Đường Nguyễn Hữu Cảnh xuống cấp: “Ta” kiểm tra “mình”?

Đường Nguyễn Hữu Cảnh xuống cấp: “Ta” kiểm tra “mình”?
Đơn vị trực thuộc Bộ GTVT đảm nhận thi công đường Nguyễn Hữu Cảnh (TPHCM). Khi công trình xuống cấp, cơ quan ra quyết định thành lập đoàn kiểm tra, giám định cũng lại là Bộ GTVT.
Đường Nguyễn Hữu Cảnh xuống cấp: “Ta” kiểm tra “mình”? ảnh 1
Nhiều phiến dầm cầu Văn Thánh 2 đã bị vỡ, nứt

Thời gian qua, báo Tiền phong  và nhiều báo, đài khác đã phản ảnh về tình trạng xuống cấp nhanh chóng của công trình đường Nguyễn Hữu Cảnh, đặc biệt là hầm chui Văn Thánh 2.

Theo đề nghị của UBND TPHCM, Bộ trưởng Bộ GTVT đã yêu cầu kiểm tra, đánh giá chất lượng công trình này và công bố công khai. Đoàn kiểm tra đã hoàn thành nhiệm vụ và chính thức có kết luận, nhưng...

Sờ đâu cũng thấy hư hỏng!

Công trình đường Nguyễn Hữu Cảnh có chiều dài 3.690 m, rộng 25 - 50 m, quy mô 5 - 6 làn xe với tổng kinh phí đầu tư hơn 419, 2 tỷ đồng. Hoàn thành và đưa vào khai thác đầu năm 2002 nhưng chỉ sau vài tháng, nhiều hạng mục chính của công trình đã bị xuống cấp trầm trọng.

Theo kết quả kiểm tra của Bộ GTVT, công trình đường đã bị lún toàn tuyến. Cụ thể: Hạng mục cầu vượt nút giao tại chân cầu Sài Gòn thấp hơn cao độ thiết kế khoảng 20 cm. Các đoạn đường đắp cao hai đầu cầu Văn Thánh 2 và cầu vượt nút giao tại chân cầu Sài Gòn thấp hơn cao độ thiết kế từ 40 - 90 cm.

Cá biệt, có những điểm còn thấp hơn cao độ thiết kế đến 1,3 m như ở đuôi mố cầu Văn Thánh 2. Các đoạn còn lại (dài khoảng 1,5 km) thấp hơn cao độ thiết kế từ 30 - 50 cm. Riêng đoạn qua “ao rau muống” có độ chênh lệch lên tới 70 - 80 cm.

Kết quả khảo sát này còn thừa nhận có một số tuyến hiện tại có cao độ thấp hơn cao trình nước triều (+1,24m) khoảng 30 cm nên có một đoạn dài khoảng 300 m thường bị ngập khi có triều cường. Ngoài ra, đối với hạng mục cầu Văn Thánh 2, qua kiểm định, đoàn kiểm tra phát hiện trên mố M1 (phía cầu Thị Nghè) có 20/24 phiến dầm bị vỡ, nứt đầu dầm, trong đó có 8 phiến bị hư hỏng nặng, rất nguy hiểm.

Giữa hai thớt gối trên và gối dưới của 23/24 phiến dầm đều bị lệch, trong đó có 10/23 phiến có độ lệch từ 2 - 43 mm kèm theo phá vỡ cục bộ và 13/23 phiến có độ lệch 2 - 30 mm. Trên mố cầu M2 có 1 phiến dầm bị nứt lớp bê tông bảo vệ và có 15/24 phiến bị sứt mẻ đầu dầm, ảnh hưởng đến tuổi thọ công trình.

Hạng mục cầu vượt tại nút giao chân cầu Sài Gòn, tường bao che nền đường sau cầu dẫn bị lún mạnh (20 cm) so với cầu dẫn. Tường bao che phần đường cầu Văn Thánh 2 bị nứt vỡ, uốn nếp. Cột bê tông có đoạn bị vỡ lòi cả cốt thép.

Dù đã cố gắng “gia giảm” trách nhiệm của các bên liên quan đến sự xuống cấp của công trình nhưng kết luận này cũng đã phải thừa nhận: “Việc quy định công nghệ, trình tự thi công và quan trắc, điều chỉnh giải pháp xử lý chưa được thực hiện đầy đủ trong quá trình thi công.

Tư vấn giám sát chưa thực hiện tốt nhiệm vụ khi chủ đầu tư (Cty Đầu tư xây dựng Thanh niên xung phong) quyết định thay đổi trình tự (chưa thực hiện công đoạn đắp gia tải và chờ lún sau mố cầu Văn Thánh 2 đã cho thông xe).

Ngoài ra, đơn vị thi công đã thiếu sót khi lắp đặt một số gối cố định trên 2 mố cầu Văn Thánh 2 và xây phần tường cầu dẫn tại nút giao chân cầu Sài Gòn.

“Ta” kiểm tra “mình”, liệu có hòa cả làng?

Là 1 trong 12 công trình trọng điểm của TPHCM, sự xuống cấp nhanh chóng và trầm trọng của công trình đường Nguyễn Hữu Cảnh đã gây rất nhiều bức xúc. Bức xúc hơn nữa là hình thức kiểm định chất lượng công trình mà Bộ GTVT vừa cho thực hiện.

Thiết kế kỹ thuật công trình (TKKT) và thiết kế bản vẽ thi công do Cty Tư vấn thiết kế GTVT phía Nam (TEDIS) thực hiện, tư vấn giám sát là Phân viện Khoa học công nghệ GTVT phía Nam, Tổng Cty Xây dựng công trình giao thông 6 (Cienco 6) phụ trách thi công… Tất cả các khâu đều do những đơn vị trực thuộc Bộ GTVT đảm nhận.

Khi công trình bị xuống cấp cơ quan ra quyết định thành lập đoàn kiểm tra và tiến hành giám định chất lượng công trình cũng là Bộ GTVT. Nói cách khác đó là hiện tượng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Và việc dư luận nghi ngờ vào tính xác thực của kết luận sau khi “ta” kiểm tra “mình” là hoàn toàn có cơ sở.

Trong bản kết quả kiểm tra, Bộ GTVT tuy đã chỉ rõ sai phạm của các đơn vị có liên quan trực thuộc, nhưng lại cho đó là “một rủi ro nghề nghiệp” và đã “hào phóng” dành một dung lượng khá lớn để đổ lỗi cho... ông trời là nguyên nhân làm công trình xuống cấp. Đó là do đòi hỏi thông xe cấp bách, công trình không trải qua giai đoạn đắp đất, chờ lún, công tác giải phóng mặt bằng chậm và “xôi đỗ” nhằm rút ngắn thời gian thi công, kết cấu địa chất của khu vực yếu.

Không những thế, kết luận kiểm tra còn “đổ cho” việc san nền, xây dựng nhà hai bên đường cản trở việc thoát nước, làm kéo dài thời gian lún… Chính vì thế, khi đề cập đến vấn đề xử lý tài chính, về phía các đơn vị trực thuộc, Bộ GTVT đề nghị xử lý theo hướng: TEDIS chỉ có trách nhiệm bỏ kinh phí khảo sát thiết kế sửa chữa các hư hỏng. Cienco 6 tự lo kinh phí dỡ bỏ và xây lại… bức tường phần cầu dẫn cầu vượt (không đáng kể).

Trong khi đó, những hư hỏng nghiêm trọng của các hạng mục hầm chui Văn Thánh, tình trạng đường lún gây ngập úng… tốn kém hàng chục tỷ đồng, đoàn kiểm tra Bộ GTVT kiến nghị UBND TPHCM chịu toàn bộ kinh phí khắc phục.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.