 27/7 đã mau chóng ăn ra làm nên.

Bình quân thu nhập hằng tháng của các thành viên từ 800 ngàn - 1 triệu đồng. Khách sạn Hoàng Anh to đẹp, khang trang nằm ngay bên Quốc lộ 1A tại thị trấn Cày (Thạch Hà) do Lê Văn Chớ xây dựng từ 1998 là kết quả của tư duy đổi mới và ý chí vượt khó vươn lên làm giàu của người cựu chiến binh này.

Khách sạn đã tạo việc làm cho nhiều thương binh và gia đình của họ được “đổi đời” no ấm. Hiện nay, cơ sở hợp tác này (trong đó có cả “hạt nhân” Hoàng Anh) hằng năm có doanh thu đạt từ 500 – 700 triệu đồng, nộp cho ngân sách địa phương gần 100 triệu đồng, giải quyết việc làm cho gần 100 lao động là anh em thương binh và con em của họ.

Lê Văn Chớ là dũng sĩ thời chiến và cũng là dũng sĩ của thời bình.

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.