Được chết cùng nhau đó là ân huệ

Không quê hương bản quán, chẳng người thân thích, hơn 40 năm qua họ chỉ biết nương tựa vào nhau sống cuộc đời lênh đênh sông nước. Sống như vợ chồng dù chẳng có lễ cau trầu, chẳng có sự chứng kiến của họ hàng hai bên, cũng không có tờ giấy hôn thú nhưng họ vượt bao khốn khó trong cuộc mưu sinh để vẫn hạnh phúc bên nhau.

Câu chuyện tình như cổ tích của họ đã làm nhiếp ảnh gia Hải Lê Cao rất cảm động, anh đã thuyết phục hai nhân vật chính nay đã tuổi 80 để được chụp bộ ảnh cưới cho họ, như một món quà tặng. Bộ ảnh cưới đặc biệt ấy hiện đang gây sốt trên cộng đồng mạng.

Một túp lều tranh…

Cái lều nhỏ lênh đênh trên bờ sông Hồng ấy chính là tổ ấm của ông Thành, bà Thủy - hai nhân vật chính trong bộ ảnh cưới đặc biệt. Mỗi mùa mưa tới, căn lều lại dềnh lên theo mực nước sông Hồng. Những khi trời nổi giông, dù giữa đêm đôi vợ chồng già vẫn phải dắt díu nhau chạy lên bờ tránh bão. Ông Thành cười hiền ví ngôi nhà của mình như lão ăn mày gặp chó dại, nó chưa cắn đã cong đuôi chạy. 

Ngồi cạnh ông, bà Thủy pha trò: “Ối giời, cứ đến mùa mưa là lại lên bờ ôm gốc chuối. Thôi thì chịu mưa rét giữa trời còn hơn ở trong lều bão nó nhấn chìm mất xác”. Dù chỉ là túp lều nhỏ nhưng cũng phải khó khăn lắm ông Thành, bà Thủy mới dựng được. Nhiều năm trời nhặt rác, mỗi khi thấy mảnh gỗ nào to to mà người ta vứt đi, ông Thành lại nhặt về. Kiến tha lâu đầy tổ, ông lấy chính những mảnh gỗ nhặt được kết thành bè rồi lượm những bao tải rách đưa bà khâu lại làm mái che.

Giản dị thế thôi nhưng từ giờ ông bà sẽ không còn phải sống cảnh màn trời chiếu đất, làm gì, đi đâu, ông bà cũng có nơi mà mong ngóng trở về. Dõi mắt về phía xa, bà Thủy thở dài: “Lại sắp đến mùa mưa rồi, chả biết sức già này còn chạy được bao nhiêu mùa mưa nữa”. Nghe bà Thủy nói vậy, ông Thành rít một hơi thuốc lào rồi động viên vợ: “Nước nổi bèo nổi, bà lo cái gì”.

Được chết cùng nhau đó là ân huệ ảnh 1

Nói thì nói vậy, chứ hơn ai hết ông Thành hiểu được sự nguy hiểm của kiếp sống lênh đênh sông nước mỗi khi mùa nước lớn. Ông cũng muốn đưa bà chuyển sang bãi Phúc Xá lắm chứ, cũng muốn được sống trong không khí hàng xóm láng giềng nhưng bất lực. Ông buồn rầu nói: “Muốn sang đó phải nộp một triệu tiền phí, vợ chồng tôi đến ăn còn chưa đủ thì kiếm đâu ra từng đó tiền mà nhập hộ khẩu. Sang được đó, lúc ốm đau bệnh tật còn có hàng xóm láng giềng, chứ ở đây làm gì còn ai khác ngoài hai thân già này”.

Cuộc đời lênh đênh của ông Thành dài đằng đẵng. Mô côi cha mẹ từ ngày mới lọt lòng, để tồn tại, ông phải sống kiếp đi ở. Ký ức tuổi thơ của ông cứ mơ hồ, chẳng rõ ràng, có chăng chỉ là những trận đòn roi, những bữa cơm chan nước mắt. Hơn mười tuổi, một mình dạt lên Hà Nội mưu sinh, nhiều lúc ngồi vắt óc mà nghĩ cũng chẳng nhớ được mình sinh ra ở đâu, chỉ biết là ở một vùng quê nghèo của Thanh Hóa. Ông sống hơn 80 năm thì có tới gần 70 năm chẳng biết bản quán, người thân.

Câu chuyện cuộc đời nhanh chóng được ông Thành gạt sang một bên, ông bảo có gì vui đâu mà nhớ. Rồi ông háo hức kể chuyện tình yêu của mình, ông kể say sưa như thể ngày mai chẳng còn được kể.

Hôm đó ông Thành bắt được mớ ốc tươi, mang vào ga Hàng Cỏ, bây giờ là ga Hà Nội để đổi lấy chút gạo ăn. Định bụng kiếm thứ gì đó bỏ bụng thì ông nhìn thấy bà Thủy đang lúi húi quét gạo rơi vãi. Thấy vậy ông Thành chủ động bắt chuyện. 

Nghe bà Thủy kể chẳng có người thân thích, lang thang khắp nơi, ai thuê gì thì làm nấy, tối lại về toa tàu chết để ngủ. Nghĩ thương quá, ông Thành ngỏ lời rủ bà Thủy về ở cùng, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Ông cũng chẳng ngờ lại nhận được cái gật đầu của người phụ nữ xa lạ.

Với ông, đó là một ngày vô cùng trọng đại. Và để ghi nhớ, ông đã xăm ngày 26-9-1969 lên cánh tay của mình. Sau này ở với nhau, ông mới biết rõ hơn về người đàn bà duyên kiếp với mình.

Chưa đầy 2 tuổi bà đã chịu cảnh mồ côi mẹ. Bố không chịu được cảnh “gà trống nuôi con” nên sớm đi bước nữa. Ở với dì ghẻ, bị đánh đập dã man, bà Thủy không chịu nổi nên đành lang thang khắp nơi xin ăn. Sống gần hết đời người, sự may mắn lớn nhất của cuộc đời bà có lẽ là gặp được ông Thành. Có ông, bà mới đủ nghị lực, đủ sức mạnh để sống đến ngày hôm nay.

Hơn 40 năm, trải qua biết bao cay đắng, khốn khó nhưng ông bà chẳng rời nhau nửa bước. Ngày ngày ông bà cùng nhau đi nhặt rác, cùng đi cày thuê cuốc mướn, đêm đến lại căng lều bạt ở tạm. Cũng vì không phải người Hà Nội mà ông bà chỉ được ở trung tâm bảo trợ xã hội có 5 năm. Năm 2005 họ lại dạt về bãi Giữa này bám trụ. Ông Thành tâm sự: “Tôi chỉ thương bà ấy thôi, giờ bà ấy chỉ có tôi là người thân duy nhất”.

Được chết cùng nhau là ân huệ

Ông trời xe duyên cho ông bà đến với nhau nhưng lại không cho ông bà có được diễm phúc được trở thành cha mẹ. “Nhiều người vẫn nghĩ là vợ chồng tôi sợ khổ, sợ nghèo nên không dám sinh con nhưng có phải thế đâu. Chúng tôi cũng muốn có một mụn con để mà có chỗ dựa lúc về già nhưng ông trời không cho thì đành chịu. Chứ khổ với nghèo thì chúng tôi chịu quen rồi, có gì đâu mà sợ” - bà Thủy rơm rớm nước mắt chia sẻ về nỗi bất hạnh của mình.

Chứng kiến những lúc bà Thủy đau đáu, khát khao nhìn những đứa trẻ gặp ngoài phố mà lòng ông Thành đau như cắt. Ông bảo, giá nỗi thèm khát ấy như công việc thì tôi sẵn sàng nhận hết mọi nặng nhọc về mình cho bà ấy được sung sướng. Nhưng nỗi đau từ sâu thẳm tâm can của bà Thủy, ông Thành không có cách nào san được sang mình. Cùng lắm ông cũng chỉ nói được những lời động viên và cố gắng yêu thương bà thật nhiều để nỗi buồn trong bà vợi bớt. 

Được chết cùng nhau đó là ân huệ ảnh 2

Sức khỏe yếu đi nhiều nên bà Thủy giờ chỉ ở nhà làm những việc lặt vặt.

Có những lần đi nhặt rác về, ông chứng kiến bà ngồi thẫn thờ bên bậu cửa rồi cầm chai rượu tu ừng ực. Ông hiểu, bà đang muốn nuốt những thiệt thòi, đau khổ vào trong. Mỗi lần như thế, ông lại lặng lẽ quay đi mua thêm rượu, rồi kiếm một ít đồ nhắm về để “say” cùng bà. Trong cơn say, ông bà thường ôm nhau mà khóc. Khóc chán lại quay ra bảo nhau: “Ơ, cái ông hâm này. Ơ, cái bà hâm này, tự nhiên chả đâu vào đâu cũng khóc”.

Ông Thành lúc nào cũng cho rằng cái ngày bà quyết theo ông chính là cái ngày bà chấp nhận chịu thiệt thòi. Nhiều lúc ông nghĩ hận cuộc đời, hận bản thân vì không lo cho vợ được một mái ấm tử tế. Việc ông có thể làm là lặng lẽ nhận phần vất vả về mình. Ngày nào ông cũng nhặt rác, hơn 40 năm nay vợ chồng ông sống nhờ những thứ người ta bỏ đi. 

Khi thành phố lên đèn, ai cũng về với tổ ấm của mình thì ông lên đường mưu sinh. Mưa gió, lạnh giá khiến đôi chân ông run lên bần bật, mắt nhòe đi nhưng cứ nghĩ ở nhà có người vợ đang mong chờ mình, ông lại có sức bước tiếp. 

“Không ốm, không đau, đi làm đủ thì mỗi tuần cũng kiếm được độ 200 nghìn đồng. Đủ bữa rau, bữa cháo cô chú ạ. Đi xa thì lại sợ bà ấy buồn, hơn bốn chục năm rồi có dám đi đâu đâu, chẳng rời được một ngày đâu. Được thế này là mừng lắm rồi, trước cứ dắt díu nhau đi khắp nơi, vớ đâu cũng nằm, cũng là nhà cả. Sướng nhất là đến bữa cơm, dù rau cháo nhưng nghe tiếng bà ấy mời cơm là tôi sướng lắm” - ông Thành rưng rưng.

Nói đến đây ông Thành lôi cuốn album mà nhiếp ảnh gia Hải Lê Cao chụp cho mấy hôm trước khoe chúng tôi. Ông bà bảo, có trong mơ cũng không bao giờ dám mơ đến một ngày lại được vận bộ quần áo cưới rồi còn được chụp một album ảnh làm lưu niệm.

Nhiều người biết đến ông Thành, bà Thủy không chỉ bởi chuyện tình cảm động hiếm có của họ mà còn bởi những nghĩa cử cao đẹp của đôi vợ chồng già. Cuộc sống tuy nghèo khó, nhưng ông bà vẫn không làm ngơ trước những số phận, những linh hồn phiêu bạt. 

Đưa chúng tôi ra một góc, nơi ông bà lập bàn thờ, tuần tiết vẫn thắp hương cúng, ông Thành bảo, ông làm cái này để cúng những linh hồn không siêu thoát, họ đói, họ lạnh dưới lòng sông kia. Hơn 20 năm qua ông vẫn làm công việc thầm lặng vớt xác, cứu người. 

Chỉ về phía chân cầu Long Biên, ông Thành lặng người: “Mới mấy hôm trước, xác một phụ nữ nhảy cầu trôi dạt về đây này. Nhìn thấy ai mà làm ngơ cho được. Họ trôi sông tội nghiệp lắm”.

Trời đã chạng vạng tối, đã đến lúc ông bắt đầu một ngày làm việc của mình. Hỏi ông sao không đi làm ban ngày để tối nghỉ ngơi cho khỏe thì ông cười to: “Già rồi ai chả muốn được nghỉ ngơi sớm nhưng nghề nó vậy. Trước chúng tôi còn nhặt được rác vào ban ngày nhưng giờ công nhân vệ sinh môi trường ai cũng có một túi to bên cạnh. Cái gì có thể dùng được, bán được thì họ đều nhặt cả, đâu đến lượt chúng tôi. Thế nên phải tranh thủ đêm hôm, lúc người ta vứt rác mà chưa có công nhân môi trường mới mong nhặt được phế liệu”.

Bà Thủy giờ cũng đã bước vào tuổi 80, chân tay, xương khớp thường xuyên đau nhức nên ông Thành muốn vợ được nghỉ ngơi. Thấy sức khỏe bà Thủy ngày một yếu đi trông thấy, ông xót xa lắm. Ông bảo, vợ chồng ông lúc nào cũng ao ước giá mà khi chết cũng được chết cùng nhau. Như vậy sẽ không ai phải chịu đau khổ, cô đơn khi người kia mất đi, với cặp tình già, thì đó là ân huệ

Theo Theo An Ninh Thế Giới Cuối Tháng
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.