Duyên Cao Ly. Kỳ I: Các sứ thần văn nhân

TP - Cao Ly ở đây chỉ xứ Triều Tiên, phiên âm bởi từ Koryo. Triều Tiên, âm Hán là buổi sáng tươi đẹp. Đất nước có chủ quyền ở bán đảo Triều Tiên ấy lập quốc từ năm 918. Những vời vợi thăm thẳm là thế về địa lý nhưng lạ sao, Cao Ly lại luôn có duyên lành với Đại Việt?

Cái duyên đầu tiên có lẽ Cao Ly từng là đất dung thân của hoàng tử Lý Long Tường phải chạy nạn từ thời nhà Lý dạt sang hơn 700 năm trước để lại một quần thể hậu duệ xum xuê tại Bắc Hàn lẫn Nam Hàn mà truyền thông trước nay đề cập đã nhiều.

Tôi muốn nối thêm một duyên lành nữa sau thời điểm Lý Long Tường hơn trăm năm. Có một Mạc Đĩnh Chi đỗ Trạng Nguyên khoa Giáp Thìn (năm 1304) thời Trần Anh Tông khi chưa đầy 20 tuổi. Mạc Đĩnh Chi ra mắt nhưng vua Trần Anh Tông thấy tướng mạo ông xấu xí có ý không muốn cho đỗ Trạng. Ông làm bài phú Ngọc tỉnh liên (Hoa sen trong giếng ngọc) ca ngợi nét cao quý của loài sen. Vua đọc xong động lòng thuận cho đỗ Trạng nguyên. Mạc Đĩnh Chi làm quan dưới 3 triều vua Anh Tông (1293-1313), Minh Tông (1314-1328), Hiến Tông (1329-1340), từng ở hàng cực phẩm. Hai lần được cử đi sứ sang Trung Quốc,  nổi trội tài hùng biện và văn chương áp đảo triều thần nhà Nguyên, những ứng đối tài tình của ông được chép nhiều trong sách, sử Trung Hoa. Đặc biệt, ông từng được vua nhà Nguyên khen tặng là “Lưỡng quốc Trạng nguyên” sau cuộc thi tài đề thơ trên quạt với viên sứ thần Triều Tiên. Những điều ấy, chính sử nước nhà cũng đã nhiều lần rành rẽ.

Nhưng dã sử cũng luôn là thứ manh nha và đầu mối cho chính sử. Trong thời gian sang sứ Trung Quốc, Mạc Đĩnh Chi chơi rất thân với sứ thần Cao Ly. Tài năng, đức hạnh của vị sứ thần Đại Việt 36 tuổi này đã lọt vào mắt xanh của vị Chánh sứ Cao Ly khi ấy đã ngoài 60 tuổi.  Mà duyên văn khởi khi cùng thi thố thơ trên quạt đã kết họ lại thành một đôi bạn vong niên thâm giao, tương đắc.

Duyên Cao Ly. Kỳ I: Các sứ thần văn nhân ảnh 1 Chân dung Lê Quý Đôn

Gia phả tộc Mạc có chép “Trên đường về nước, nhận lời mời của sứ thần Cao Ly, Mạc Đĩnh Chi theo sứ Cao Ly ghé Bình Nhưỡng. Quý trọng tài năng và nhân cách, sứ thần Cao Ly đã gả cháu gái yêu của ngài cho sứ thần Đại Việt làm vợ thiếp. Vì nặng tình người và mến cảnh đất nước Đại Hàn, Mạc Đĩnh Chi đã lưu lại Triều Tiên sinh hạ con bên đó. Sau đó Mạc Đĩnh Chi lưu luyến giã biệt vợ con một mình lên đường trở về cố quốc”.

Gia phả một tộc họ dẫu quý nhưng lấy chi làm bằng khi có dính dáng với sử nước? Nhưng sau hơn 600 năm, mùa xuân năm 1926, tờ An Nam tạp chí số 4, ông Lê Khắc Hòe PV bản báo có thuật lại một cuộc đối thoại thú vị giữa một người bán sâm Triều Tiên. Theo miêu tả của ông Hòe, người đó trạc ngoài bốn mươi, râu ba chỏm, trán hói, thông minh xuất chúng, phong thái đĩnh đạc. Khi xe chạy đến gần Đình Dù thì hỏng máy, ông cùng với người Cao Ly vào nghỉ trong một lều tranh bên đường, đem giấy và bút chì ra bút “đàm” cùng nhau. Người đó khẳng định mình là dòng dõi của Mạc Đĩnh Chi, thi đỗ từ năm 16 tuổi, từng là cử nhân và làm quan tới chức quận trưởng. Thế nhưng, ông không thể chịu nổi cảnh áp bức của người Nhật nên ông từ quan, đi buôn sâm khắp nơi cho qua ngày đoạn tháng.

Ông ta nói rằng lần này sang Việt Nam, tìm về Hải Dương là để làm cái việc vấn tổ tầm tông!

Chuyện cũng chỉ dừng ở đó. Và sau này, cũng chả thấy biên chép, phát hiện gì thêm.

Mãi đến năm 2014, nhà nghiên cứu Thái Doàn Hiểu có dẫn ra câu chuyện của cựu Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc là Trần Trọng Toàn.

Đại sứ Toàn, vốn là chỗ quen biết đã kể cho ông Thái Doãn Hiểu chuyện có một đám cư dân gốc Việt, tự nhận là con cháu Mạc Đĩnh Chi ở Hàn Quốc, họ di dân từ Bắc Hàn vào Nam Hàn đã mấy đời.

Vị cựu Đại sứ ngỏ ra sự băn khoăn. Rằng, thật lạ, trong sử liệu Hàn Quốc không hề có một dòng nào viết về sự kiện Mạc Đĩnh Chi đến Cao Ly làm rể quý, sinh con đẻ cái và lưu lại một dòng máu Việt bên ấy, thế mà ngoài đời lại có chuyện kỳ thú như thế?

Nhà nghiên cứu người Nghệ uyên bác họ Thái ấy cũng dẫn thêm. Tại nhà thờ họ Mạc ở làng Long Động, xã Nam Tân huyện Nam Sách Hải Dương, quê hương của Mạc Đĩnh Chi cũng đang lưu lại tài liệu chứng tích của một đoàn khách Hàn Quốc năm 2012 về làm cái việc nối mạng dòng họ Mạc?

Có lẽ, phải nhường lời cho các nhà nghiên cứu và hậu duệ của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi (nếu có) đang làm cái việc vấn tổ tầm tông! Xin lại được lần tiếp trong chính sử, một duyên lành nữa của nhà bác học Lê Quý Đôn với xứ Cao Ly.

Như mọi người đã biết về Lê Quý Đôn (1726 - 1784)  người xã Diên Hà, huyện  Hưng Hà, Thái Bình danh thần triều Lê - Trịnh. Từ nhỏ, Lê Quý Đôn đã nổi tiếng thần đồng. Năm 17 tuổi, thi đỗ Giải nguyên, 26 tuổi đỗ Hội nguyên rồi vào thi Đình cũng đỗ đầu (khoa thi này không lấy Trạng nguyên nên ông chỉ là Bảng nhãn). Sau khi đỗ đại khoa, ông được bổ nhiều chức trọng, từng làm đến Thượng thư Bộ Công... Ông được coi là nhà bác học uyên thâm, tác giả nhiều bộ sách có giá trị. Đại Việt thông sử, Quần thư khảo biện, Phủ biên tạp lục, Kiến văn tiểu lục...

Một sự kiện khá đặc biệt trong cuộc đời Lê Quý Đôn là chuyến đi sứ nhà Thanh năm Canh Thìn (1760). Theo lệ thời Lê - Trịnh, như Lê Quý Đôn viết trong Lời Tựa Bắc sứ thông lục thì những người được cử đi sứ thường là những văn quan tài cao học rộng, giỏi ứng đối, độ tuổi trên dưới 50  như Trần Huy Mật, Trịnh Xuân Thụ...  Trong đoàn sứ bộ, Lê Quý Đôn mới hơn 30 tuổi. Nhờ có tài năng đặc biệt mà Lê Quý Đôn được tham gia trong chuyến đi này. Chuyến đi sứ kéo dài từ 28 tháng giêng năm Canh Thìn (1760) cho đến tận giữa mùa xuân năm Nhâm Ngọ (1762).  Lê Quý Đôn được làm Phó đoàn sứ bộ đến Bắc Kinh vào đầu tháng chạp, ở lại đây hơn hai tháng.

Nhờ có những biên khảo của Lê Quý Đôn trong Kiến văn tiểu lục và Bắc sứ thông lục… mà chúng ta bây giờ biết được khung cảnh, hoàn cảnh diễn biến cuộc gặp gỡ độc đáo của Đoàn sứ bộ Đại Việt và Đoàn sứ bộ Cao Ly tại Bắc Kinh vào chiều ba mươi Tết lân sang đêm nơi chốn đất khách quê người.  Bên vị Chánh sứ tên là Hồng Khải Hy còn có các thành viên của Đoàn sứ bộ như Triệu Vinh Tiến, Lý Huy Trung (tên phiên âm). Cuộc gặp được tổ chức ở Hồng Lô quán. Luật lệ nhà Thanh không cho sứ thần các nước đến chỗ ở riêng của nhau nên hai đoàn chỉ có thể gặp nhau vào những ngày triều hội, còn thì cho con cháu hoặc người hầu qua lại trao đổi thư từ, thơ văn và biếu quà.

Tại Hồng lô quán, trên chiếu trải dài, hai đoàn ngồi đối ẩm có thức nhắm. Vì ngôn ngữ bất đồng nhưng may những người đồng chủng ấy lại có công cụ để đồng văn nghĩa là dùng giấy bút để nói chuyện. Giờ lâu chưa dứt, tình cảm rất gắn bó. Đành phải mãn tiệc vì giờ giao thừa sắp điểm!

Sau buổi gặp ấy, hai đoàn sứ bộ luôn có thư từ qua lại, trao đổi thơ văn và biếu quà. Trần Huy Mật, Trịnh Xuân Thụ, Lê Quý Đôn đều có thơ gửi tặng sứ thần Triều Tiên. Kiến văn tiểu lục đã chép lại lời tiểu dẫn của các bài thơ phúc đáp của sứ thần Triều Tiên gửi cho Chánh Phó sứ nước ta.

  Nhân dịp này, Lê Quý Đôn đã đưa ra hai bộ sách Quần thư khảo biện, Thánh mô hiền phạm lục để các sứ giả Cao Ly xem. Không chỉ có việc thưởng lãm, Chánh sứ Hồng Khải Hy do khâm phục tài năng của Lê Quý Đôn trong kiến văn và khảo biện đã mạn phép xin được đề lời tự cho cuốn Quần thư khảo biện. Lý Huy Trung cũng đã đọc và gửi một bức thư ngắn viết đôi dòng về cuốn sách.

Xin trích ra đây ít dòng về lời tựa sách của vị Chánh sứ Cao Ly.

“Ông Lê Quế Đường, học sĩ nước An Nam, vâng mệnh đi sứ Trung Quốc. Tôi được gặp ông ở quán Hồng Lô. Ông diện mạo sáng sủa, thông thạo lễ nghĩa, vừa gặp đã biết ngay là bậc anh tài. Một hôm, ông đưa cho tôi xem sách Quần thư khảo biện do ông soạn. Bộ sách đã khảo cứu và bàn luận về sử sách các đời giống như sách quý của các bậc tiền nhân danh tiếng. Trên dưới mấy ngàn năm, cái này được cái kia mất, ai giỏi ai kém, như thế này thì yên, thế kia thì nguy, không chỗ nào là ông không xem xét suy tính đến. Chỗ thì lật ngược lại những án cũ, chỗ thì vạch ra những lời bàn sai lầm đã qua nhiều đời. Kiến thức tinh tế, lý giải diệu kỳ nổi bật trên các hàng chữ.

… Học thuật của ông thuần chính, lời văn của ông nhẹ nhàng thuận lẽ như gió lướt trên mặt nước, không chút gò bó trói buộc gì cả. Thực chỉ nếm một miếng cũng đủ thấy vị ngọn của cả nồi thức ăn rồi.”

Vẫn chưa hết “Ông là người có tâm trí sáng suốt, phân định rạch ròi, biết được những cái sâu xa từ đời xưa, chẳng trách ông tìm thấy cái lý đích thực, dùng lời không sai. Không cầu tinh mà tự nhiên tinh”.

 Sứ thần Cao Ly Lý Huy Trung cũng có đôi lời nhận xét:

“May mắn được xem bộ sách Quần thư khảo biện, tôi kính cẩn đọc hết từ đầu đến cuối. Đúng là tất thảy đều là lời hay, lý thuận được viết ra từ những suy nghĩ và nhìn nhận sáng suốt, (đáng) làm gương soi, làm mực thước cho đại thể. Nước Nam không có bậc quân tử thì sao có người tài giỏi như thế? Đáng khâm phục thay!”.

 Những ngày đương diễn ra quốc sự cuộc gặp Thượng đỉnh Việt Triều càng trân quý thêm những dòng Lê Quý Đôn viết trong Quần thư khảo biện “Nước Cao Ly về thời Đường thuộc An Đông đô hộ phủ. Đến thời Thạch Tấn, Vương Kiến mới khôi phục lại nước, bao gồm Tân La và Bách Tế vào trong bản đồ. Trải qua đời Tống, đời Nguyên đến đầu đời Minh Thái Tổ mới bị diệt. Họ Lý lên thay ngôi lấy niên hiệu cũ là Triều Tiên. Từ Đại Minh đến nay trải qua gần 900 năm, mới chỉ có hai họ thay ngôi vua, đó cũng là điều khiến Trung Quốc phải hổ thẹn. Người dân hiền lành cẩn thận, ham đọc sách, thạo văn học, trọng nghi lễ”            Có lẽ hai câu thơ hiếm hoi hơn 250 năm trước của Quế Đường tiên sinh, nhà bác học Lê Quý Đôn tặng Đoàn sứ bộ văn nhân Cao Ly như chia ở thì tương lai hanh thông của hai đất nước, hai dân tộc Triều Việt.

Tản Viên khải tự Tùng Sơn tú/ Áp Lục ưng đồng nhị thủy trường (Núi Tùng ở Cao Ly và núi Tản Viên của nước Việt cùng khoe sắc/ Sông Áp Lục cùng sông Nhị Hà (sông Hồng)  cùng nối dài).

Duyên Cao Ly. Kỳ I: Các sứ thần văn nhân ảnh 2

Tản Viên khải tự Tùng Sơn tú/ Áp Lục ưng đồng nhị thủy trường (Thơ Lê Quý Đôn, thủ bút của Xuân Ba)

MỚI - NÓNG