'Đường bay vàng': Vẫn chưa biết vàng hay thau

'Đường bay vàng': Vẫn chưa biết vàng hay thau
TP - Sau nhiều tháng, Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) và cựu phi công Mai Trọng Tuấn lại gặp nhau trong một cuộc hội thảo về hiệu quả kinh tế của đường bay do ông Tuấn đề xuất (còn gọi là đường bay vàng theo kinh tuyến 106 độ đông).

>> FIR là gì
>> Kiến nghị chấm dứt phương án 'đường bay vàng'

Họp cả ngày, ăn trưa chỉ vài chục phút nhưng kết quả không hơn gì cuộc gặp hồi tháng bảy vừa qua.

'Đường bay vàng': Vẫn chưa biết vàng hay thau ảnh 1
Ông Mai Trọng Tuấn (bên trái) tranh luận trực tiếp với Phó Cục trưởng HKVN Lại Xuân Thanh - Ảnh: Bảo Khánh

Đề xuất đường bay vàng quá sơ sài

Mở đầu, ông Trần Phương (Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam - Hội KHKTVN), chủ trì hội nghị nói nôm na: “Đường bay vàng là vấn đề của toàn xã hội chứ không phải là của Bộ GTVT.

Việc Bộ GTVT kiến nghị dừng xem xét nó là nực cười. Sự im lặng là có ý đồ. Cục HKVN nên xem đây là cơ hội để giải thích. Có gì thì nói luôn ra đi!”.

Sau lời mở đầu gần 30 phút của ông Trần Phương, đến lượt, Cục phó HKVN Lại Xuân Thanh: “Vấn đề này, Cục HKVN rất cầu thị, kể cả các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng hết sức quan tâm và yêu cầu các cơ quan nghiên cứu tính toán.

Xin nói ngay, ngành hành không không né tránh. Đường bay vàng đã được bàn thảo rất nhiều lần qua các thời kỳ. Tâm trạng là thế hệ con cháu không dám lạm bàn những quyết định của thế hệ lãnh đạo đi trước”.

Chứng minh bằng các thông số khoa học, Trưởng ban Quản lý Hoạt động bay Bùi Văn Võ (Cục HKVN) nói: “Phương án đề xuất mở một đường bay của ông Tuấn quá sơ sài về chuyên môn, thông tin lý giải sai lệch nhiều và lạc hậu về khai thác và kỹ thuật”.

Theo đó, không thể có đường thẳng giữa hai sân bay từ Hà Nội đi TPHCM mà lại theo kinh tuyến 106 độ đông được. Đường hàng không không phải chỉ là một đường kẻ (cũng như đường quốc lộ không phải chỉ là vạch kẻ tim đường).

“Chuyên môn hàng không không nên đại khái và cẩu thả như thế. Việc dẫn chiếu đề án đường bay trong dự án VUETA (một dự án mở cửa hàng không và du lịch) hình như có một dòng ở một trang nào đó”, ông Võ nói.

Ông Võ dẫn ra hai phương án giả định để chứng minh: Thiết lập đường hàng không thẳng từ sân bay Nội Bài đến sân bay Tân Sơn Nhất, theo phương án này, đường hàng không có cự ly thực bay là 1.160km; và, theo đường bay của ông Tuấn đề xuất, nếu tính theo lộ trình tối ưu thì cự ly thực bay là 1.240km.

Tóm lại, hai phương án này dù có thực hiện cũng không rút ngắn được đoạn đường còn 1.000km như ông Tuấn nói, “kể cả đâm xuyên qua Trái Đất” (lời ông Võ).

Hơn nữa, vẫn theo ông Võ cả hai phương án trên có đường hàng không đi qua lãnh thổ ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Do vậy, đường hàng không này phải là đường quốc tế.

Việc hoạch định, thiết lập, tổ chức khai thác đường hàng không quốc tế phải tuân thủ các quy định, hướng dẫn và tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không Dân dụng quốc tế và pháp luật của cả ba nước, cũng như phải có sự đồng thuận của các bên có liên quan (các nước có đường hàng không đi qua bao gồm cả quyền lợi của các nước trong khu vực).

Với các thông số khoa học, theo ông Võ, tóm lại đường bay do ông Tuấn đề xuất đã thiếu an toàn, lại không hiệu quả về kinh tế.

Tranh luận giữa già và trẻ

Ông Mai Trọng Tuấn phát biểu rằng đường bay đề xuất của mình đi theo kinh tuyến 106 độ đông chứ không bay ngay kinh tuyến này.

Ông phản bác cách tính toán của Cục HKVN và VNA vì theo ông: “Cục HKVN tính bay qua hai điểm là sân bay Nội Bài tới sân bay Tân Sơn Nhất nhưng đường bay của tôi nói chung là bay từ TPHCM ra Hà Nội”.

Cuộc hội thảo diễn ra ngày càng gay gắt với một bên là ông Mai Trọng Tuấn và các nhà khoa học cao tuổi tâm huyết (các cụ tuổi đều tầm 70 - 80 đa số đều theo ông Tuấn bay từ TPHCM ra Hà Nội dự hội thảo.

Một số trong các cụ nguyên là cựu phi công, chuyên gia lĩnh vực hàng không, chuyên gia kinh tế...); bên kia là quan chức hàng không, và các cán bộ Cục HKVN, VNA đều trẻ, khỏe.

Phía các cụ cho rằng, đường bay của ông Tuấn đề xuất là tối ưu và đáng để thực hiện. Phía bên quan chức hàng không lại cho rằng, các cụ về hưu lâu ngày nên các thông số quá cũ, lạc hậu.

Diễn biến của hội thảo lên cao trào khi Cục HKVN đề nghị ông Tuấn đưa các tính toán cụ thể điểm đầu, điểm cuối khi bay để cùng đối chất. Tuy nhiên, ông Tuấn cho biết đó là ý tưởng của ông, còn cơ quan chức năng phải có trách nhiệm thực hiện.

Cuối cùng, chủ tọa Trần Phương nói: “Cục HKVN trình bày chưa thuyết phục và còn mâu thuẫn, thất bại trước hội nghị này. Học sinh lớp một cũng hiểu bay thẳng (ý nói đường bay kinh tuyến 106 độ đông - PV) ngắn hơn bay vòng (đường bay hiện tại - PV). Tôi cũng là học sinh lớp một đây”.

Chủ tọa cũng ra tối hậu thư cho Cục HKVN nên mời các ông Mai Trọng Tuấn, Lê Trọng Sành, Trần Đình Bá (người thách cược năm triệu USD với Cục HKVN) và Nguyễn Thiện Tống (những người thời gian qua cùng ông Tuấn phản biện Cục HKVN mạnh mẽ về hiệu quả đường bay vàng) tính toán cụ thể lại các thông số.

Theo đó, nếu Cục HKVN không thực hiện, với vai trò Chủ tịch Hội KHKTVN, ông Trần Phương sẽ gửi văn bản kiến nghị Thủ tướng buộc Cục HKVN phải làm theo.

Cục phó HKVN Lại Xuân Thanh dù hết thời gian nhưng vẫn giơ tay nói: “Cục HKVN lấy làm tiếc vì đã trình bày hết ý nhưng các bác không chấp nhận kết quả của Cục vì có sẵn định kiến. Cục HKVN khẳng định làm việc nghiêm túc, trọng danh dự, không dùng thủ đoạn để bao che cho mình”.

Tuy nhiên, ông Thanh cũng cho biết, Cục HKVN vẫn sẵn sàng ngồi tính toán các thông số về đường bay vàng cùng những người nói trên. 

Dẫn chứng cho hiệu quả kinh tế, đại diện Vietnam Airlines (VNA) cho biết, hãng này đã tính toán cụ thể các chi phí phải trả (Tiền Phong đã đưa tin) thấy không thể bay theo đường bay ông Tuấn đề xuất. Bởi vì, đường bay này chỉ tiết kiệm được hai phút rưỡi nhưng tăng thêm chi phí so với đường bay hiện tại là 800 USD/chuyến.
MỚI - NÓNG