'Duyên' hiến máu từ ký ức về đồng đội

'Duyên' hiến máu từ ký ức về đồng đội
TP - Suốt 15 năm tham gia hiến máu tình nguyện, kể từ năm 2000, 5 thành viên trong gia đình ông Lê Đình Duật, Thanh Xuân Trung (Thanh Xuân, Hà Nội) đã hiến 108 đơn vị máu.

Không những vậy, gia đình ông còn vận động được 443 lượt người tham hiến máu để cứu giúp người bệnh. Năm 2015, gia đình ông tiếp tục nhận danh hiệu gia đình hiến máu tiêu biểu.

Gia đình hiến máu

Ông Lê Đình Duật (SN 1943) và bà Lê Thị Kim Dinh (SN 1946) dù đã ở độ tuổi ngoài 70 nhưng vẫn còn nhanh nhẹn, minh mẫn và có hàng chục năm tuổi Đảng. gặp ông trong căn phòng nhỏ tại khu tập thể Thanh Xuân Trung (Thanh Xuân, Hà Nội), nơi ông cất giữ và trân quý những kỷ niệm về hành trình hiến máu của đại gia đình. ông giở cho tôi xem quyển sổ ghi chép rất tỉ mỉ về thông tin cá nhân, nhóm máu, số lần hiến máu của hơn 400 người mà ông vận động hiến máu được trong suốt 15 năm qua.

Mở đầu câu chuyện, ông luôn nhắc đến từ “duyên” với hiến máu. Ông Duật từng là lính tên lửa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong chiến trường, ông nhiều lần chứng kiến đồng đội hy sinh vì mất máu nghiêm trọng. năm 1966, trên đường hành quân qua một trạm quân y, ông cùng với 4 đồng chí khác đã hiến máu cho các thương binh tại đây. Đó cũng là lần hiến máu đầu tiên của ông Duật. Còn với bà Dinh, đó lại là ký ức buồn về người cha quá cố, cụ hy sinh khi bị mảnh bom cắt ngang đùi, mất nhiều máu mà bệnh viện lại không đủ máu để cấp cứu. Từ đó, lúc nào ông bà cũng tâm niệm rằng sẽ hiến máu cứu người cho dù có khó khăn thế nào đi nữa.

Năm 1999, khi phong trào hiến máu tại nước ta được phát động, ông Duật tự nguyện đi hiến máu lần 2 nhưng do huyết áp thấp nên bị các bác sỹ từ chối. “Lúc ấy tôi buồn lắm, nghĩ rằng tâm nguyện của mình không thực hiện được. Nhưng tôi chợt nghĩ ra, nếu mình không thể trực tiếp hiến máu thì có thể vận động người khác đi hiến máu”, ông Duật nói. Không nản lòng, ông vận động các thành viên trong gia đình hiến máu làm gương để chứng minh một điều hiến máu không ảnh hưởng đến sức khỏe. Từ năm 2000, đầu tiên là cô con gái thứ Lê Thanh Nam tham gia hiến máu, tiếp đó là con gái cả Lê Thanh Hà, bà Lê Thị Kim Dinh và con trai út Lê Quyết Thắng.

Ông nhớ lại: “Tôi đọc báo Tiền Phong, thấy phát động ngày Chủ nhật Đỏ vào 18/1/2009, tôi liền bảo các con đi hiến máu. Lần hiến máu này đúng vào dịp sinh nhật của Lê Thanh Hà và cũng là lần hiến máu thứ 10 của cậu út Lê Quyết Thắng. Đến nay, Thắng đã hiến máu được 31 lần và Thanh Hà hiến được 15 lần”.

Đối với Lê Thanh Nam, cô tham gia hiến máu khi còn là sinh viên. Là con nhà lính và sự nhiệt tình của tuổi trẻ, khéo léo của một bí thư đoàn, cô đã kêu gọi thêm các bạn cùng trường tình nguyện đăng ký hiến máu. Đến nay, cô cũng 46 lần hiến máu.

Không chỉ các con nhiệt tình tham gia hiến máu, bà Lê Thị Kim Dinh đến nay cũng 13 lần hiến máu. Bà kể, những lần đi hiến máu, bà luôn phải khai giảm tuổi vì sợ họ thấy già không cho hiến máu, hoặc hỏi chứng minh thư thì bà nói quên ở nhà. Đến nay, 4 thành viên trong gia đình đều nằm trong danh sách 100 người hiến máu tiêu biểu đươc tôn vinh. từ 2009, gia đình ông Duật được vinh danh là gia đình hiến máu tiêu biểu.

Người mang danh “Vác tù và hàng tổng”

Nhớ lại thời gian ông và vợ mình đi vận động, thuyết phục mọi người, ông Duật không giấu được nỗi buồn. Ông kể, ông bà đến gõ cửa từng nhà trong phố để kêu gọi mọi người tham gia, dù biết đó là việc không đơn giản. “lúc đó phong trào hiến máu tình nguyện còn hạn chế, chỉ phổ biến tình trạng bán máu kiếm sống của  một số người. Có lần, người ta đến tận nhà mắng té tát: ông muốn lấy thành tích, muốn nổi tiếng, muốn báo, đài nói về gia đình mình thì tự làm lấy, đừng có rủ rê lôi kéo con cái chúng tôi. Chúng tôi không thừa máu như nhà ông”.

Họ coi ông là người “vác tù và hàng tổng”. Có người còn nói thẳng: “Máu là xương là thịt làm sao có thể cho được. đây không phải việc của ông bà, người bệnh thiếu máu đã có người nhà của họ và bệnh viện lo. Người nhẹ nhàng hơn lại bảo cần thì tôi cho 3 triệu, 5 triệu chứ cho máu thì không được”.

Ông kể, khi vận động được một số thanh niên đồng ý rồi nhưng đến ngày hiến máu, bố mẹ lại nhốt các em ở nhà hoặc giao cho con việc gì đó để lấy lý do bận. Nhưng vì cái tâm, vì người bệnh, hàng ngày ông thường dắt chiếc xe đạp đến các trường học, xóm trọ tiếp tục vận động mọi người. Sau đó, họ cũng hiểu và đồng ý tham gia, nhất là sinh viên.

Đến giờ, căn nhà nhỏ hẹp của ông là nơi họp mặt thường xuyên của các thành viên hiến máu tình nguyện. Cứ mỗi đợt hiến máu tổ chức trên địa bàn phường, gia đình ông Duật lại nhộn nhịp người đến đăng ký. Tất cả các chi phí như sữa, bánh, đều được trích ra từ đồng lương hưu ít ỏi của ông bà. Hay mỗi đợt hiến máu, hàng xóm lại thấy ông gọi xe ôm, taxi đến để đưa mọi người đi đến trung tâm hoặc bệnh viện để hiến máu.

'Duyên' hiến máu từ ký ức về đồng đội ảnh 1
MỚI - NÓNG