Dừng thí điểm hợp nhất sẽ có 2 văn phòng tham mưu, giúp việc cấp tỉnh

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang
TPO - Sau khi Quốc hội chấm dứt thí điểm hợp nhất ba văn phòng sẽ tổ chức Văn phòng tham mưu, giúp việc chung cho Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh, văn phòng tham mưu, giúp việc, phục vụ riêng cho UBND cấp tỉnh.

Đề cập đến một số nội dung cơ bản của Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, ông Nguyễn Trường Giang, Phó Tổng thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật cho biết, để đảm bảo tính chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tránh xảy ra vi phạm trong quá trình bầu cử, luật đã bổ sung một khoản quy định về tiêu chuẩn quốc tịch đối với ĐBQH. Theo đó, luật quy định, ngoài những tiêu chuẩn chung, ĐBQH có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.

Bên cạnh đó, luật cũng tăng tỉ lệ ĐBQH chuyên trách lên ít nhất 40%, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho công tác quy hoạch, chuẩn bị nguồn nhân sự giới thiệu tham gia ứng cử ĐBQH hoạt động chuyên trách từ Quốc hội khóa tới. Từ đó, tăng cường tính chuyên nghệp, góp phần quan trọng cho việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Trên cơ sở đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định, phê chuẩn số lượng và danh sách đại biểu Quốc hội chuyên trách tại mỗi đoàn để đảm bảo tính linh hoạt và phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật cũng cho biết, một trong những điểm mới khác của luật lần này là việc đổi tên Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng thành Uỷ ban Văn hóa Giáo dục; đồng thời đổi tên Uỷ ban Về các vấn đề xã hội thành Uỷ ban Xã hội từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15. Theo ông Giang, việc đổi tên của hai Uỷ ban này để đảm bảo ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, thể hiện được lĩnh vực hoạt động chủ yếu của cơ quan.

Việc thí điểm hợp nhất 3 văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND sau hơn một năm thực hiện cho thấy chưa thực sự đáp ứng mục tiêu đề ra. Việc này cũng chưa rõ được vai trò tham mưu trong trong hoạt động giám sát và quản lý, điều hành giữa cơ quan đại diện với cơ quan quản lý.

Vì vậy, theo đề nghị của Chính phủ, Quốc hội đã chấm dứt việc thực hiện thí điểm hợp nhất ba văn phòng và quyết định sẽ tổ chức Văn phòng tham mưu, giúp việc chung cho Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh, văn phòng tham mưu, giúp việc, phục vụ riêng cho UBND cấp tỉnh.

Trước khi Luật được thông qua, các địa phương cho rằng, việc hợp nhất văn phòng chung tham mưu, phục vụ nhiều đối tượng khác nhau khó đảm bảo tính khách quan, khó tránh khỏi tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi" khi tham mưu, giúp việc đồng thời cho hai hệ thống cơ quan lập pháp và hành pháp.

Việc hợp nhất 3 văn phòng còn mang tính cơ học, chỉ giảm đầu mối người đứng đầu, chưa giảm được cấp phó và công chức lãnh đạo, quản lý cấp phòng. Thời gian thí điểm hợp nhất ngắn nên văn phòng chưa thể sắp xếp, điều động công chức quản lý cho phù hợp để đảm bảo số lượng cấp phó tại các phòng, ban chuyên môn theo quy định.

Còn theo phản ánh của các ĐBQH, bộ máy giúp việc cho đoàn ĐBQH luôn trong tình trạng nhập rồi lại tách, tách rồi lại nhập, không ổn định, gây tâm tư và ảnh hưởng đến hiệu quả công việc của đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.