Em bé bán vé số bị mẹ tưới xăng đốt muốn 'về ở với mẹ'

Em L. tại khoa bỏng tạo hình Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM. Ảnh: Quốc Ngọc
Em L. tại khoa bỏng tạo hình Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM. Ảnh: Quốc Ngọc
TP - Theo các nhà chuyên môn, thể chất đã ảnh hưởng rất lớn đến phản ứng tâm lý khác biệt này của em L. Đó là sự hồn nhiên của trẻ khi hết “đau” sẽ xuất hiện ngay sự tha thứ.

Ngày 9/9, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM có buổi trao đổi với báo chí về tình hình sức khỏe bé gái bị mẹ tưới xăng thiêu sống N.T.K.L. (12 tuổi, ngụ Bình Thuận) xảy ra ngày 24/8.

Người mẹ cũng cần được điều trị

Theo bác sĩ Hoàng Vũ Quỳnh Trang - người trực tiếp điều trị tâm lý cho bệnh nhi, phản ứng tâm lý của em L. có thể chia làm hai giai đoạn khác biệt. Khi mới nhập viện, sự đau đớn thể xác cùng cực do các vết bỏng, vết cắt lọc… đã khiến em khá cáu gắt, la lối, không muốn nói chuyện hoặc từ chối bác sĩ tâm lý. Vai trò của bác sĩ lúc này chỉ là hiện diện để nâng đỡ nỗi đau của em. “Con không muốn gặp lại mẹ nữa, đó là một lần em thổ lộ như thế trong cơn đau”, bác sĩ Trang nói.

Giai đoạn thứ hai, sau cắt lọc, các đau đớn giảm đi đáng kể, tâm lý em cải thiện đáng kể và thể hiện sự tha thứ. Em bắt đầu nói chuyện với bác sĩ và nhân viên xã hội: “Con muốn tiếp tục ở với mẹ… Vì mẹ là mẹ của con mà…”. Em còn thể hiện những mong ước khi ra viện sẽ được đi học lại (em đã bỏ học đi bán vé số từ cuối năm lớp 1), học nghề…

Bác sĩ Trang cho rằng, thể chất ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của trẻ. Diễn biến tâm lý khác biệt này thể hiện sự hồn nhiên của trẻ khi hết “đau” sẽ xuất hiện ngay sự tha thứ.

Tuy nhiên, điều mà bác sĩ Trang lo lắng nhất, chính là một em bé 12 tuổi, cha mất, mẹ ở với người khác, bị mẹ thường xuyên đánh đập, phải bỏ học đi bán vé số, và đỉnh điểm là bị chính mẹ tưới xăng đốt, liệu với một nền tảng gia đình như thế, sẽ không còn xảy ra những điều tương tự, gây những sang chấn tâm lý tiếp theo cho em? “Những lo lắng này vượt ra ngoài tầm của bệnh viện khi em xuất viện. Em có chỗ ăn chỗ ở không, có được đi học không, ai chăm sóc dạy dỗ… là những điều rất quan trọng để em thực sự phục hồi tâm lý”, bà Trang nói.

Việc về sống với mẹ, cũng theo bác sĩ Trang, rất cần cho em nhưng nhà chuyên môn cũng rất cần tiếp cận người mẹ này. “Người mẹ cũng cần được can thiệp điều trị”, bác sĩ tâm lý nói.

Nguy cơ nhiễm trùng vẫn còn

Bác sĩ Phạm Minh Triết - Trưởng khoa tâm lý - cho biết, chưa thể nói trước được điều gì nhưng sau này em L. sẽ có nhiều nguy cơ lo âu, trầm cảm, stress, bị gợi nhớ về việc đã xảy ra. Đó là cơ chế phòng vệ của trẻ. Hoặc em dễ có nguy cơ là nạn nhân của sự bạo hành trong tương lai hoặc bạo hành với người khác.

Về tình trạng bỏng của em, bác sĩ Phan Vũ Bảo - Quyền trưởng khoa phỏng tạo hình - cho biết, các vết cắt lọc mô hoại tử bình phục tốt, đau nhức giảm hẳn. Nhưng tiên lượng vẫn dè dặt, vì vẫn còn khả năng xảy ra nhiễm trùng vết bỏng, nhiễm trùng máu, đe dọa đến tính mạng. Do đó, lo lắng lớn nhất đến lúc này vẫn là khâu xử lý chống nhiễm trùng trên một ca phỏng diện tích lớn, sâu như em L.

Như đã thông tin, chiều 24/8, L. đi bán vé số tại thị trấn Chợ Lầu, huyện Bắc Bình, Bình Thuận. Khi về nộp tiền lại cho đại lý, L. bị thiếu vài trăm nghìn do em bán không hết vé số. Đại lý báo việc này cho mẹ ruột của em là Trương Kim Quy (33 tuổi). Người mẹ nổi giận đánh con gái và dùng xăng về tưới lên người L. rồi châm lửa đốt.

Tuy nhiên, điều mà bác sĩ Trang lo lắng nhất, chính là một em bé 12 tuổi, cha mất, mẹ ở với người khác, bị mẹ thường xuyên đánh đập, phải bỏ học đi bán vé số, và đỉnh điểm là bị chính mẹ tưới xăng đốt, liệu với một nền tảng gia đình như thế, sẽ không còn xảy ra những điều tương tự, gây những sang chấn tâm lý tiếp theo cho em?

MỚI - NÓNG