Duyên kỳ ngộ của những đối thủ trên không

Duyên kỳ ngộ của những đối thủ trên không
TP - Một cuộc hội ngộ của những “kẻ tử thù” một thời diễn ra cảm động. Có những vòng tay ôm lấy nhau. Có khá nhiều hoa tặng. Chụp ảnh chung cũng rất nhiều.
Duyên kỳ ngộ của những đối thủ trên không ảnh 1

Những đối thủ đã bắn rơi lẫn nhau trong chiến tranh - Từ trái qua phải: John Stiles, Nguyễn Hồng Mĩ, Steve Ritchie

Mới đây, tôi được bạn bè kéo đến Bảo tàng Quân chủng Phòng không - Không quân tham dự buổi giới thiệu cuốn hồi ký Chúng tôi và Mig-17. Tác giả cuốn sách là Thủy Hướng Dương, một cây bút nữ 38 tuổi, nguyên học sinh chuyên văn trường THPT Lê Hồng Phong, Nam Định.

Không khí khá trang trọng: có các sĩ quan cao cấp của Quân chủng Phòng không – Không quân, nhiều cựu phi công Việt Nam, trong đó có những anh hùng LLVT, rồi gia đình, bầu bạn của họ... Một cuộc gặp mặt nhộn nhịp, khách ngồi chật kín hội trường.

Thực ra, việc làm cuốn Chúng tôi và Mig-17, tôi cũng đã được biết từ khi nó còn ở giai đoạn khởi sự. Đó là vào cuối thu năm ngoái. Một hôm nhóm làm sách (gồm nhà thơ Đặng Vương Hưng; tác giả Thủy Hướng Dương; cựu phi công - Anh hùng LLVT -  Đại tá Lưu Huy Chao, nhân vật chính của cuốn sách) được Quân chủng Phòng không – Không quân chu cấp cho hẳn một chuyến xe đi vào Thanh Hóa, quê ông Lưu Huy Chao để lấy tư liệu. Khi về qua Nam Định, họ dừng xe ghé vào cơ quan thăm tôi.

Xuất thân là nông dân nghèo, trở thành phi công đã  hơn 100 lần xuất kích bay lên bầu trời chiến đấu “ngang ngửa” với không quân Mỹ như Lưu Huy Chao là rất đáng viết thành sách. Nhà thơ Đặng Vương Hưng, người tổ chức làm cuốn hồi ký này cho biết thêm:

“Cuốn sách này không chỉ viết về Lưu Huy Chao. Ta sẽ gặp trong cuốn sách này những câu chuyện kể, những kỷ niệm sâu sắc của nhiều người khác nữa. Từ anh chủ nhiệm quân y chuyên săn sóc sức khỏe cho phi công, vừa nghe thông tin có anh em ta phải nhảy dù, là vội vàng băng rừng lội suối đi tìm mấy ngày liền, đến nỗi khổ của những người vợ các phi công bị “khát yêu”.

Từ chuyện “anh cả” của những người thợ máy đã nghĩ ra cái “hăng-ga” độc đáo cho Mig-17, đến chuyện Không quân ta tự khôi phục những chiếc máy bay cường kích A-37 của Mỹ phục vụ cho chiến dịch giải phóng miền Nam. Tuy nhiên nhân vật trung tâm vẫn là Lưu Huy Chao...”.

Vâng, Lưu Huy Chao rất xứng đáng là một nhân vật trung tâm cuốn sách. Lưu Huy Chao sinh năm 1936, dân tộc Kinh, quê ở Đông Anh - Đông Sơn - Thanh Hóa. Khi được tuyên dương Anh hùng LLVT, ông đang mang quân hàm thượng úy, là Đại đội trưởng Đại đội 2, Đoàn Không quân Yên Thế.

Thành tích của Lưu Huy Chao khi được tuyên dương Anh hùng: “Trong 4 năm từ 1965 đến 1968, Lưu Huy Chao đã đánh 19 trận, bắn rơi 6 máy bay địch (gồm 2 chiếc F-4, 2 chiếc F-8, 1 chiếc F-105, 1 chiếc C47), ngoài ra anh còn chỉ huy biên đội đánh và yểm hộ cho đồng đội bắn rơi 11 chiếc khác...”.

Duyên kỳ ngộ của những đối thủ trên không ảnh 2
Trung tướng cựu phi công Mỹ Steve Ritchie (thứ 4 từ trái) trong buổi hội ngộ với những cựu phi công Việt Nam

Điều khiến tôi thích thú hơn cả là trong buổi ra mắt cuốn sách có một vị khách rất đặc biệt xuất hiện. Tôi gọi “khách đặc biệt” bởi con người này đã từng là kẻ “tử thù” của những phi công Việt Nam một thời. Đó là Trung tướng – cựu phi công Mỹ Steve Ritchie.

Ông này được người Mỹ coi là một phi công chiến đấu giỏi nhất nước Mỹ. Hồi đó, chỉ tính trong vòng mấy tháng của năm 1972, đại úy Steve Ritchie đã bắn rơi 5 chiếc máy bay của ta, trong đó có chiếc Mig-21 của phi công Đặng Ngọc Ngự (Đặng  Ngọc Ngự đã hy sinh, sau này được truy phong danh hiệu Anh hùng) và chiếc Mig-21 của phi công Nguyễn Hồng Mĩ.

Sự xuất hiện của Steve Ritchie trong buổi giới thiệu sách này, tôi xin kể chi tiết một chút:

Năm ngoái, trong một cuộc hội ngộ tại Sài Gòn, cựu phi công Việt Nam Nguyễn Hồng Mĩ gặp cựu phi công Dan Chrrey của Mỹ. Nguyễn Hồng Mĩ có kể cho Dan Chrrey nghe chuyện vào ngày 19 tháng 1 năm 1972, ông lái chiếc Mig-21 chiến đấu trên vùng trời Thanh Hóa – Nghệ An và bắn rơi một chiếc F-101 của Mỹ.

Theo chỗ ông biết thì người phi công lái chiếc phản lực ấy còn sống, có tên là John Stiles. Sau đấy, vào ngày 16 tháng 4 năm 1972, chiếc Mig-21 của Nguyễn Hồng Mĩ bị một chiếc F-4 bắn trúng. Khi máy bay bị hư, Nguyễn Hồng Mĩ đã nhảy dù xuống vùng đất thuộc tỉnh Hòa Bình. Người phi công lái chiếc F-4 ấy tên là Steve Ritchie.

Nghe nói sau đó Steve Ritchie trở thành một sĩ quan cấp tướng. Không ngờ ông Dan Chrrey lại biết rất rõ về Johh Stiles và Steve Ritchie. Sau cuộc gặp ấy, Dan Chrrey về Mỹ tìm gặp John Stiles và Steve Ritchie. Thế là viên phi công bị Nguyễn Hồng Mĩ bắn hạ cùng với viên phi công bắn hạ Nguyễn Hồng Mĩ liền có thư mời “kẻ tử thù” sang Mỹ chơi.

Tháng tư năm nay, Nguyễn Hồng Mĩ có con trai tên là Quân, làm phiên dịch thực hiện một chuyến viễn du sang bên kia bán cầu xa xôi. Tại đây ba “kẻ tử thù” đã hội ngộ khá vui vẻ. Không những thế họ còn làm được hai việc:

1- Xuất bản một cuốn sách ảnh, lời bằng tiếng Anh, có tiêu đề là Kẻ thù của tôi - bạn của tôi.

2- Nguyễn Hồng Mĩ đã thay mặt cho một số cựu phi công Việt Nam ngỏ ý mời viên Trung tướng - cựu phi công Steve Ritchie sang thăm Việt Nam. Và ông này đã vô cùng phấn khích khi nhận lời.

Trung tuần tháng 12 này Steve Ritchie đã có mặt ở Việt Nam. Steve Ritchie sang tới Hà Nội ít ngày, biết có buổi ra mắt cuốn sách viết về cựu phi công Việt Nam, ông xin được tham dự. Nguyễn Hồng Mĩ đã đi cùng với ông.

Khi được mời phát biểu, viên Trung tướng cựu phi công Mỹ nói rất hay, hấp dẫn người nghe. Steve Ritchie nói rằng, mục đích của ông sang Việt Nam chuyến này là để thăm lại cái miền đất mà chính bàn tay ông đã từng nhiều lần ấn nút cắt bom tàn phá, đồng thời ông muốn biết lễ Giáng sinh diễn ra ở Việt Nam bây giờ ra sao, và đương nhiên còn mục đích nữa rằng, ông muốn làm quen và kết bạn với nhiều người Việt Nam, trong đó có những cựu phi công...

Cuối cùng, Steve Ritchie nói, ông rất vui khi thấy Hà Nội đang mở mang, phát triển như một đại công trường. Còn gần một tuần nữa mới tới lễ Giáng sinh nhưng Hà Nội đã tràn ngập không khí của đại lễ. Những cây thông Nô-en, những bản nhạc Giáng sinh không chỉ hiện diện trong các tòa thánh mà còn thấy ở những khách sạn, siêu thị, nhà dân...

Chỗ nào có người Mỹ ở là ở đó có lá cờ Mỹ treo cạnh lá cờ Việt Nam... Và nhất là ông cảm thấy người Hà Nội nhìn mình với ánh mắt ấm áp, thân thiện... chứng tỏ rằng người Việt Nam thực sự mong muốn khép lại quá khứ, hướng đến tương lai và tình yêu cùng không khí thanh bình đang ngự trị trên đất này...

Trong số những người mà Steve Ritchie làm quen và kết thân, ngoài Nguyễn Hồng Mĩ, không thể không kể đến Lưu Huy Chao, vị Đại tá Anh hùng, nhân vật trung tâm của buổi hội ngộ hôm nay. Steve Ritchie nói đến đó, rồi bước xuống ôm hôn Lưu Huy Chao thắm thiết.

MỚI - NÓNG