Duyên nợ

Bãi biển Phú Quốc. ảnh: Hồng Vĩnh
Bãi biển Phú Quốc. ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Trong số 12 cơ quan tôi từng làm việc kể từ khi “Nam tiến” đến nay thì báo Tiền Phong là nơi tôi có “thâm niên” lâu nhất với tổng cộng 15 năm, tính từ 2002.Tôi là một phóng viên bình thường của báo, nhưng “đoạn trường” 15 năm cũng có vài chuyện để… trà dư tửu hậu.

Hơn 30 năm trước, khi còn là học sinh phổ thông Trường cấp III Hương Khê, Hà Tĩnh (1983 - 1986), tôi làm bí thư chi đoàn và tự bỏ tiền ra đặt mua một tờ Tiền Phong. Thầy cô, bạn bè trong lớp cùng đọc chung, trong xóm một số người cũng đến nhà tôi để đọc báo. Kỷ niệm khó quên nhất thời kỳ đó là bài thơ của cô sinh viên Phạm Thị Xuân Khải đăng trên Tiền Phong vào tháng 3/1986. Bài thơ gây chấn động dư luận ở giai đoạn “đêm trước của sự đổi mới”. Rất nhiều người gặp tôi mượn tờ báo để chép bài thơ, trong đó có thầy Hoàng Hữu Diện, lúc đó là Bí thư đoàn trường. Thầy tìm đến lớp gặp tôi nói: “Cho thầy mượn tờ báo chép bài thơ. Thư viện trường cũng có nhưng ai lấy mất rồi”...Rất nhiều người thuộc bài thơ này, nó nóng ra từ vỉa hè lên đến bàn nghị sự.

Về với Tiền Phong, tôi được phân công thường trú tại Kiên Giang. Tôi viết không nhiều, nhưng những bài viết của tôi thường hay… đụng chạm. Năm 2004, tôi ra Phú Quốc viết bài về tiêu cực đất đai. Ngay loạt bài đầu tiên đã gây sự chú ý. Tôi nhớ hồi đó một sạp báo đã photo hàng trăm bản để bán phục vụ nhu cầu của dân. Một vị phó giám đốc sân bay Phú Quốc khi đó gặp tôi nói: “Chỗ đồng hương tôi nói thật, báo chí làm vậy thôi, chứ đánh không lại ông chủ tịch huyện đâu. Mai mốt kéo nhau ra đảo xin lỗi người ta… Máu tự ái nổi lên, tôi “ra kèo” luôn: Nếu ông chủ tịch huyện không đi tù thì tôi bỏ nghề báo. Còn không thì ông chỉ cần đãi tôi một chầu.

Cũng phải mất đến gần 4 tháng sau, tôi mới được nhâm nhi với anh bạn đồng hương "thiếu niềm tin báo chí" nọ. Không phải chủ tịch huyện Phú Quốc bị bắt giam mà cả Phó chủ tịch cùng gần chục thuộc hạ trên đảo cũng rơi vào vòng lao lý.

Làm báo nói ngay nói thẳng dân thương nhưng một số cán bộ lại không ưa. Tôi là một trong "mấy thằng" thường trú được điểm danh ở Kiên Giang. Có lần họp Hội đồng nhân dân tỉnh, khi nghỉ giải lao, vị Phó bí thư nọ gặp tôi hồ hởi bắt tay hỏi thăm… Khi ông Bí thư đi qua tôi cũng đưa tay ra thì bị chì chiết trước sự ngỡ ngàng của các phóng viên báo bạn: "Tao không bắt tay mày. Mày diết (viết) tao hả, mày diết xong rồi còn bình luận nữa hả… Tao nói dậy mày ghi âm, rồi mày diết nữa đi"… Như quen với những việc này, tôi chỉ mỉm cười nhìn vào đôi mắt đầy tức giận của ông ấy. Cơn tức giận của vị Bí thư này đến từ trước đó, khi tôi viết bài: Dân lũ lụt chủ tịch huyện đi du lịch nước ngoài… Mãi đến mấy năm sau, vị bí thư này mới chịu nâng li 100% với tôi, bỏ lại chuyện cũ.

Tuy nhiên nhiều cán bộ cũng "cậy nhờ" báo chí để chống tiêu cực. Vào năm 2006, Anh hùng lao động Nguyễn Văn Tân - Bí thư thị xã Hà Tiên điện thoại cho biết ở địa phương đang xảy ra nhiều tiêu cực liên quan cán bộ, cần phải làm trong sạch. Tôi tham gia phanh phui vụ việc, UBKT Tỉnh ủy vào cuộc, và sau đó hàng loạt cán bộ đã bị kỷ luật. Sau vụ này Tạ Bích Loan mời tôi tham gia một chương trình "Người đương thời".

Nghề báo nhiều lúc cũng "sống trong sợ hãi", nhiều áp lực ghê gớm mà bạn phải đối mặt. Ngày 17/9/2010, báo Tiền Phong đăng bài của tôi viết về các "siêu dự án" của 2 tập đoàn đầu tư vào Kiên Giang. Báo vừa đăng xong thì "sấm chớp đùng đùng" nổi lên. Đầu tiên là Chủ tịch tỉnh Kiên Giang ông Bùi Ngọc Sương điện cho tôi nói vừa bị cái Tập đoàn tôi đăng báo "la mắng" vì dám trả lời báo Tiền Phong. Sau đó là hàng loạt số điện thoại lạ tới tấp điện "chất vấn" tôi. Ít ngày sau, Tổng biên tập Đoàn Công Huynh điện thông báo cho tôi biết tập đoàn kia đã chính thức phát đơn khiếu nại gửi nhiều cơ quan, trong đó có gửi các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị. Anh Huynh bảo tôi quay trở về Kiên Giang ngay, tập trung cao độ cho công việc để trả lời đơn khiếu nại. Vụ việc kéo dài, diễn biến phức tạp. Đến ngày 27/9/2010, báo Tiền Phong chính thức đăng đàn trả lời tập đoàn nọ, khẳng định tác giả bài báo nêu sự thật khách quan, không phải bịa đặt vu khống…

Tập đoàn này sau đó không khiếu nại gì Tiền Phong nữa. Mà quay sang kiện một tờ báo khác và tôi ra tòa (do tôi viết mấy bài cho tờ báo này) đòi bồi thường. Tòa án quận Ba Đình thụ lý đơn. Ban đầu họ đòi bồi thường hơn 3.383 tỷ đồng, nhưng nếu như vậy thì không đủ tiền án phí để đóng. Sau đó họ chuyển qua kiện hành chính. Vụ việc sau đó bị tòa ra quyết định đình chỉ vụ án vì phía tập đoàn kia "không có cơ sở".

Vụ việc nói trên cũng gây chút ít lo lắng cho tôi. Sợ nhất là "ai đó" ra tay làm bậy. Nhiều lực lượng công an thời đó cũng "hỏi thăm" tôi tại nhà riêng và mời lên trụ sở làm việc. Vợ tôi thì đặc biệt sợ hãi, lo lắng. Mãi sau này tôi mới biết cô ấy đã lén lấy một bộ hồ sơ liên quan đến tập đoàn kia photo giấu biệt tận bên nhà ngoại.

Có những chuyện vợ tôi chưa bao giờ biết, đó là chiếc nhẫn cưới đeo trên tay tôi hiện không phải là của cô ấy trao ngày cưới. Tôi đã phải bán nó trong một lần đi công tác ở vùng biên giới An Giang để sửa chiếc xe honda bị hư hỏng quá nặng. Sau chuyến công tác tôi đã vay mượn người bạn mua lại nhẫn và đeo nó cho đến tận bây giờ.

MỚI - NÓNG