Được mùa sắn, nặng mối lo

Được mùa sắn, nặng mối lo
TP - Được mùa sắn nhưng không có đầu ra là thực trạng hiện nay tại A Bung, xã miền núi nằm phía tây của huyện Đa Krông (tỉnh Quảng Trị).
Được mùa sắn, nặng mối lo ảnh 1
Anh Hồ Văn Tề với những củ sắn đến mùa thu hoạch

Trên toàn xã, tổng diện tích đưa vào sản xuất 387 ha (tổng diện tích tự nhiên hơn 14 ngàn ha). Năm 2008, dân xã A Bung trồng 67 ha sắn cao sản KM 94 cho năng suất cao nhưng đến mùa thu hoạch lại trở nên điêu đứng vì không có đầu ra.

"Từ đầu năm đến nay không có ai thu mua hết", anh Hồ Văn Tề thở dài, đành để hai ha sắn của mình phơi nắng phơi sương ngoài rẫy. Không có thương buôn, các đầu mối đến mua nên các rẫy sắn bị bỏ hoang cho cỏ mọc um tùm. Với các xã nghèo miền núi, cây sắn được xem là cây giúp xoá đói giảm nghèo cho dân nhưng nay làm ra lại không biết bán cho ai, bán ở đâu.

Chị Kăn Ngân chỉ tay ra xa về phía rẫy sắn của mình: "Chán lắm. Mình trồng một ha thôi, không bán được nên để đó cho con chuột, con sóc nó ăn chứ biết răng". Anh Hồ Văn Pả trồng 4 - 5 ha sắn nhưng cũng không biết làm gì hơn.

Ông Hồ Văn Đô, Phó chủ tịch UBND xã A Bung cho biết chính quyền địa phương vẫn chưa có kế hoạch gì trình lên cấp trên hay liên hệ thương buôn đến thu mua sắn cho bà con.

Nguy cơ đói

Hàng nghìn nông dân xã Lạng Khê, huyện Con Cuông (Nghệ An) có nguy cơ đói khi vụ sắn trúng mùa lớn.

Lạng Khê được xem là vựa sắn của huyện miền núi Con Cuông, diện tích trồng sắn toàn xã hơn 152 ha, dự kiến thu hoạch tám nghìn tấn. Những năm trước, sắn thu hoạch bao nhiêu, đều được nhà máy sắn Intimex Thanh Chương thu mua hết với giá cao 140.000 đồng/tạ.

Vụ sắn năm nay trúng lớn nhưng nông dân buồn thiu. Sắn nguyên liệu rớt giá thảm hại. Những đồi sắn bạt ngàn, nhưng bà con chẳng buồn thu hoạch. Bán chẳng được, không ai muốn đem về, chỉ tổ rác nhà. Đám trẻ con, rải sắn khắp đường làng, chơi trò đánh trận giả.

Hộ ông Lô Vi La (bản Piềng Khử) trồng hai hécta, thu hoạch ngót nghét gần 80 tấn. Thời điểm này mọi năm, bán được giá 140.000 đồng/ha, trừ chi phí, lãi gần trăm triệu. Năm nay, nhà máy thu mua giá bèo, 40.000 đồng/tạ. Tính ra, dân phải bù lỗ 400.000 đồng/hécta.

Toàn xã hiện còn hơn 100 ha sắn chưa tiêu thụ được. Hàng nghìn tấn sắn thối nát, vứt bừa bãi khắp đường. “Đến cả trâu bò bây giờ nhìn thấy sắn cũng chẳng thèm ăn”- ông La nói.

Mới rồi, người làng lại đón tin dữ. Nhà máy chuyên thu mua sắn cho bà con vừa bị đình chỉ, vì gây ô nhiễm môi trường. Giá sắn vì thế tiếp tục đại hạ giá, chỉ còn 20.000 đồng/tạ.

Ông Lô Văn Son (bản Đồng Tiến) ngao ngán: “Giá sắn như thế, có bán được cũng chẳng đủ chi phí tiền vận chuyển, phân bón mua nợ các cửa hàng từ đầu vụ”. Trưởng ban nông nghiệp xã Lạng Khê - Kha Văn Chiến nói: “Chưa năm nào sắn rớt giá thảm hại như năm nay. Cuộc sống của hàng nghìn hộ dân đang điêu đứng!”. 

Lê Kiến - Đặng Phương - Quang Minh

MỚI - NÓNG