Đường cao tốc Láng- Hòa Lạc: Nan giải cả vốn và mặt bằng

Đường cao tốc Láng- Hòa Lạc: Nan giải cả vốn và mặt bằng
TP - Nhà nước đã quyết định đầu tư nhiều dự án đường cao tốc với mức đầu tư cả chục ngàn tỷ đồng. Nhưng đến nay, chúng ta vẫn chưa xong một cây số đường cao tốc nào. Câu hỏi của dư luận: Đến bao giờ Việt Nam mới có đường cao tốc?
Đường cao tốc Láng- Hòa Lạc: Nan giải cả vốn và mặt bằng ảnh 1
Dự án đường cao tốc Láng - Hòa Lạc đã bị đình trệ khi đi qua Nghĩa trang Mễ Trì (Từ Liêm)

Mặc dù tại buổi làm việc mới đây với Bộ GTVT và các cơ quan liên quan, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đặt ra yêu cầu dự án đường cao tốc Láng- Hòa Lạc phải hoàn thành trong năm 2009. Thế nhưng, các chuyên gia cho rằng điều này thật khó thành hiện thực.

Ngày 23/10/2007, tổng thầu Vinaconex đã chuẩn bị 5 tỷ đồng đền bù cho người dân xã Thạch Hòa- Thạch Thất (Hà Tây) trong diện GPMB của dự án. Vậy nhưng, trong buổi sáng 23/10 đã không chi trả được một đồng nào cho 147 hộ dân. Lý do là vị cán bộ địa chính của xã này bận việc (?!). 

 Nút giao thông Láng - Hòa Lạc cắt QL 21 được coi là một trong những nút giao thông lớn nhất Việt Nam với diện tích chiếm đất 30ha và khoảng 700 hộ dân có đất.

Thế nhưng nhà thầu chưa hề nhận được một mét vuông mặt bằng nào. Và đây cũng là điểm đầu của  nút cổ chai dài 4km. Bắt đầu nút cổ chai (chiều Hà Nội- Hòa Lạc) là đất của doanh nghiệp Kim Đỉnh, dài trên 400m. Tiếp đó, Cty HTI vẫn án ngữ 250m đường. Cty  Lisohaka cũng vẫn đang yên vị với chiều dài 300m...

Góp phần quan trọng tạo nên nút thắt này còn có trên 100 hộ dân (dọc theo tuyến trên 2,2km) chưa được GPMB trong đó nhiều hộ dân không hợp tác trong kiểm đếm, nhiều hộ dân khác “vướng” do mua bán trao tay...

Ông Phí Tất Thắng, Phó Ban QLDA đường Láng - Hòa Lạc (thuộc VINACONEX) cho biết, những khó khăn trong công tác GPMB tại nút thắt này xuất phát từ giá trị đền bù lớn, hồ sơ của các doanh nghiệp cung cấp không đầy đủ tính pháp lý. Hơn nữa, đối với nhiều hộ dân, đơn giá đền bù cũng như nhà tái định cư đang là điều quan ngại khiến họ chưa  hợp tác.

Tại huyện Hoài Đức, 500 m đường hiện cũng đang bế tắc vì chưa có mặt bằng. Tại địa phận Hà Nội, tuy chỉ còn vướng 170 m dài, song cũng tê liệt cả năm nay. Lý do là, thủ tục dự án khu tái định cư vẫn chưa xong, việc mở rộng nghĩa trang Mễ Trì để quy tập mồ mả cũng chưa được thực hiện. Dự án tiếp tục “đắp chiếu”.

Vốn đầu tư:  “ Giấc mơ” khó thành!

Ngày 11/10/2007, Bộ trưởng Bộ GTVT đã có quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án. Theo đó dự án có tổng mức đầu tư là 7.527 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây lắp là gần 4.700 tỷ đồng, chi phí GPMB, tái định cư là 900 tỷ đồng, dự phòng là 1.677 tỷ đồng...

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nguồn vốn ngân sách Hà Nội (tự huy động) cho dự án là 1.658 tỷ đồng; Hà Tây là 4.028 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nguồn vốn từ ngân sách Trung ương cấp cho dự án là 1.840 tỷ đồng.

Theo đại diện chủ đầu tư- Ban QLDA Thăng Long ( Bộ GTVT) - cho đến thời điểm này, tổng giá trị khối lượng toàn dự án mới đạt 954 tỷ đồng (xây lắp 574 tỷ đồng, chi khác 380 tỷ đồng).

Như vậy, sau hơn hai năm khởi công (dự án dự kiến hoàn thành sau 3 năm) dự án mới đạt được 15% tổng giá trị tính theo vốn. Vậy từ nay đến hết năm 2009, dự án có hoàn thành 85% khối lượng còn lại?

Đặc biệt, với việc đội mức đầu tư lên 7.500 tỷ đồng, gánh nặng ngân sách đang đè nặng lên vai hai địa phương là Hà Nội và Hà Tây. Theo Ban QLDA Thăng Long kể từ ngày khởi công đến tháng 8/2007, thành phố Hà Nội ghi kế hoạch vốn là 702 tỷ đồng (đã giải ngân 525 tỷ đồng). Riêng Hà Tây, kế hoạch vốn vẫn là con số không tròn trĩnh.

“Tỉnh này dự kiến sẽ đóng góp 472 tỷ đồng vào cuối năm 2007 và năm 2008 sẽ đóng góp 1.400 tỷ đồng”- Một cán bộ của Ban QLDA Thăng Long tiết lộ. Thế nhưng ngay cả khi Hà Tây và Hà Nội còng lưng đóng góp được 2.500 tỷ đồng thì dự án mới đủ tiền cho một nửa khối lượng công việc.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, trong tháng 10/2007, tỉnh Hà Tây và Hà Nội sẽ phải báo cáo Chính phủ về việc cam kết và kế hoạch cấp đủ vốn cho dự án.

Mong muốn là như vậy, song tỉnh Hà Tây với số thu ngân sách  trên 1.500 tỷ đồng/năm sẽ phải xoay sở thế nào với khoản đóng góp quá sức này?  “Giấc mơ” về đường cao tốc Láng- Hòa Lạc hoàn thành trong năm 2009 khó thành hiện thực.

MỚI - NÓNG