Quốc hội thảo luận về Luật Chuyển giao công nghệ:

Được trích một phần lợi nhuận trước thuế để đổi mới công nghệ

Được trích một phần lợi nhuận trước thuế để đổi mới công nghệ
TP - Hôm qua 25/10, hai dự án Luật Chuyển giao công nghệ và Luật Đê điều đã được các vị ĐBQH cho ý kiến lần cuối trước khi được bấm nút thông qua vào cuối kỳ họp này.
Được trích một phần lợi nhuận trước thuế để đổi mới công nghệ ảnh 1

Chiều 25/10/2006, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật đê điều. Trong ảnh : Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Viết Chức phát biểu ý kiến.  Ảnh: Dũng Dân - TTXVN

Nhiều ĐBQH đề cập đến  Quỹ hỗ trợ đổi mới công nghệ quốc gia bởi việc đổi mới công nghệ sẽ quyết định việc phát triển KT-XH trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế với áp lực cạnh tranh ngày càng cao. 

 “Nhà nước sẽ không thể tiếp tục thực hiện hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp (DN) và cho cả nông dân. Việc thành lập quỹ riêng để hỗ trợ cho việc tăng cường tiềm lực công nghệ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và nông dân là rất cần thiết.

Điều này không trái với quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), vì vậy, việc thành lập Quỹ đổi mới trong công nghệ quốc gia cần đưa vào nội dung dự thảo này”- Ông Huỳnh Minh Hoàng (ĐBQH Bạc Liêu) nói. Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thu Hồng (ĐBQH Thừa Thiên - Huế) cho rằng, nếu chậm thành lập quỹ này sẽ có thể gây mất thời cơ hoặc rơi vào tình trạng phải nhập các công nghệ lạc hậu.

Đa số các ĐBQH tán thành với quy định DN được trích một phần lợi nhuận trước thuế để đầu tư đổi mới công nghệ. Thế nhưng ông Bùi Sĩ Tiếu (ĐBQH Thái Bình) còn mong muốn tạo điều kiện tốt hơn nữa cho các DN. Ông nói: “Dự thảo quy định DN vừa và nhỏ được trích một phần lợi nhuận trước thuế hàng năm để lập Quỹ phát triển khoa học, công nghệ của DN trong thời hạn tối đa là 5 năm. Theo  tôi không nên khống chế thời hạn 5 năm, vì đổi mới công nghệ là một quá trình liên tục, để đảm bảo duy trì khả năng cạnh tranh của mọi DN ở nước ta trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, mà cần phải khuyến khích liên tục”.

Phải đảm bảo đời sống cho dân trong đê bị di dời

“Sẽ có hàng chục nghìn hộ dân đang sống trong đê sẽ bị di dời. Theo chính sách hiện nay thì phải lo cho họ có cuộc sống tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ”- Ông Lê Văn Cuông (ĐBQH Thanh Hóa) đề xuất như vậy khi góp ý cho dự án Luật Đê điều.

Theo ông Cuông, vấn đề này tuy khó nhưng cần được bổ sung vào  Luật thêm ý “phải ổn định cuộc sống cho dân khi di dời” để các địa phương trước khi tổ chức di dời phải có phương án đảm bảo đời sống cho dân. Ông Cuông phân tích thêm rằng vì những người thuộc diện này họ phải bám vào sông, biển và đê để làm ăn sinh sống nên khi di dời họ sẽ gặp nhiều khó khăn.

Ông  Nguyễn Văn Dũng (ĐBQH Tiền Giang) cũng nêu vấn đề đáng được lưu ý, đó là không nên quy định cứng nhắc về hành  lang bảo vệ đê điều mà cần quy định theo hướng tùy từng loại đê sẽ có hàng lang bảo vệ thế nào cho an toàn và phù hợp.

“Nếu quy định cứng nhắc một con đê nhỏ cũng có hành lang bảo vệ như đê loại đặc biệt sẽ rất lãng phí. Chỉ cần tận dụng 10m chiều rộng hành lang của một con đê dài vài chục cây số là đã có một diện tích không nhỏ có thể  để xây dựng”- ông Dũng nói.

Hôm nay (26/10), Quốc hội sẽ thảo luận về dự án Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và Luật Bình đẳng giới.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.