Dưới bóng Chư Yang Sin

Thác Krông Kma dưới chân núi Chư Yang Sin
Thác Krông Kma dưới chân núi Chư Yang Sin
TP - Chư Yang Sin 2.442m, là đỉnh cao nhất trong dãy núi cùng tên thuộc huyện Krông Bông tỉnh Đắk Lắk. Thời chống Mỹ, Tỉnh ủy Đắk Lắk chọn Krông Bông dưới chân dãy núi thẳm xanh làm vùng căn cứ H9. Trong khi khắp nơi kỷ niệm 40 năm Ngày thống nhất đất nước, thì Krông Bông lần đầu tiên được thấy pháo hoa trên vùng trời đã 50 năm giành lại chính quyền.

Giữ vững thành trì

Là bình nguyên rộng lớn dưới chân núi Chư Yang Sin, Krông Bông nhiều thập kỷ trước được chọn làm trung tâm của căn cứ cách mạng mật danh H9. Dưới tán rừng nguyên sinh xanh thẳm, những hẻm núi ngoằn ngoèo vòng quanh các con suối trong veo róc rách quanh năm, khói sương ẩm ướt phủ mờ vô số hang động bí hiểm khiến nơi đây trở thành chốn ẩn náu, là tiền đồn, cũng là hậu phương bất khả xâm phạm.

“Miệt mài viết tới hơn 10 năm mới đặt được dấu chấm hết vào trang cuối, tôi thấy nhẹ lòng như trút được gánh nợ ân tình đè trĩu suốt 50 năm hậu chiến với vùng H9! Hãy đọc chậm rãi, để thấy mỗi phận người dưới chân dãy núi Chư Yang Sin ngay trong những khoảnh khắc sống nghiệt ngã nhất, vẫn không ngừng nuôi lớn tình yêu, lạc quan và hy vọng…

Ông Nguyễn Trúc chia sẻ

Đầu thập kỷ 60, Tỉnh ủy Đắk Lắk chọn buôn Tuar (nay thuộc xã Cư Pui, huyện Krông Bông) làm nơi đồn trú lâu dài. Những nhà lãnh đạo kháng chiến lúc đó như các ông Huỳnh Văn Cần, Mười Nguyên, Lê Chí Quyết, A Ma Thưng, Nam Vinh, Y Blốc Êban, Lê Hữu Kiểng… đã ở đây trọn thời chống Mỹ.

Ông Nguyễn Trúc 10 năm sống và chiến đấu tại H9 kể: Có lần đại hội tỉnh đảng bộ đang diễn ra tại buôn Tuar, thì hay tin địch càn. Tất cả nhanh chóng xóa mọi dấu vết, lặng lẽ lánh sâu vào hang đá Đắk Tuar. Những cửa hang ẩm tối rong rêu trơn trợt, dơi quạ bám đầy luôn là điểm trú ẩn an toàn. Lựu đạn, bom mìn dẫu cài nổ bao nhiêu cũng chẳng ăn thua gì với hệ thống hang đồ sộ như thiên la địa võng.

Sau này, 1991 Bộ VH-TT ký quyết định công nhận hang đá Đắk Tuar là di tích lịch sử theo hồ sơ đệ trình của UBND tỉnh Đắk Lắk. Nhiều vị lão thành cách mạng đã phiền lòng hỏi sao không chọn địa chỉ chính xác hơn, là buôn Tuar? Nhưng buôn Tuar thời hiện đại chẳng còn nguyên vẹn hình dáng buôn làng M’Nông truyền thống, trong khi hang đá Đắk Tuar vẫn ẩn chứa biết bao điều chưa được khám phá, mãi mãi hấp dẫn, quyến rũ những đoàn du khách gần xa.

Dưới bóng Chư Yang Sin ảnh 1

Tác giả Trúc Hoài (trái) tặng cuốn sách viết 10 năm cho PV báo Tiền Phong

Pháp trước, Mỹ sau đều bố trí quanh H9 cả hệ thống đồn bốt dày đặc. Tỉnh ủy và Mặt trận B5 đã tổ chức cho quân dân H9 xây dựng thế trận với phương châm: “Lấy ít đánh nhiều, lấy yếu đánh mạnh, chọn sơ hở và chỗ yếu của địch mà đánh”. Ngày 9/5/1965, quân dân đồng loạt nổi dậy, giành lại toàn vùng H9, thành lập chính quyền cách mạng. Suốt 10 năm sau đó, với ý chí bám đất giữ làng, một tấc không đi, một ly không rời, quân dân huyện Krông Bông đã kiên cường giáng trả nhiều trận càn lớn, nhỏ của địch. Máu xương đổ xuống nhiều nhất tại các xã Khuê Ngọc Điền, Cư Drăm, Cư Pui, Yang Mao dưới những trận bom B52 rải thảm và hàng ngàn quả trọng pháo địch cày đi, xới lại, hàng trăm tấn chất độc hóa học địch rải xuống nhằm triệt phá nguồn lương thực, san phẳng buôn làng hậu cứ...

Krông Bông không chỉ tự bảo vệ được mình, mà còn trở thành nơi đào tạo ra nhiều cán bộ, chiến sĩ để bổ sung, tăng cường cho các chiến trường. Nhiều cán bộ trưởng thành từ đây sau này đã nắm giữ các chức vụ chủ chốt của Đảng, Nhà nước, quân đội, các ngành, các cấp. Danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang đã nhiều lần được Đảng, Nhà nước trao tặng cho hàng chục tập thể, cá nhân của huyện Krông Bông.

Ân tình phải trả

Tháng 2/2015, về dự lễ kỷ niệm 50 năm giải phóng xã Khuê Ngọc Điền, nhiều đồng chí lãnh đạo vùng H9 nay tóc bạc phơ, chân bước khó nhọc, phải dìu đỡ, rưng rưng nước mắt bồi hồi trước sự đổi thay trên vùng căn cứ bom đạn thuở nào. Dù Krông Bông đến nay vẫn là một trong vài huyện nghèo của tỉnh.

Trong nhiều tỉnh thành trên cả nước mà tôi được dừng chân tìm hiểu, có những nơi câu chuyện mỗi ngày trong mỗi nhà sau nửa thế kỷ vẫn chìm đắm trong ký ức chiến tranh, như xã Tịnh Khê (huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) nơi đặt tượng đài chứng tích vụ thảm sát Sơn Mỹ, và huyện Krông Bông này- nơi xen lẫn những buôn làng M’Nông hiền hòa với các “khu dinh điền” tập hợp dân nghèo Quảng Nam do chính quyền Diệm -Thiệu lập nên, mà rốt cục, đều thành vùng cách mạng . 

Ông Bạch Văn Mạnh - Bí thư Huyện ủy huyện Krông Bông cho biết: Huyện hiện có tới 36 tổ chức cơ sở Đảng, 21 Đảng bộ và 15 Chi bộ trực thuộc. Được ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tới nay điện, đường, trường, trạm, chợ, nước sinh hoạt, thủy lợi, trụ sở cơ quan làm việc trên toàn huyện về cơ bản đầy đủ. Tuy nhiên, về kinh tế đây vẫn là huyện thuần nông, mà đa phần thổ nhưỡng không phù hợp với những loại cây lâu năm giá trị cao, nên nông sản vẫn chỉ quẩn quanh lúa, ngô, hoa màu, cây thuốc lá…

Dưới bóng Chư Yang Sin ảnh 2

Chị Thúy trong trại nuôi bò

Bạn đọc không quên nhiều tấm ảnh dân quê đu dây qua sông làm rẫy, mà báo Tiền Phong đã đăng, được chụp ngay trên những đoạn sông chảy qua huyện này. Trong báo cáo gần nhất huyện cũng ghi rõ: kinh tế xã hội phát triển chậm, thiếu bền vững, nắng hạn, lũ lụt thường xuyên xảy ra làm cho sản xuất nông nghiệp luôn bấp bênh, tình trạng dân di cư tự do gây áp lực lớn và nảy sinh những phức tạp mới, đời sống của một bộ phận nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn…


Tỉnh và huyện đã giới thiệu, cấp phép cho một số dự án nuôi trồng ứng dụng khoa học công nghệ mới triển khai trên bình nguyên Krông Bông. Trong đó đáng chú ý có dự án nuôi các loài cá xứ lạnh như cá hồi, cá tầm và các loài cá bản địa như trám đen, cá lóc, cá rô đồng, cá Lăng đuôi trên đỉnh núi Yang Hanh xã Cư Đrăm; Nuôi thỏ New Zealand  tại xã Hòa Sơn; Nhóm sở thích chăn nuôi bò ở Dang Kang v.v… Tuy nhiên, ông Huỳnh Bài - Chủ tịch UBND huyện cho biết: Sự trắc trở về giao thông với những đoạn đường liên huyện hư hỏng, vỡ nát làm tăng giá thành sản phẩm, gây nhiều khó khăn đối với người sản xuất. 

Vượt mọi trở ngại, cách trồng cỏ nuôi bò thịt ngay tại thị trấn Khuê Ngọc Điền của chị Vũ Thị Ngọc Thúy đang được nhiều người đến học tập.  Chị Thúy chia sẻ: Vợ chồng chị cùng sinh năm 1975, đều đang là cán bộ nhà nước. Gia đình chị thuê nhân công cải tạo lại 2 hecta cà phê kém hiệu quả của bố chồng, vay vốn đầu tư gần 1 tỷ mở trang trại trồng cỏ nuôi bò. 60 con bò đực nhỏ được chị mua về từ nhiều nơi, nuôi nhốt theo đúng quy trình kỹ thuật, chữa bệnh, nuôi vỗ, sau 8 tháng đã tăng giá trị mỗi con từ 12,5 triệu lên 20 triệu. Cách làm này cho thấy hiệu quả và phù hợp với điều kiện tự nhiên của Krông Bông.

Dẫu sao, khó khăn bây giờ so với gian khổ thời chiến chỉ như hạt bụi so với đá núi, nên lễ kỷ niệm 50 giải phóng và nhận Huân chương Lao động hạng Nhì cho Krông Bông diễn ra hôm nay (8/5) sẽ là ngày vui nhất của toàn huyện. Bí thư Bạch Văn Mạnh tiết lộ: Đêm nay, trên bầu trời huyện nhà, nhờ có các nhà tài trợ, lần đầu tiên đồng bào các dân tộc Krông Bông sẽ được nhìn thấy pháo hoa tưng bừng rộ nở.

Một trong những món quà đặc biệt cho đại lễ, là cuốn tiểu thuyết “Từ sông Krông Bông”, chữ nhỏ mà dày tới 655 trang của Trúc Hoài - bút danh của ông Nguyễn Trúc, vừa được lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk đặt hàng in 2.000 cuốn để phát hành vào hệ thống thư viện, trường học và tặng quan khách. Là cử nhân văn khoa, vừa tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội đã vào chiến trường Tây Nguyên, Trúc Hoài nằm rừng ngủ núi suốt 10 năm từ 1965-1975 tại vùng H9. Đất nước thống nhất, ông mới trở lại giảng đường, học xong chương trình thạc sĩ văn chương rồi công tác trong ngành giáo dục cho tới lúc về hưu. Vốn sống dày dặn về thời chiến, Trúc Hoài là một trong những trí thức hiếm hoi phục dựng được dòng đời sinh động, muôn màu của vùng căn cứ H9 vào tác phẩm. 

Krông Bông là huyện chi trả chế độ chính sách nhiều nhất tỉnh, với 44 Mẹ Việt Nam anh hùng, 1.067 gia đình có công với cách mạng, 649 liệt sĩ, 200 thương binh, 151 bệnh binh, hơn 3.000 huân huy chương các loại. 

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
TPO - TIN NÓNG ngày 19/4: Chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng của nhà đầu tư, hai lãnh đạo Công ty CP tập đoàn Tâm Lộc Phát bị bắt giữ; Cơ quan chức năng vào cuộc xác minh vụ thất thoát hơn 53 tỷ đồng quỹ di tích làng Đồng Kỵ; Biến tướng chiêu trò lừa đảo liên quan giải chạy marathon; Tạm giữ đối tượng sàm sỡ nữ sinh trên phố...