E - phường

E - phường
TP - Nhiều thông tin chính quyền muốn dân được biết và phải biết, nhưng bằng cách nào? Những chiếc loa công cộng cứ vang lên  khá vô duyên đã bị nhiều người phản đối nhưng dường như khó thay thế nó? Một cách làm khác, website của một phường tại Hà Nội đã trả lời phần nào câu hỏi này.

>> Diễn đàn : Loa phường, e-Phường và e-Government
>> Đà Nẵng - Loa phường và... sóng thần!
>> Người dân nói về loa phường

E - phường ảnh 1
Minh họa của Khều

Một bạn đọc người Việt hiện đang sống và làm việc ở nước ngoài vào “cổng thông tin” phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội thấy chuyên nghiệp, phong phú và cập nhật quá, thậm chí hơn hẳn nhiều trang cấp tỉnh, thành, ngành…, đã nổi hứng gọi nó là e - phường (Phường điện tử) để hàm ý liên hệ đến một e – Government (Chính phủ điện tử) mà chúng ta từng làm nhưng thất bại với Đề án 112 đình  đám “hao người, tốn của” một thời.

Vị chủ tịch UBND phường Khương Mai, thuộc thế hệ 7X, hai vị phó cũng cùng lứa tuổi trên, ở ta mà làm quan vào tuổi này hẳn vẫn được coi là trẻ chán. Chính nhờ sự trẻ trung, dám nghĩ dám làm này mà “bỗng dưng” xuất hiện một cái website cấp phường hoành tráng mang tên www.phuongkhuongmai.gov.vn.

Từ sự kiện e- phường, chợt lại nhớ cái loa phường trên cột điện hàng ngày vẫn hoạt động hăng hái hết công suất để phổ biến thông tin và thậm chí là hát cho các công dân trên địa bàn phường nghe (và cho cả người ở phường khác đang đi qua nữa).

Điều bất cập là ở chỗ, mặc cho các công dân đáng kính đang thức hay ngủ, già hay trẻ, có muốn nghe hay không, đã biết hay chưa… âm thanh vẫn cứ hồn nhiên oang oang trên cột điện.

E - phường ảnh 2

Chủ tịch phường Khương Mai Phạm Văn Hiện đang truy cập web www.phuongkhuongmai.gov.vn. Ảnh : Việt Hùng

E - phường ảnh 3 Sắp tới UBND phường sẽ thông qua Đảng ủy, rồi tiến tới thực hiện phát phiếu thăm dò ý kiến, để dân tự chọn hình thức thông tin: Loa phường hay web phường ? E - phường ảnh 4

Chủ tịch UBND phường Khương Mai Phạm Văn Hiện.

Tôi mang băn khoăn này tới trò chuyện cùng Chủ tịch phường Khương Mai Phạm Văn Hiện, anh thú thật, chính phường Khương Mai cũng vẫn có hệ thống loa phường song hành với trang web phuongkhuongmai.gov.vn. Tuy nhiên, loa của phường anh hiện phát duy nhất một lần trong ngày từ 16h30-17h00 (thứ Bảy, Chủ nhật nghỉ) và chỉ phát những thông báo thiết thực liên quan trực tiếp đến các công dân trong phường.

Song vị chủ tịch trẻ tiết lộ, sắp tới UBND phường sẽ thông qua Đảng ủy, để rồi thực hiện phát phiếu thăm dò ý kiến, để dân tự chọn hình thức thông tin: Loa phường hay e - phường ?

Vậy e - phường Khương Mai hoạt động ra sao, cơ chế thế nào mà dám có tham vọng thay hẳn cái phương tiện truyền thống là loa phường có từ thời chiến tranh ở thế kỷ trước?

Tìm hiểu mới biết rằng, hóa ra cái phường ngót nghét 2 vạn dân giữa Thủ đô này có tới trên 90% là quân nhân (cả tại ngũ lẫn nghỉ hưu), số đảng viên lên tới 5.400 người, tức là dân trí rất cao và có kỷ luật. Còn tỉ lệ số hộ có máy tính, theo ước lượng của vị Chủ tịch phường, ít nhất cũng phải lên tới 70%.

“Sắp tới sẽ có điều tra cụ thể về vấn đề này”, anh Hiện cho hay. Chỉ riêng ý tưởng điều tra về số lượng và cấu hình máy tính, đường truyền internet của vị chủ tịch phường kiêm kỹ sư công nghệ thông tin này đối với các “độc giả” của mình đủ thấy mức độ chuyên nghiệp và nghiêm túc của tác giả - Chủ tịch phường kiêm người sáng lập trang web phuongkhuongmai.gov.vn.

“Ban biên tập” trang web của phường Phương Mai có 6 người, bao gồm 1 chủ tịch và 2 phó chủ tịch phường, 2 cán bộ văn hóa thông tin (kiêm phát thanh viên loa phường) và 1 cán bộ văn phòng. Tất cả họ đều làm việc kiêm nhiệm, tự nguyện và không thù lao cho phuongkhuongmai.gov.vn.

Người duy nhất giữ trách nhiệm xuất bản mọi tin tức lên website chính là Chủ tịch phường. Anh Hiện tâm sự: “Tôi trực tiếp biên tập, thường phải làm vào ngoài giờ, mỗi ngày cũng mất tới 4-5 tiếng đấy”.

Tuần trước, ông “Tổng biên tập” Phạm Văn Hiện vừa tổ chức hẳn một hội nghị cộng tác viên trong phường với tổng cộng 25 cây bút, già có trẻ có, tất cả đều đầy nhiệt huyết muốn đóng góp tin bài không nhuận bút.

Anh Hiện cho biết, nhiệt tình nhất là các bác về hưu trong phường, Đoàn Thanh niên cũng tham gia tích cực. Chuyên mục “Trang thơ” do CLB thơ của phường phụ trách đầy tiềm năng và luôn dồi dào bài vở, hiện CLB đã có tới trên 500 bài thơ chờ xuất bản.

Lướt qua hệ thống chuyên mục của phuongkhuongmai.gov.vn, thấy bóng dáng của một e- Phường khá rõ, với đầy đủ thông tin của các bộ phận phục vụ dân cấp phường, từ “Chính quyền phường” cho tới các mặt trận đoàn thể như MTTQ, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ…; từ Y tế (chuyên mục sức khỏe cộng đồng) tới  Giáo dục (chuyên mục trường THPT Khương Mai).

Đặc biệt thấy xuất hiện nhiều chuyên mục tương tác với công dân phường được đặt trang trọng và dễ thấy ngay trên trang chủ, từ “Tin nóng phường”,  “Diễn đàn tổ dân phố” cho tới “Ý kiến gửi HĐND và UBND phường”, “Bạn hỏi, cơ quan chức năng trả lời” – chuyên mục này thấy có những vấn đề thiết thực như: Quản lý đô thị, hộ tịch hộ khẩu, danh mục 51 thủ tục do cấp phường giải quyết…

Chuyên mục “người tốt việc tốt” trong phường cũng khá sinh động, chưa kể những tin tức trong nước và quốc tế quan trọng đều được web phường cập nhật liên tục trong ngày.

Vị Chủ tịch phường cho biết, chính anh là người nhận và trả lời trực tiếp các ý kiến của công dân phường gửi qua website. Như vậy bằng công cụ này, chuyện gặp ông Chủ tịch phường để thắc mắc, kiến nghị hay giãi bày bức xúc, mâu thuẫn tại khu dân cư sẽ trở nên vô cùng đơn giản.

Trong câu chuyện với tôi, ông chủ tịch phường 7X kiêm “Tổng biên tập” web phường rất tâm đắc với các công cụ tương tác này, nếu tổ chức tốt sẽ tăng cường được tính công khai, dân chủ, gần dân và đặc biệt là công tác đại đoàn kết, an dân trong địa hạt mình quản lý.

Hai vạn dân chứ đâu có ít, thử hỏi trong các phường ở Thủ đô, có bao nhiêu phần trăm công dân từng hân hạnh biết mặt vị Chủ tịch của phường mình, nói gì tới chuyện gặp trực tiếp để góp ý, đóng góp này nọ cho sự tiến bộ, văn minh trong khu dân cư.

Thế nên, một cú nhấp chuột trong thời buổi khi internet đã hiện diện khắp mọi ngõ ngách của Hà thành, để công dân được trao đổi với vị chủ tịch phường nơi mình ở những điều tưởng chừng như nhỏ nhặt nhưng lại rất thiết thực và đôi khi là rất bức xúc, lại là điều vô cùng đắc dụng.

Cũng còn nhiều điều khó khăn mà chủ tịch phường 7X Phạm Văn Hiện trăn trở, ví như cơ chế chính sách nào cho cái e- phường mà anh là người sáng lập, kinh phí ở đâu để chi trả cho những người chuyên trách sau này, quảng bá nó thế nào để mọi công dân phường đều biết mỗi khi thấy cần thiết…

Anh chia sẻ “có cái muốn làm ngay cũng không làm được, cũng còn bất cập lắm, nhiều lúc cũng thương anh em, lương có sáu, bảy trăm ngàn một tháng làm sao yên tâm cống hiến…”. Tôi hiểu, ý anh muốn nói tới chính sách, cơ chế rồi cán bộ, con người cho bộ máy cấp phường hiện tại.

Cái e-phường Khương Mai đến nay vẫn chưa tốn một xu từ ngân sách nhà nước (bản thân phường cũng chưa phải chi đồng nào, trừ khoản thuê máy chủ, tên miền đâu vài trăm ngàn mỗi năm), tất cả đều do sự nhiệt huyết, lao động tình nguyện của mọi người từ chủ tịch phường cho tới các cộng tác viên.

Chợt nghĩ đến cái đề án 112 to tát với e – Government cả ngàn tỉ chưa thành mà ngộ ra rằng, phàm sự việc xuất phát từ nhu cầu thực tiễn sinh động, từ cái tâm bao giờ cũng đúng đắn và dễ thành công hơn những ý tưởng duy ý chí và nhất là khi người thực hiện lại thiếu cái tâm.

Hy vọng, ngân sách nhà nước cho e- Government sắp tới hãy để ý tới câu chuyện đáng cổ vũ của vị chủ tịch phường và e- phường này. 

Loa phường các kiểu ở Hà Nội - Ảnh : Phạm Yên

E - phường ảnh 5
Ở ngõ Lương Sử C.
E - phường ảnh 6
Trên đường Trần Quý Cáp
E - phường ảnh 7
Trên đường Nguyễn Khuyến
E - phường ảnh 8
Góc phố Hai Bà Trưng
E - phường ảnh 9
Trên đường Phan Bội Châu

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG