Đường dây chạy quota: Phát hiện một văn bản khống

Đường dây chạy quota: Phát hiện một văn bản khống
Liên quan đến vụ án mua bán quota hàng dệt may xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, cơ quan công an đã phát hiện một văn bản xác nhận khống năng lực của 3 doanh nghiệp đóng trên địa bàn Hải Phòng để xét cấp quota.

Văn bản do Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng - Đan Đức Hiệp ký.

3 doanh nghiệp của một bị can

Mặc dù 3 doanh nghiệp này mới được thành lập đầu năm 2003, không đủ năng lực sản xuất, thế nhưng, ngày 26/6/2003, ông Đan Đức Hiệp - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Hải Phòng vẫn ký văn bản số 748 xác nhận năng lực sản xuất của các công ty như sau:

"Công ty TNHH dệt may Ngọc Sơn có số lượng máy may các loại là 500 máy, số lượng công nhân là 750 người; Công ty TNHH may mặc Bảo Tín có số lượng 600 máy, 800 công nhân; Công ty TNHH  may mặc Kwong Hai có 520 máy, 680 công nhân". Và tại văn bản này, ông Phó Giám đốc sở Đan Đức Hiệp ghi rõ: "Kính đề nghị Bộ Thương mại xem xét giải quyết cấp hạn ngạch hàng dệt may xuất khẩu đi Mỹ cho các công ty trên". Điều đáng chú ý là văn bản trên được ký ngoài giờ hành chính, vào khoảng sau 5 giờ chiều ngày 26/6.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch - Đầu tư Hải Phòng, lúc đông lao động nhất, Công ty Ngọc Sơn cũng chỉ có 162 người (thời điểm tháng 7/2003), còn có lúc  chỉ có 7 người (tháng 12/2003). Còn tại Công ty Bảo Tín lúc đông lao động nhất vào năm 2003 cũng chỉ là 220 người và thấp nhất chỉ còn 1 người vào tháng 5/2004. Từ năm 2004 hai doanh nghiệp này đều đã ngừng hoạt động nhưng nay vẫn chưa làm thủ tục với cơ quan nhà nước.

Vậy các doanh nghiệp này của ai và vì sao nó lại được ông phó giám đốc sở ưu ái ký khống lên cho như vậy?

Theo điều tra, Công ty liên doanh TNHH may mặc Bảo Tín và Công ty liên doanh TNHH may mặc Ngọc Sơn đều là liên doanh giữa một công ty TNHH của Việt Nam với Công ty Wing Chip Textiles Co., và một cá nhân là Tăng Phát Bảo (một Việt kiều Mỹ). Trong khi đó, Tăng Phát Bảo chính là một bị can trong vụ án mua bán quota xảy ra tại Bộ Thương mại và một số tỉnh, thành phố.

Ngày 15/11/2004, cơ quan công an đã ra lệnh bắt tạm giam Tăng Phát Bảo về hành vi làm giả giấy tờ của cơ quan, tổ chức. Những thông tin ban đầu cho thấy với việc thành lập hàng loạt các công ty, trong đó có các công ty dệt may: Bảo Tín, Công ty dệt may Ngọc Sơn.

Tăng Phát Bảo đã tiến hành những thương vụ mua bán quota xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ để kiếm lời. Nhằm che mắt cơ quan chức năng, Tăng Phát Bảo tiến hành các hoạt động nhập hàng may sẵn thành phẩm có nguồn gốc Trung Quốc sau đó tháo mác Trung Quốc gắn mác "made in Việt Nam" coi đó là hàng hoá do các doanh nghiệp của mình làm ra. Mặt khác, các doanh nghiệp của Tăng Phát Bảo được kê khống, kê quá số lượng máy móc và công nhân để xin được số lượng lớn, trong các hạn ngạch dệt may.

Sự khuất tất của một văn bản

Như đã nói, văn bản mà ông Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Hải Phòng ký khống trên được thực hiện ngoài giờ hành chính.

Ông Dương Ngọc Tuấn - nguyên Trưởng phòng Quản lý dự án, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng - người trực tiếp trình ông Hiệp ký văn bản này đã xác nhận: "Ngày 26/6, ông Nguyễn Đình Quản - Trưởng ban Quản lý các khu chế xuất và các khu công nghiệp Hải Phòng nhờ tôi trình  lãnh đạo sở ký bản xác nhận năng lực sản xuất của 3 doanh nghiệp Bảo Tín, Ngọc Sơn và Kwong Hai  để có cơ sở làm việc với Bộ Thương mại xin cấp hạn ngạch dệt may. Ngay buổi chiều hôm đó, văn bản này đã được ký đưa lên Hà Nội để xin quota, thậm chí "vội" đến mức văn bản không được lưu vào sổ văn thư (?!).

Như vậy, ông Hiệp đã vi phạm quy trình, ký văn bản xác nhận năng lực doanh nghiệp và đề nghị Bộ Thương mại cấp quota cho các doanh nghiệp này một cách gấp gáp, trong khi những năng lực đó quá sai lệch với thực tế. Điều này ông Dương Ngọc Tuấn rất rõ vì chính ông đã từng đề nghị và được lãnh đạo Sở Kế hoạch & Đầu tư chấp thuận đưa 3 doanh nghiệp này vào kế hoạch kiểm tra của Thanh tra sở năm 2004, vì có dấu hiệu mờ ám. Thế mà ông Tuấn vẫn trình, ông Hiệp vẫn ký.

Ông Hiệp ký xác nhận khống năng lực cho các doanh nghiệp của Tăng Phát Bảo vì "trách nhiệm với doanh nghiệp" hay là vì động cơ nào khác? Việc này cơ quan công an sẽ điều tra làm rõ. Tuy nhiên, điều khó hiểu là đến giờ này, các sai phạm của ông Hiệp và ông Tuấn vẫn chưa bị Sở Kế hoạch & Đầu tư TP.Hải Phòng xử lý.

MỚI - NÓNG