“Dựng tượng đài Hùng Vương là ý nguyện của người dân Đất Tổ”

Nhân dân bỏ phiếu tại nơi đặt ba mẫu tượng đài được lựa chọn.
Nhân dân bỏ phiếu tại nơi đặt ba mẫu tượng đài được lựa chọn.
TP - Ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật cuộc thi phác thảo lấy mẫu Tượng đài Hùng Vương, cho biết như vậy khi trao đổi với phóng viên Tiền Phong.

Lấy ý kiến của nhân dân về mẫu phác thảo Tượng đài, phải chăng Hội đồng Nghệ thuật thẩm định và chấm thi có lúng túng gì, thưa ông?

Hoàn toàn không có sự lúng túng, tôi khẳng định. Việc xin ý kiến nhân dân là quy trình bắt buộc. Chúng tôi in chữ trên phiếu là “xin ý kiến nhân dân” chứ không phải là “lấy ý kiến…”, điều này cũng cho thấy chúng tôi rất tôn trọng ý kiến và cầu thị ý kiến từ nhân dân. Sau khi Hội đồng nghệ thuật tuyển chọn qua các vòng, từ 21 mẫu phác thảo đã chọn ra 3 mẫu phác thảo được Hội đồng nghệ thuật chấm điểm cao nhất, và sau đó Hội đồng đã có ý kiến thống nhất chung đưa ra độ cao 1,8m để trưng bày như hiện nay (đặt tại sân hành lễ để lấy ý kiến đánh giá của nhân dân), như vậy ngay giai đoạn này đã có sự tiếp thu ý kiến.

Ý kiến của nhân dân được chúng tôi hoàn toàn tôn trọng, đó là cách phát huy sự đóng góp tinh thần và trí tuệ của nhân dân vào việc lớn. Nhân dân thì có người hiểu sâu sắc về điêu khắc, hội họa, nghệ thuật, có người thì không am hiểu lắm, thậm chí không quan tâm lắm, nhưng khi nhìn vào pho tượng mà họ cảm nhận được đó đúng là Vua Hùng - đây là điều khó, và cũng là thách thức của Hội đồng nghệ thuật, thách thức đối với tác giả tham gia cuộc thi.

Qua việc lấy ý kiến nhân dân, Hội đồng sẽ tiếp thu để có những điều chỉnh và chuyển những ý kiến quý báu đó đến tác giả. Tác giả chỉnh sửa sản phẩm của mình hay không là quyền tác giả, và chấm chọn sản phẩm đó hay không là quyền của Hội đồng. Tóm lại, Hội đồng thu nhận ý kiến nhân dân giúp các tác giả.

Xin ông cho biết lý do, mục đích, căn cứ, nhu cầu về sự ra đời của Tượng đài Hùng Vương?

Công lao của các Vua Hùng là cực kỳ to lớn. Phú Thọ là Đất Tổ Hùng Vương, nhưng Phú Thọ cũng chưa có pho tượng nào về Hùng Vương. Nhân dân mong muốn có tượng Vua Hùng, cũng như mong muốn có tượng những vị thánh, vị anh hùng khác đã có công với dân tộc để có cảm nhận chung của mỗi người về ông vua đầu tiên của dân tộc ta. Chúng ta chưa có pho tượng, mẫu tượng, bức tượng nào về Vua Hùng được sáng tác và công nhận ở tầm quốc gia.

“Dựng tượng đài Hùng Vương là ý nguyện của người dân Đất Tổ” ảnh 1

Ông Hà Kế San - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ.

Hàng ngàn năm nay chúng ta chưa có tượng Vua Hùng, nhưng cũng không cần thiết phải lo lắng rằng nếu không có tượng này thì con cháu Lạc Hồng hậu thế mai sau không biết gì về Vua Hùng. Nhưng rõ ràng có tượng Vua Hùng thì thỏa mãn hơn nhu cầu và tình cảm của con Lạc cháu Hồng khi tri ân công đức tổ tiên. Điều này là xứng đáng. Tôi khẳng định việc dựng tượng đài Hùng Vương là ý nguyện của người dân Đất Tổ chứ không phải ý nguyện riêng của lãnh đạo tỉnh.

Một số địa phương đã có tượng Hùng Vương, ông nghĩ sao?

Đúng là một số nơi đã dựng tượng Hùng Vương. Thiết nghĩ một sự thống nhất về mẫu tượng, hình tượng, mặt tượng, thần thái của tượng với những tiêu chí cơ bản nên có. Từ đó Phú Thọ đã đề xuất lên Bộ Văn hóa, lên Chính phủ cho Phú Thọ tổ chức cuộc thi lựa chọn phác thảo lấy mẫu tượng đài Hùng Vương, và đã được đồng ý. Kết quả cuộc thi cho ra sản phẩm, và sản phẩm này nếu được một hội đồng các nhà khoa học, các nhà văn hóa, nhà chuyên môn hàng đầu quốc gia, và Bộ Văn hóa cũng như Chính phủ thẩm định, chấp thuận, thì khi đó sản phẩm sẽ trở thành tượng mẫu về hình thái Hùng Vương và sau này làm căn cứ cho các địa phương có thờ cúng Hùng Vương sử dụng dựng tượng, cho dù bắt buộc các địa phương này phải làm theo là việc không cần thiết.

Ông có thể cho biết về dự kiến chiều cao và vị trí đặt Tượng đài?

Tượng cao bao nhiêu, 30, 40 hay 50 m, còn tùy thuộc vào vị trí đặt pho tượng. Địa điểm đặt tượng đài, hiện nay đang có những quan điểm trái chiều, còn tỉnh Phú Thọ muốn đặt tượng đài tại khu vực Đền Hùng vì đây là nơi tập trung đông nhất con cháu Vua Hùng tụ về dịp Giỗ Tổ hằng năm, nhân dân có cơ hội chiêm bái, thăm viếng. Nhưng cũng có quan điểm là muốn đặt Tượng đài tại Việt Trì vì đây là thành phố lễ hội. Nhưng chắc chắn đó không phải một tượng đài “khủng và thô sơ”, hay nhỏ quá, không xứng tầm hoặc thiếu nhiều giá trị của tiêu chí ý nghĩa, mỹ thuật về tượng đài.

Cảm ơn ông.

Theo ông Hà Kế San, chi phí, dự toán công trình chưa thể xác định được. Còn theo ông Nguyễn Ngọc Ân, Giám đốc Sở VH-TT-DL Phú Thọ, thành viên Hội đồng thẩm định cuộc thi, hiện Phú Thọ đã lựa chọn đồi Phân Bùng nằm trong quần thể Khu di tích lịch sử Đền Hùng để dựng tượng đài. Ông Lưu Quang Huy, Giám đốc Khu di tích lịch sử đặc biệt Quốc gia Đền Hùng cho biết qua 10 ngày xin ý kiến nhân dân bằng cách viết vào tờ phiếu in sẵn và bỏ vào hòm phiếu đặt tại sân lễ hội, cơ quan chức năng đã thu được gần 5.000 phiếu.

MỚI - NÓNG