Đường sắt Cát Linh-Hà Đông: Chủ đầu tư đề xuất Hà Nội tạm ứng 200 tỷ đồng

Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông.
Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông.
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 7/5, ông Nguyễn Thanh Chiêu Dương, Phó trưởng Ban chỉ đạo GPMB TP Hà Nội cho biết, dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông có tổng chiều dài 13,5km với số diện tích phải thu hồi là hơn 41 ha. 

Diện tích đất phải thu hồi nằm trên địa bàn 3 quận Đống Đa, Thanh Xuân, Hà Đông. Cho đến thời điểm này dự án đã hoàn thành GPMB được 39,5 ha (đạt 96,4%), hiện Ban đang đôn đốc các quận giải phóng tiếp, tuy nhiên gặp khó khăn do chủ đầu tư giải ngân chậm.

Để giải phóng 1,5 ha còn lại cần phải bao nhiêu tiền và người dân hiện đã đồng thuận chưa, thưa ông?

Trong 3 quận phải GPMB phục vụ dự án thì quận Thanh Xuân đã xong, còn lại quận Đống Đa, Hà Đông với tổng diện tích phải giải phóng 1,5 ha. Theo kế hoạch phân bổ vốn bước đầu, quận Hà Đông và Đống Đa được giải ngân 108 tỷ đồng cho công tác GPMB, trong đó quận Hà Đông 89 tỷ đồng, quận Đống Đa 19 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hiện chỉ quận Hà Đông rút được 39,7 tỷ đồng, số còn lại vẫn chưa thấy Cục đường sắt chuyển đủ. Theo báo cáo, quận Đống Đa còn hơn 100 hộ dân và quận Hà Đông còn hơn 30 hộ dân có công trình nhà cửa, hạ tầng trong tổng diện tích 1,5 ha phải di dời. Hầu hết các hộ dân này đã cơ bản chấp thuận chủ trương.

Theo phản ánh thiết kế của ga Thanh Xuân 3 và bến xe Hà Đông cũ khác với các ga còn lại khiến phạm vi GPMB lớn, việc di chuyển mộ chưa sang cát không thể triển khai như thông thường?

Theo khảo sát hiện ga Thanh Xuân 3 còn tồn tại 15 hộ dân, 4 tổ chức; ga bến xe Hà Đông cũ còn 23 hộ dân, 4 tổ chức chưa bàn giao mặt bằng. Nguyên nhân chính của việc này là các hộ không đồng thuận về phạm vi xây dựng và GPMB. Cụ thể, trên địa bàn Hà Đông các ga lên xuống được thiết kế mặt cắt ngang 47m, riêng ga Thanh Xuân 3 và bến xe Hà Đông được thiết kế mặt cắt ngang 56m.

Với 16 ngôi mộ chưa sang cát ở phường Phú Lương, sau khi tham khảo mô hình di chuyển nguyên trạng ở dự án nhà ga T2 sân bay Nội Bài, thời gian tới ngoài hỗ trợ thêm kinh phí cho hộ dân quận Hà Đông cũng sẽ di chuyển theo hình thức này.

Theo Bộ GTVT trong tổng số 339 triệu USD đội giá thì GPMB chậm từ phía Hà Nội chiếm 30%, ông nghĩ sao về việc này?

Theo tổng hợp kinh phí cho GPMB của các quận huyện có dự án đi qua, kinh phí dành cho GPMB thời điểm phê duyệt đến nay là không thay đổi. Tuy nhiên, công tác GPMB trải qua nhiều thời gian, công đoạn nếu có tăng kinh phí GPMB cũng do cơ chế chính sách của Nhà nước. 

Với một số ga như Cát Linh, Thanh Xuân 3, bến xe Hà Đông cũ, đường vào khu đề-pô… đến nay còn vướng mặt bằng là do chủ đầu tư bàn giao việc xác định mốc giới chậm. Cụ thể, mặt bằng khu đề-pô rộng hơn 23 ha được quận Hà Đông giải phóng xong từ năm 2010, nhưng đường dẫn vào đến cuối năm 2012 TP Hà Nội mới nhận được. 

Với ga Cát Linh, diện tích phải GPMB trong khu vực nội thành là 9.171 m2 với hơn 70 hộ bị ảnh hưởng nhưng mãi cuối năm 2013 chúng tôi mới nhận được mốc giới. Cùng với đó sự phối hợp giữa chủ đầu tư với các quận, sở ban ngành của Hà Nội chưa tốt.

Theo tiến độ cuối năm 2015 dự án phải hoàn thành, tuy nhiên hiện GPMB vẫn chưa xong và tiền chi trả cho dân cũng chưa thấy, cả chủ đầu tư và TP Hà Nội có giải pháp gì?

Để giải quyết vấn đề vốn cho dự án, cùng với báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT cũng vừa có đề xuất TP Hà Nội cho tạm ứng 200 tỷ đồng để các quận chi trả công tác GPMB. Bộ GTVT có đề xuất như vậy, chúng tôi sẽ phối kết hợp với các sở ngành liên quan báo cáo TP, cân đối nguồn vốn để đảm bảo sớm có tiền chi trả cho dân.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG