Đường dây đưa người trốn ra nước ngoài đặc biệt nghiêm trọng

Đường dây đưa người trốn ra nước ngoài đặc biệt nghiêm trọng
TP - Viện KSND TP Hà Nội vừa hoàn tất Cáo trạng vụ án Vũ Thị Tuyết và đồng bọn “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức” và “tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép”.

Đây là một đường dây hoạt động có tổ chức, suốt từ năm 1997. Điều đặc biệt nghiêm trọng là dưới bàn tay “đạo diễn” của Vũ Thị Tuyết, một vụ án do Cơ quan ANĐT CA TP Hà Nội khám phá năm 1997 về đường dây này đã bị đình chỉ điều tra do mẫu giám định trong hồ sơ vụ án bị đánh tráo một cách tinh vi…

Thực ra, Vũ Thị Tuyết đã bị bắt khẩn cấp từ ngày 1/9/2005, trong vụ án đưa người trốn sang Anh và một số nước châu Âu của Nguyễn Hữu Chung-Nguyên cán bộ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tô Minh Bình-Nguyên bác sỹ Quân y, Lã Quý Dực và đồng bọn vừa bị TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm hồi giữa tháng 2/2006.

>> Đối tượng cầm đầu có quan hệ đặc biệt với một Phó giám đốc Công an TP Hà Nội

>>Điều tra viên tiếp tay cho tội phạm đánh tráo tài liệu giám định khiến một vụ án năm 1997 chìm xuồng

Từ đầu năm 2003 đến 6/2004, đường dây của Nguyễn Hữu Chung và đồng bọn sử dụng visa giả, tổ chức cho 22 người trốn ra nước ngoài theo các con đường khác nhau.

Do hết hạn điều tra vụ Nguyễn Hữu Chung, Cơ quan CSĐT CA TP Hà Nội đã tách hành vi của Tuyết và một số đối tượng ra để điều tra, xử lý sau. Đây có thể coi là “phần 2” của vụ án đường dây đưa người trốn ra nước ngoài đặc biệt nghiêm trọng này.

Đến nay, CQĐT đã chứng minh rõ Vũ Thị Tuyết và đồng bọn đã tổ chức 2 vụ đưa người trốn ra nước ngoài trái phép, xảy ra năm 1997 và 2003.

Năm 2003, Vũ Thị Tuyết cùng Lê Kỳ Thanh-Giám đốc Cty TNHH sản xuất và XNK châu á, Hoàng Thanh Hà-Kẻ chuyên thu gom khách ở Quảng Bình có nhu cầu trốn đi các nước châu Âu tổ chức cho 3 người có nhu cầu trốn sang Đức và Anh. 

Thanh và Hà thỏa thuận giá đưa khách sang Đức là 7.000 USD, sang Anh là 16.000 USD/người. Có khách, Thanh sẽ chuyển tiếp cho Tuyết để Tuyết tổ chức đưa khách đi, với giá trọn gói sang Đức là 6.500 USD, theo hành trình VN – Slovakia – Séc - Đức.

Khi khách sang trót lọt đến Đức, sẽ có đối tượng trong đường dây của Tuyết liên hệ để đưa tiếp sang Anh theo giá thỏa thuận. Cuối tháng 3/2003, Tuyết – Thanh – Hà đã tổ chức cho 3 người trốn trót lọt sang Đức, trong đó có con trai Hà.

Hai người trong số này sau đó một thời gian đã bị cảnh sát Đức trục xuất về nước, còn một người trốn tiếp được sang Anh và hiện đang cư trú tại đây.

Năm 1997, Vũ Thị Tuyết và Lê Kỳ Thanh tổ chức cho 3 người có nhu cầu trốn sang Cộng hòa Séc với giá 5.500 USD/ người. Theo phân công, Thanh lo việc thu gom người có nhu cầu, Tuyết lo toàn bộ các khâu từ visa, mua vé máy bay đến hoàn tất thẻ cư trú tại Séc cho khách.

Tuyết đã dùng dấu visa giả đóng vào 3 quyển hộ chiếu của khách. Mọi việc sau đó diễn ra khá suôn sẻ… cho đến chiều 1/10/1997. Khi Thanh cùng đồng bọn đưa 3 khách đến sân bay Nội Bài làm thủ tục xuất cảnh, thì bị lực lượng An ninh Điều tra (PA24) CA TP Hà Nội phát hiện bắt giữ, thu 3 quyển hộ chiếu tang vật...

Ngoài các vụ trên, Lê Kỳ Thanh và Hoàng Thanh Hà còn khai nhận tham gia tổ chức một số vụ đưa người trốn đi nước ngoài khác trong các năm 2003 - 2004, cũng với thủ đoạn tương tự.

Điều tra viên “tiếp tay” cho tội phạm

Thời điểm năm 1997, phát hiện dấu hiệu tội phạm, Cơ quan ANĐT CA Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép; đồng thời khởi tố bị can, bắt giam Lê Kỳ Thanh và 2 đối tượng khác trong đường dây là Hoàng Thế Khanh, Lưu Thị Phu.

Sợ hành vi làm giả visa của mình bị phanh phui, Vũ Thị Tuyết đã giao nhiệm vụ cho Tô Minh Bình (đối tượng trong đường dây, vừa lĩnh án 5 năm 6 tháng tù giam trong vụ Nguyễn Hữu Chung) tìm gặp cán bộ ANĐT thụ lý chính vụ án là ông Trần Quang Tiến (SN 1960), để tìm cách “chạy tội”.

Theo kết quả điều tra, trong cuộc gặp tại một quán cà phê trên đường Trần Hưng Đạo (Hà Nội) sau đó, điều tra viên Trần Quang Tiến đã cho Tô Minh Bình biết, Cơ quan ANĐT đã được Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) cấp mẫu visa thật của Slovakia để phục vụ việc giám định với các visa đóng trong 3 quyển hộ chiếu bị thu giữ. Điều đặc biệt nghiêm trọng, ngay sau đó ông Tiến đã  mở cặp tài liệu, đưa luôn cho Bình mẫu visa thật (được đóng trên khổ giấy A4).

Bình đem mẫu visa thật về “trình” Vũ Thị Tuyết. Tuyết lập tức lấy con dấu visa giả đóng lên những tờ giấy A4 khác, rồi đem tráo lấy mẫu thật, bảo Bình đem mẫu giả trả lại cho ông Tiến.

Ông Tiến cất tờ mẫu “dỏm” này vào hồ sơ vụ án. Sau đó, Cơ quan ANĐT Hà Nội đã quyết định trưng cầu kỹ thuật hình sự  Bộ Công an giám định các mẫu visa trong 3 cuốn hộ chiếu thu được với mẫu visa đã bị Tô Minh Bình đánh tráo.

Tất nhiên, với những dấu visa giả trong hộ chiếu và hình mẫu gửi giám định cũng đã bị... làm giả, kết quả giám định sẽ là: Các dấu trên do cùng một con dấu đóng ra!

Đây là cơ sở để Cơ quan ANĐT nhận định, các dấu visa trong 3 quyển hộ chiếu bị thu giữ không bị làm giả. Từ kết quả giám định, ngày 30/3/1998, Cơ quan ANĐT CA TP Hà Nội đã ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án. Thanh – Khanh - Phu bị phạt hành chính, còn Vũ Thị Tuyết thoát án.

Con trai một Phó GĐ Công an TP Hà Nội cũng liên quan?

Sinh năm 1959, thường trú tại phường Láng Hạ (Đống Đa, Hà Nội), trước khi sa lưới pháp luật, Vũ Thị Tuyết là Giám đốc Cty Cổ phần tập đoàn NTT có trụ sở trên phố Lý Thường Kiệt, ngành nghề kinh doanh “tạp pí lù”: từ buôn bán tư liệu sản xuất, kinh doanh nhà, đại lý bán vé máy bay, lữ hành nội địa và quốc tế, đến cả... dịch vụ xoa bóp! Lê Kỳ Thanh cũng là một thành viên trong “tập đoàn NTT” của Tuyết.

Chỉ là giám đốc một Cty cổ phần mới được thành lập tháng 5/2002, dư luận đặt câu hỏi vì sao từ năm 1997, Vũ Thị Tuyết đã chi phối, “đạo diễn” được cho Tô Minh Bình “bắt tay” với điều tra viên Trần Quang Tiến để đánh tráo mẫu giám định trong hồ sơ vụ án, quan hệ giữa Tuyết với ông Tiến như thế nào?

Những điều này cho đến nay vẫn chưa được làm rõ, song theo tìm hiểu của Tiền phong, từ trước năm 1997 Vũ Thị Tuyết đã có quan hệ “đặc biệt” với một Đại tá Phó giám đốc CA TP Hà Nội. Vị Phó giám đốc này hiện vẫn nguyên chức.

Có nguồn tin còn cho biết, khi Cơ quan CSĐT CA TP Hà Nội thực hiện lệnh bắt khẩn cấp Vũ Thị Tuyết ngày 1/9/2005, trong nhà Tuyết lúc đó còn có mặt một người con trai của vị Phó giám đốc CA TP Hà Nội này, tên là Th.

Có tin cho thấy Th. cũng ít nhiều liên quan đến đường dây tổ chức đưa người ra nước ngoài trái phép, song đến nay việc này vẫn chưa được xử lý “đến nơi đến chốn”.

Quá trình điều tra vụ án Vũ Thị Tuyết, Cơ quan CSĐT CA TP Hà Nội đã trưng cầu giám định lại 3 dấu visa đóng trong 3 quyển hộ chiếu năm 1997. Kết quả cho thấy, đây là những dấu visa đã bị Vũ Thị Tuyết và đồng bọn làm giả.

Nhận thấy vụ đánh tráo tài liệu giám định năm 1997 có dấu hiệu của việc bỏ lọt tội phạm, làm sai lệch hồ sơ vụ án, đưa và nhận hối lộ, CA TP Hà Nội đã ra quyết định phục hồi điều tra vụ án, hủy bỏ các quyết định xử phạt hành chính trước đây đối với Thanh – Khanh - Phu.

Tuy nhiên, điều trớ trêu là mới đây Cơ quan CSĐT CA TP Hà Nội lại quyết định chuyển vụ “đánh tráo tài liệu giám định” cho Cơ quan ANĐT CA Hà Nội tiếp tục điều tra để xử lý sau.

 Điều này có nghĩa Cơ quan ANĐT CA Hà Nội đang thụ lý điều tra một vụ án trong đó có sai phạm của chính... đơn vị mình từ năm 1997. Dư luận đặt câu hỏi, liệu việc điều tra sắp tới có đảm bảo tính khách quan, chính xác? 

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.