'Được về nhà là mừng'

Anh Vũ Đức Lượng vui mừng khi từ Hàn Quốc về Việt Nam. Ảnh: U.P
Anh Vũ Đức Lượng vui mừng khi từ Hàn Quốc về Việt Nam. Ảnh: U.P
TP - Trước dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới, không ít Việt kiều, du học sinh chọn về nước để tránh dịch. Với họ, kịp về nước là “mừng rồi!”.

Chị Trần Thị Minh Châu (45 tuổi, ngụ Q.3, TPHCM) có con và cháu đều là du học sinh ở Mỹ. Chị kể, khi dịch lây lan nhanh ở xứ cờ hoa, trường học ở Mỹ yêu cầu sinh viên nước ngoài dọn đồ ra khỏi ký túc xá khiến các phụ huynh có con du học đều hoảng loạn.

Mong ngóng

“Thời gian nghỉ này trùng với kỳ nghỉ đông ở Mỹ nên đợt này họ đóng cửa ký túc xá. Ngay lập tức tôi đặt vé cho con bằng mọi giá phải về Việt Nam. Tôi chỉ mong thấy con ở sân bay, dù vừa về nước sẽ có xe chở thẳng vào khu cách ly, quan trọng kịp về nước là mừng lắm rồi” - chị Châu nói. Theo lịch, 0h ngày 19/3, con chị Châu sẽ có mặt ở sân bay Tân Sơn Nhất. Dù biết không được gặp con trực tiếp nhưng gia đình chị Châu vẫn chờ ở cổng đón, để biết con mình về bình yên.

Trịnh Thị Tú Uyên (ngụ Q.1) du học ở Pháp về được 2 ngày, hiện đang thực hiện cách ly tập trung ở huyện Bình Chánh, TPHCM khoe: “Ở đây rất vui, y bác sĩ quan tâm, được ăn  cơm ngày 3 bữa rất ngon, lại còn có giờ thể dục thể thao, vui chơi tăng cường sức khỏe”.

Uyên nói, ở nước ngoài họ chỉ quan tâm tới công dân của họ, còn người ngoại quốc nếu nghi dính dịch là khổ trăm bề. Khi thấy có dấu hiệu ho, sốt, gọi đường dây nóng cho y tế sẽ được hỏi “có đi từ vùng dịch không”, nếu mình trả lời không họ sẽ hướng dẫn tự cách ly tại nhà. Theo dõi nếu thấy sốt 2-3 ngày không hết thì gọi lại. Và chuyện gọi mãi không được cũng là bình thường vì quá nhiều cuộc gọi dẫn đến quá tải.

“Lúc lên máy bay em cũng sợ lây nhiễm ở sân bay, trong máy bay vì tất cả đều đóng kín. Lúc đó chỉ một hy vọng duy nhất là được về ngay Việt Nam, ở đó có gia đình, có bác sĩ quan tâm, có những vòng tay yêu thương đang chờ đợi mình. Vừa đặt chân xuống sân bay là bao cảm xúc vỡ òa. Hồi còn ở nước ngoài lo sợ bao nhiêu thì bây giờ yên tâm bấy nhiêu, dù có bị hay không cũng cảm thấy an toàn, cảm giác mình được cứu rồi” - Uyên nói.

Bà Đặng Thanh Giang (60 tuổi) trở về từ Đức bộc bạch: “Về tới sân bay Việt Nam là mừng muốn khóc. Tuy ở Đức tình hình chưa nghiêm trọng như các nước Pháp, Ý hay Tây Ban Nha nhưng lo ngại lớn nhất là sau khi có lệnh cấm bay sẽ có lệnh cấm biên. Mà đã cấm biên thì không có hãng nào bay được nữa nên mọi người tìm các hãng máy bay để bay về. Đây là tâm trạng chung, ai cũng mong muốn nhanh chóng về Việt Nam”, bà Giang giãi bày.

Trò chuyện với những người kịp lên máy bay về nước, ai cũng mong muốn về Việt Nam bởi họ cho rằng hệ thống y tế cộng đồng, y tế dự phòng của Việt Nam rất tốt. “Tại Việt Nam, F1, F2 là cách ly tập trung rồi. Có dấu hiệu nghi ngờ là cách ly ngay chứ ở châu Âu người ta rất chủ quan với dịch bệnh. Họ vẫn đi lại ngoài đường, vẫn ăn uống, tiếp xúc và hầu như không đeo khẩu trang. Như ở Mỹ tìm mua một chiếc khẩu trang cũng không có, chỉ có nước rửa tay. Chưa kể chi phí y tế ở nước ngoài rất đắt đỏ, không phải ai cũng có khả năng chi trả nếu không có bảo hiểm y tế” - ông Daniel Huy (58 tuổi, ngụ Q.10, TPHCM), Việt kiều Anh, nói.

Nhật ký “15 ngày quân sự”

“Loa… Loa… Loa! Đã đến giờ, mời bà con tập trung”. Ký ức về thời gian tại khu cách ly tỉnh Vĩnh Long lại ùa về - Vũ Đức Lượng (32 tuổi) - Phó Chủ tịch Thường trực Hội người Việt tại Hàn Quốc viết nhật ký trên Facebook của mình. Lượng tâm sự, 15 ngày cách ly ở Vĩnh Long là những kỷ niệm khó quên của cuộc đời.

Khi vừa đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất hồi đầu tháng 3, Lượng cùng 240 kiều bào Việt và công dân Hàn Quốc đến từ 42 tỉnh thành trên cả nước được đưa tới địa điểm cách ly ở tỉnh Vĩnh Long. “Sau 14 ngày cùng sinh hoạt trong khu vực cách ly, mặc dù khác nhau về vùng miền, về văn hóa nhưng một sợi dây vô hình đã đưa chúng tôi trở thành một gia đình đặc biệt”, chàng trai trẻ nói.

Cơm ngày 3 bữa với thực đơn thay đổi mỗi ngày, nhân viên y tế đo nhiệt độ 2 lần/ngày; các chương trình giao lưu văn nghệ Việt - Hàn làm khu quân sự càng thêm vui. Chẳng ai còn cảm giác lo sợ như buổi ban đầu khi bị đưa về cách ly. Ngày chia tay, ai cũng bịn rịn, vừa vui vừa vương vấn những ngày “xóm nhỏ” sống cùng nhau.

“Sự chuẩn bị chu đáo, đầy đủ trong việc cách ly của Chính phủ đã làm cho chúng tôi thật sự an tâm và càng tin tưởng vào Nhà nước trong việc phòng chống dịch. Được thực tế sống trong môi trường như thế này mới càng thấy tự hào về quê hương Việt Nam. Tuy đất nước còn nhiều thiếu thốn, khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước đã có sự chuẩn bị rất chu đáo để phòng chống và dập dịch, hỗ trợ tối đa những người con xa xứ trở về” - anh Vũ Đức Lượng tâm sự.  

 “Về tới sân bay Việt Nam là mừng muốn khóc. Tuy ở Đức tình hình chưa nghiêm trọng như các nước Pháp, Ý hay Tây Ban Nha nhưng lo ngại lớn nhất là sau khi có lệnh cấm bay sẽ có lệnh cấm biên".

Bà Đặng Thanh Giang trở về từ Đức

MỚI - NÓNG