Dùng văn bản 20 năm trước để giải phóng mặt bằng

Tai nạn rình rập trên tuyến đường nham nhở
Tai nạn rình rập trên tuyến đường nham nhở
TPO –UBND huyện Kim Sơn (Ninh Bình), dựa vào văn bản cách đây 20 năm để giải phóng mặt bằng (GPMB) trên tuyến quốc lộ 10, không bồi thường đất khiến nhiều hộ dân khiếu nại. Đoạn đường chỗ làm chỗ không chạy qua địa bàn huyện Kim Sơn trở thành cái bẫy giăng người tham gia giao thông.
Tai nạn rình rập trên tuyến đường nham nhở
Tai nạn rình rập trên tuyến đường nham nhở. Ảnh: Đức Hoàng

Thi hành Nghị định đã hết hiệu lực ?

Ngày 10-10- 2008, Cục Đường bộ Việt Nam ra quyết định QĐ 2277/QĐ-CĐBVN phê duyệt đầu tư các tiểu dự án GPMB chuyển cho địa phương thực hiện dự án: Nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 10 đoạn Ninh Phúc - Cầu Điền Hộ. Ngày 09-6-2009, UBND huyện Kim Sơn ra thông báo cho các hộ gia đình có diện tích đất đai ven quốc lộ 10 tại xã Ân Hòa, Hùng Tiến về việc giữ nguyên hiện trạng, không được xây dựng cơi nới các công trình và trồng thêm cây cối, hoa màu…

Ngày 6-7-2009, UBND huyện Kim Sơn thành lập hội đồng bồi thường GPMB đến các hộ gia đình tiến hành kê khai đất đai, tài sản, cây cối, vật kiến trúc trong phạm vi GPMB và tiến hành đo đạc, kiểm đếm đất đai. Ngày 31-12-2009, UBND huyện Kim Sơn ra quyết định QĐ 5247/QĐ-UBND thu hồi đất chung của 764 hộ thuộc 11 xã.

Tại văn bản số 3, ngày 11-3-2011, về việc trả lời hộ gia đình ông Nguyễn Văn Tĩnh (xóm 3, xã Ân Hòa), UBND huyện Kim Sơn dựa trên Nghị định 203/HĐBT ngày 21-12-1982 và Quyết định 499/QĐ-UB ngày 31-7-1990 của UBND tỉnh Hà Nam Ninh, Thông báo của UNBD huyện Kim Sơn ngày 27-11-1991 về việc đảm bảo an toàn giao thông đường bộ. UBND huyện Kim Sơn cho rằng: “Diện tích đất nằm trong phạm vi 9m tính từ tim đường 10 cũ ra hai bên là chỉ giới xây dựng đường, diện tích đất này do Nhà nước quản lý để xây dựng đường bộ, Nhà nước không thu hồi đất, không bồi thường đất trong phạm vi này”.

UBND huyện Kim Sơn viện dẫn Nghị định 499 và Thông báo 49, những diện tích đất nằm trong mốc lộ giới , mốc giải tỏa mở đường mặc nhiên đã trở thành đất của Nhà nước quản lý từ đó tới nay. Đất của Nhà nước để dành, nên không cần ra quyết định thu hồi đất…Chúng tôi có cách làm của chúng tôi.

Việc làm này đã khiến một số hộ dân khiếu nại và đề nghị UBND huyện Kim Sơn với lý do, muốn lấy đất của các hộ dân đang sử dụng để giao đất cho Dự án nâng cấp cải tạo quốc lộ 10 thì phải có quyết định thu hồi đất đến từng hộ dân. Các hộ dân có đất bị ảnh hưởng cần được kê khai, kiểm đếm và đo vẽ theo hiện trạng diện tích đất đang sử dụng, phải xác định nguồn gốc, thời gian sử dụng.

Thực chất, những văn bản trên là những sự kiện pháp lý chỉ phù hợp ở một thời điểm nhất định. Đây là một quy hoạch treo, chính vì vậy UBND tỉnh Ninh Bình và UBND huyện Kim Sơn phải chờ đợi cho tới khi có Quyết định 2277/QĐCĐBVN ngày 10-10-2008 của Cục đường Bộ Việt Nam thay thế về việc phê duyệt đầu tư và tách tiểu dự án GPMB chuyển cho địa phương thực hiện. Dự án nâng cấp cải tạo Quốc lộ 10 đoạn Ninh Phúc – Cầu Điền Hộ. Tỉnh Ninh Bình phải chờ Quyết định 2476-QĐ-BGTVT ngày 31-10-2008, về việc phê duyệt thiết kế kỹ thuật Dự án nâng cấp cải tạo Quốc lộ này. Vì thế Quyết định 2277/QĐCĐBVN của Cục đường Bộ Việt Nam mới phê duyệt chi phí 280 tỷ đồng để chi trả khi GPMB cho dân.

Điều đáng nói là Nghị định số 203, Quyết định 499 và Thông báo số 49 đều đã hết hiệu lực thi hành, thay vào đó là Luật giao thông đường bộ số 26/2001/QH10 ngày 29-6-2011. Luật giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 ngày 13-11-2008. Vì vậy, bất luận trong trường hợp nào, thời gian nào thì các văn bản, Nhị định 203, Quyết định 499, Thông báo 49, cũng không thể thay thế có quyết định thu hồi đất đến từng hộ dân.

Ông Vũ Văn Thế (xóm 4, xã Ân Hòa) nói, năm 1995 Nhà nước cấp GCN QSDĐ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) đã cắt phần hành lang không ghi trong bìa đỏ cho tôi. Khi tôi hỏi thì được cán bộ trả lời để làm hành lang, khi nào Nhà nước làm đường sẽ thu hồi và đền bù, các hộ vẫn được trồng cây tầm thấp, làm nhà tạm để sản xuất. Khi triển khai Dự án QL10 thì lại nói là đất hành lang không được đền bù, ông Thế nói”.

Ông Nguyễn Văn Tĩnh (xóm 3, xã Ân Hòa) thì cho rằng, đất đai gia đình đang sử dụng là có nguồn gốc lâu đời, được ông cha để lại, Nhà nước lấy thì cần có quyết định và bồi thường. Ông Tĩnh nói, chúng tôi chỉ đòi hỏi UBND huyện Kim Sơn thực hiện việc đền bù theo đúng quy định của Nhà nước, nếu làm được như vậy, gia đình tôi sẵn sàng hiến một phần đất cho Nhà nước để làm đường.

Bà Phạm Thị Nguyệt (xóm 4, xã Ân Hòa) nói, việc kí nộp tiền lấy sổ đỏ năm 1995, do chính quyền tự kí vào văn bản đất của từng hộ để cấp giấy CN QSDĐ gia đình tôi có ai ký đâu. Gia đình tôi không hề biết GCN QSDĐ của mình không được tính phần đất trên, khi triển khai Dự án tôi mới biết nên đi đòi làm lại sổ đỏ. Hỏi ra thì họ bảo, đã nhận sổ đỏ tức đã công nhận diện tích nhà mình.

Tai nạn trên đoạn đường thi công dở

Đoạn đường làm dở đang giăng bẫy người tham gia giao thông
Đoạn đường làm dở đang giăng bẫy người tham gia giao thông.

Đoạn đường đi qua xã Ân Hoà dài khoảng 5km, mặc dù đã thi công trong nhiều tháng, tuy nhiên kết quả được là đoạn đường được chia thành nhiều đoạn ngắn khác nhau. Nguyên nhân của việc thi công nhảy cóc này là do chưa giải phóng được mặt bằng một cách đồng bộ.

Tại quốc lộ 10B, tuyến đường này có đoạn nửa bên làm, nửa bên chưa, thậm chí có đoạn chỉ dài khoảng hơn chục mét đơn vị thi công phải bỏ dở nhẩy cóc làm đoạn khác vì chưa giải phóng được mặt bằng. Vì vậy đoạn đường chưa thi công này vô tình giăng bẫy người tham gia giao thông.

Một số người dân ở khu vực này cho biết: Đơn vị thi công bỏ dở đoạn đường này từ nhiều tháng nay, vì chưa GPMB xong. “Cứ trời nắng thì bụi bay mù mịt, trời mưa thì như ruộng bừa”.

Ông Nguyễn Văn Khanh, (xóm 3, xã Ân Hòa) nói, đoạn đường còn lại vài trăm mét, chỗ làm chỗ không lại không có biển cảnh báo, khiến nhiều phương tiên đang lưu thông với tốc độ nhanh đến đây không kịp trở tay rồi bị tai nạn.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.