Được “lại quả”, nhiều bệnh viện nhắm mắt làm ngơ

Được “lại quả”, nhiều bệnh viện nhắm mắt làm ngơ
TP - Lợi dụng các kẽ hở trong đấu thầu thuốc, nhiều bệnh viện tìm cách “cấu kết” với các hãng dược để đục khoét ngân sách nhà nước. Thậm chí vì được “lại quả” nên không ít bệnh viện nhắm mắt làm ngơ.

Giá cao vẫn... trúng

Chỉ trong 2 năm 2013-2014, số tiền mua thuốc mà Bệnh viện Mắt TPHCM bỏ ra là hơn 75 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế số tiền chênh lệch trong các cuộc đấu thầu thuốc đã hơn 6 tỷ đồng.

Năm 2013, ngân sách Nhà nước bỏ ra để Bệnh viện Mắt TPHCM mua thuốc là trên 47,5 tỷ đồng. Nhưng trong năm này, bệnh viện đã “mạnh tay” mua 12 mặt hàng thuốc khác số lượng nhiều hơn so với kế hoạch đã được Sở Y tế phê duyệt với tổng trị giá hơn 2,3 tỷ đồng.

Năm 2014, số tiền mua thuốc trên 27,6 tỷ đồng. Điều đáng nói, có mặt hàng bệnh viện cho mua vượt 12 lần so với kế hoạch nên số tiền vượt lên gần 2,8 tỷ đồng.

Chênh lệch giá vì lợi ích một phần, lãnh đạo bệnh viện này còn được cho là đã không làm hết trách nhiệm khi cơ quan thanh tra kiểm tra 66 mã hàng của 3 nhà thầu tham dự đối với gói thầu mua thuốc theo kết quả trúng thầu của năm 2012 kết quả cho thấy, một số nhà thầu yếu về năng lực kinh nghiệm và cả kỹ thuật nhưng vẫn... trúng thầu. 

Công ty Cổ phần Y Dược phẩm Vimedimex là một ví dụ. Tham dự 88 mặt hàng nhưng có 37 mặt hàng không có hợp đồng tương tự; có 57 mặt hàng hồ sơ mời thầu yêu cầu chứng minh nguồn gốc nguyên liệu nhưng trong hồ sơ dự thầu của Công ty Cổ phần Y Dược phẩm Vimedimex không đáp ứng yêu cầu này nhưng vẫn được chấm điểm tối đa…

Không chỉ thiếu sót về thẩm định hồ sơ, năng lực dự thầu, Bệnh viện Mắt TPHCM để cho một số mặt hàng thuốc trúng thầu giá cao và mua số lượng nhiều hơn kế hoạch được Sở Y tế TPHCM duyệt khiến số tiền vượt lên ngoài kế hoạch hàng tỷ đồng.

Năm 2014, qua xác minh Công ty TNHH MTV Vimedimex Bình Dương có một mặt hàng thuốc Salein eye drop 5ML bán cho Bệnh viện Mắt theo áp thầu của Bệnh viện Chợ Rẫy năm 2013 với giá 59.198,1 đồng/lọ, cao hơn giá bán cho Bệnh viện Mắt Trung ương là 1.198,1 đồng/lọ “đẩy” số tiền chênh lệch hơn 23 triệu đồng. 

Ưu ái cho đơn vị... hỗ trợ

Như Tiền Phong đã có bài phản ánh, sai phạm trong đấu thầu thuốc không chỉ lách vào những kẽ hở của luật mà tại một số đơn vị chủ đầu tư “ưu ái” cho các doanh nghiệp dược “biết điều”. Theo kết luận cuối năm 2014 từ Thanh tra tỉnh Hậu Giang mà Tiền Phong có được, trong đấu thầu thuốc năm 2012-2013 tại tỉnh này, đã xảy ra hàng loạt sai phạm, gây thất thoát cho nhà nước hàng chục tỷ đồng.

Ngoài làm chênh lệch số tiền mua thuốc hơn 100 triệu đồng, Sở Y tế tỉnh này còn mua thuốc dự trữ không đúng quy định với hơn 17 tỷ đồng. Để mua thuốc dự trữ này, Hội đồng thầu ở sở y tế đã ưu ái cho một số công ty được cho là “có hỗ trợ cho địa phương”. 

Theo quy định để phục vụ khám chữa bệnh thì các đơn vị cần thuốc dự trữ tồn trong vòng 2-3 tháng. Tuy nhiên, không hiểu vì sao thực tế kiểm tra thuốc tồn kho tại Hậu Giang cho thấy lượng tồn tăng đột biến từ 4 đến 47 tháng. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang. Số thuốc tồn kho lên gần 4,5 tỷ đồng không sử dụng hết.

Sự thật được phơi bày khi trong đấu thầu mua thuốc và để tồn này lại tập trung vào một số nhà thầu cung cấp lớn, đã được Sở Y tế Hậu Giang “ưu ái” lựa chọn. 

Kết quả thanh tra lượng thuốc tồn lớn từ 4 đến 47 tháng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang, cho thấy đơn vị này mua lượng thuốc tăng đột biến, bất thường, chỉ tập trung ở một số mặt hàng và mua của 2 Công ty Dược Sông Hậu và Công ty IMEXPHARM.

Lãnh đạo bệnh viện này lý giải rằng họ ưu tiên mua thuốc của Công ty dược IMEXPHARM là do bác sỹ Lê Minh Hoàng, nguyên Giám đốc đã ký hợp đồng mua thuốc 6 tỷ đồng thì Công ty dược IMEXPHARM hỗ trợ 450 triệu đồng. Số tiền “hỗ trợ” này được bệnh viện nhận và xây dựng nhà công vụ cho cán bộ, nhân viên bệnh viện. 

Tuy nhiên, bệnh viện chưa mua thuốc nên Cty khiếu nại và buộc phải mua. Trong khi đó, ưu tiên mua của Cty dược Sông Hậu là do đơn vị này là “người của địa phương” và có nhiều hỗ trợ cho bệnh viện thông qua các hợp đồng hợp tác. 

Điều đáng nói, để có sự ưu ái này, tại các cuộc họp ở bệnh viện lãnh đạo đều thông báo “cân nhắc chú ý đến các đơn vị hỗ trợ khi mua thuốc”.

MỚI - NÓNG