Đường sắt cao tốc : Trong ủng hộ, ngoài nghi ngờ

Đường sắt cao tốc : Trong ủng hộ, ngoài nghi ngờ
TP - Ngày 11-5, Dự án Đường sắt cao tốc Bắc Nam tiếp tục được đưa ra thảo luận. Chuyên gia trong ngành GTVT hào hứng ủng hộ nhưng ngoài ngành thì quan ngại về tính khả thi...

Đơn vị tư vấn cho biết, thời gian hoàn vốn giả định trên cơ sở vay vốn ODA từ 30 đến 35 năm cho toàn dự án. Tiến sỹ Khuất Việt Hùng-Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý GTVT nhận định: “Việc xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam là cần thiết và đây là cơ hội đưa khoa học công nghệ ngành GTVT lên tầm vóc mới. Nhật Bản xây đường sắt cao tốc năm 1964, thời điểm đó GDP của họ chỉ 895 USD/đầu người”.

Tuy nhiên, ông Hùng cũng băn khoăn về số hộ dự kiến phải giải tỏa... “Tính khả thi về tài chính thấp trong các kịch bản mặc dù doanh thu bán vé có thể bù đắp chi phí. Cần tính toán tới trường hợp đang đầu tư gặp rủi ro bị phá sản như trường hợp một Cty ở Thái Lan...”, ông Hùng nói.

Nguyên Thứ trưởng GTVT Lã Ngọc Khuê cho rằng: “Hiện nay chưa cần bàn làm như thế nào mà phải xác định rõ nên làm hay không. Không có nước nào mà sự mất cân bằng giữa đường bộ, đường sắt lại như nước ta. Lùi việc xây dựng đường bộ cao tốc để nhường cho đường sắt cao tốc”.

Theo ông Khuê, xây dựng hạ tầng giao thông chắc chắn phải ưu tiên hàng đầu của quốc gia. Người Nhật nhấn mạnh đường sắt là trung tâm của nền kinh tế.

Tổng Giám đốc Tổng Cty Đường sắt Việt Nam Nguyễn Hữu Bằng giải thích, đây mới chỉ là giai đoạn lập dự án đầu tư. Vốn vay bao nhiêu chưa thể nói được, hội thảo này chỉ bàn về việc cần thiết xây dựng đường sắt cao tốc. Thứ trưởng Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức cho biết, khi Quốc hội thông qua, triển khai dự án, vốn sẽ huy động qua nhiều kênh khác nhau.

Có vội vã?

Không lạc quan như những lãnh đạo, chuyên gia ngành GTVT, một số chuyên gia ngoài ngành tỏ ra e ngại, vốn ngân sách hạn hẹp trong khi có quá nhiều việc quan trọng cần ưu tiên làm trước, không riêng gì tập trung vào đường sắt cao tốc.

Tiến sỹ Nguyễn Quang A nói: “Tôi nghe rất sướng khi 25 năm nữa sẽ có tàu cao tốc nhưng không thể lạc quan tếu được vì tiềm lực quốc gia có hạn, trong khi có nhiều việc khác cần phải làm. Tôi cũng lưu ý tấm gương Hy Lạp còn đó khiến cả EU phải ra tay cứu. Việt Nam nếu đầu tư không tính toán kỹ, nợ đầm đìa, ai cứu. Tôi cho rằng nếu 30-40 năm mà thu hồi được vốn thì giỏi quá. Chúng ta cân nhắc nên làm cái gì trước, cái gì sau”.

Giáo sư Nguyễn Xuân Trục, Hội Cầu đường Việt Nam tuy ủng hộ chủ trương xây đường sắt cao tốc nhưng cũng lưu ý về thời điểm xây dựng, phân kỳ dự án, đánh giá khách quan hiệu quả xây dựng.

“Tư vấn phân tích hiệu quả đường sắt cao tốc thì có vẻ hơi ưu tiên, có phải mỗi đường sắt cao tốc mang lại hiệu quả đâu, còn có đường bộ cao tốc, hàng không… nữa chứ. Tôi nghi ngờ cách tính toán. Lấy đường Hồ Chí Minh làm ví dụ, trước khi làm đường, người ta cũng tính toán hiệu quả này kia, cái gì cũng tốt...”, ông Trục nói.

Tiến sỹ Phạm Sỹ Liêm, Tổng Hội Xây dựng thẳng thắn: “Tôi băn khoăn về việc nghiên cứu dự án, liệu quyết định thế có vội vã? Dự báo cứ vơ vào như thế là không khách quan. Ông nào nói đến quy hoạch của ngành mình cũng thái quá mà không để ý tới ngành bên cạnh. Tôi đề nghị Bộ Kế hoạch & Đầu tư lập bảng xếp hạng ưu tiên”.  

Theo Chiến lược phát triển GTVT đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030: Xây dựng mới các tuyến đường sắt cao tốc và đường sắt tốc độ cao; ưu tiên xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam tốc độ 350 km/h. Tuyến đường sắt cao tốc dự kiến đi qua 20 tỉnh, thành phố; khoảng 16.500 hộ dân bị ảnh hưởng. Đoàn tàu cao tốc có 8-16 toa, khai thác 6-24 giờ. Tổng mức đầu tư gần 56 tỷ USD.
MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.