Đường sắt Cát Linh - Hà Đông 'rùa bò': Bộ Giao thông đang ở đâu?

Dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông bị đội giá trên 40% và đã chậm nhiều năm.
Dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông bị đội giá trên 40% và đã chậm nhiều năm.
TP - Nhiều ý kiến cho rằng, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã quá chậm và hiện không còn vướng mắc gì nhưng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vẫn chưa đưa ra được ngày vận hành thương mại chính thức là không bình thường. Chính phủ cần can thiệp, chấn chỉnh ngay.

Các chuyên gia đường sắt đô thị đánh giá, dự án đường sắt Cát Linh -Hà Đông bị chậm vừa qua có nguyên nhân giải phóng mặt bằng (GPMB) và đội vốn. Tuy nhiên, đến nay công tác GPMB không còn vướng mắc, khoản vốn tăng thêm cũng đã được giải ngân nhưng dự án vẫn bị chậm, thậm chí bị đề xuất “điều chỉnh giai đoạn kết thúc xây dựng đưa công trình của dự án vào khai thác trong năm 2021” như văn bản Bộ GTVT mới gửi Thủ tướng, thì cần phải xem lại năng lực của tổng thầu và đại diện chủ đầu tư.

“Tôi được biết giữa năm 2017 Bộ GTVT đã báo cáo dự án đã hoàn thành được 95%, đến nay sau hơn nửa năm trôi qua vẫn báo cáo con số ấy, công trường được báo chí phản ánh là quây rào, vắng lặng… vậy tổng thầu và chủ đầu tư là đại diện Bộ GTVT đang làm gì ở đây?”, giảng viên Nguyễn Văn Tỵ, Bộ môn Đường sắt, trường Đại học GTVT đặt câu hỏi.

Theo ông Tỵ, dự án bị chậm nhiều năm và Nhà nước đang phải trả lãi cả tỷ đồng mỗi ngày nhưng vẫn chậm và tiếp tục được đề xuất kéo dài như vậy người không có lương tâm mới không xót xa, không ý thức được trách nhiệm.

TS Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia giao thông đề xuất, lãi của dự án chỉ được phép tính vào tổng mức đầu tư khi các đoàn tàu được khai thác, còn lãi phát sinh khi dự án bị chậm tiến độ thì cả tổng thầu và chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm. Đánh giá về việc dự án đã không còn vướng mắc gì nhưng chủ đầu tư vẫn chưa đưa ra được lộ trình vận hành thương mại chính thức, ông Thủy cho rằng, Bộ GTVT cần nhìn nhận lại trách nhiệm của mình, năng lực của Ban quản lý dự án đường sắt.

Để dự án được triển khai có hiệu quả, không bị chậm và phải trả những khoản lãi suất một cách vô nghĩa, các chuyên gia đề xuất Thủ tướng Chính phủ cần chỉ đạo Thanh tra Chính phủ vào cuộc. Ngoài thanh tra tổng thể quá trình thi công dự án, cần thanh tra cả năng lực của chủ đầu tư trong công tác quản lý, giám sát dự án.

“Dự án bị đội giá đến trên 40% và đã chậm nhiều năm, nay không còn vướng mắc gì nhưng tiếp tục mịt mù ngày khai thác thương mại chính thức là có vấn đề về năng lực. Để tránh dự án tiếp tục sa lầy về tiến độ, tiền Nhà nước bị phung phí một cách vô nghĩa, nếu tổng thầu và chủ đầu tư không đủ năng lực thì cần phải thanh tra để thay thế”, đại diện Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội đề nghị.

MỚI - NÓNG