Đừng thấy lắm “lộc” mà mừng...

Đừng thấy lắm “lộc” mà mừng...
TP - Tại phiên toà xét xử vụ tham nhũng liên quan đến Đề án 112, hầu hết các bị cáo ra trước vành móng ngựa không ai dám gọi thẳng số tiền họ đã đưa và nhận với nhau là tiền hối lộ. Họ gọi theo những cách ý nhị, khá văn hoa, nào là “lại quả”, “phần trăm”, nào là “lót tay”, “bôi trơn”, “thưởng”, v.v...

>> 'Bôi trơn' 30% giá trị hợp đồng

Tôi từng nghe khối anh quan chức còn gọi tiền nhận hối lộ là “lộc”. Ấy là những khi họ nói với người ngoài cơ quan, với họ hàng gần xa, với chỗ bạn bè cũ lâu ngày gặp lại. Thấy nhà lầu xe hơi, ăn sung mặc sướng, hỏi thì họ khai thật “Ừ, công việc đang làm cũng có đôi tí lộc lá”.

Đừng nghĩ những người lắm “lộc” mà không lo, chỉ biết xây nhà mua xe và đem cho gái. Có anh “lộc” vào nhiều quá, bỗng nổi hứng đi làm từ thiện. Có anh quanh năm đi xem bói, thầy phán tháng nào có hạn thì tháng ấy tìm cho được thầy cúng nào hay để giải hạn.

Mỗi người mỗi cách giải tỏa nỗi lo. Nhưng có một cách hầu hết những anh lắm “lộc” đều áp dụng, đó là khi nhận “lộc” họ không quên chia chác cho nhau, để rồi chẳng may có mệnh hệ gì, thì cùng làm cùng chịu. Ấy  gọi là “của đồng chia ba, của nhà chia đôi”.

Công thức đấy! Một bị cáo trong vụ Đề án 112 khai rõ, trong đơn vị mình, cấp dưới khỏi phải hỏi cấp trên, “đã thành lệ, cứ thế mà làm”.

Hai mươi ba bị cáo đang phải ra trước vành móng ngựa trình bày rõ hành vi đưa và nhận hối lộ, thiếu trách nhiệm, cố ý làm trái. Không biết sự việc này có làm cho một bộ phận quan chức giật mình không?

Theo con số VCCI vừa đưa ra, số quan chức nên biết giật mình không phải ít đâu nhé: Trong năm 2009 vừa qua, 53% doanh nghiệp trên khắp các tỉnh thành được hỏi đã trả lời thẳng, họ phải trả “hoa hồng” khi tham gia đấu thầu, mới hòng có được hợp đồng với các cơ quan nhà nước.

Con số trên có thể hơi khác với cơ quan này, đơn vị kia chuyên nghiên cứu về tham nhũng, song hẳn nó có sức thuyết phục. Nó cho phép chúng ta không được né tránh mà cần nhận định, rằng, tham nhũng (dù được gọi ý nhị kiểu gì thì bản chất vẫn thế) đang ở mức độ tràn lan, và nó đang làm cản trở sự phát triển nền kinh tế đất nước.

Thực trạng đó đòi hỏi chúng ta phải có những biện pháp cương quyết hơn, khả thi hơn, mới có thể ngăn chặn nổi. Một trong những biện pháp được Thủ tướng Chính phủ nêu ra, đó là phải làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, khi có những sai phạm, tiêu cực xảy ra ở đơn vị đó.

Quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ là rất rõ ràng. Trách nhiệm chống tham nhũng là của mọi người. Bởi thế, những anh lắm “lộc” không nên chỉ biết lo, mà nên biết sợ nữa.

Và người thân của họ, đừng vì thấy họ lắm “lộc” mà mừng. “Của đồng”, “của nhà”, thực ra đều là của ngân sách. Chia nhau là vi phạm pháp luật, dù có chia chác theo tỷ lệ nào, cũng khó thoát khỏi có lúc phải ra trước vành móng ngựa.  

MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".