Èo uột y tế biển đảo

Èo uột y tế biển đảo
TP - Tỉ lệ các thành viên trong một gia đình sống trên huyện đảo có ít nhất một bệnh là hơn 70%, theo số liệu Bộ Y tế vừa công bố. Trong khi đó, dịch vụ y tế ở các huyện đảo vừa thiếu vừa yếu.

> Lập Ban chỉ đạo quốc gia về y tế biển, đảo
> 8.200 tỷ đồng phát triển y tế biển đảo

Một quân nhân bị bệnh khi đang làm nhiệm vụ ở biển được đưa vào cấp cứu ở Bệnh viện 175 tại TPHCM. ảnh: L.N
Một quân nhân bị bệnh khi đang làm nhiệm vụ ở biển được đưa vào cấp cứu ở Bệnh viện 175 tại TPHCM. ảnh: L.N.

Đề án phát triển y tế biển đảo đến năm 2020 (vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với kinh phí 8.200 tỷ đồng) được hy vọng sẽ tạo bước đột phá về chăm sóc sức khỏe cho dân ở 151 quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc 28 tỉnh thành.

Bệnh nhiều

Hơn 130.000 tàu cá đang hoạt động trên biển với số ngư dân làm việc trực tiếp trên tàu là hơn 700.000, trong đó có 350.000 người trên tàu cá khai thác hải sản xa bờ. Thuốc men, phương tiện cấp cứu, chữa bệnh cho ngư dân vẫn còn thiếu.

TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết, theo thống kê của Bộ Y tế, bệnh tật liên quan nghề nghiệp đặc thù của vùng biển, đảo thường gặp ở nhóm người dân đánh bắt hải sản xa bờ, dân làm nghề lặn khai thác thủy, hải sản, thủy thủ tàu vận tải, người lao động trên các giàn khoan, nuôi trồng thủy, hải sản ven bờ… “Một số bệnh tật phổ biến ở cư dân vùng biển, đảo là hội chứng rối loạn chuyển hóa, chiếm 80%, bệnh tim mạch, bệnh rối loạn hành vi và tâm thần, rối loạn thần kinh chức năng, cơ xương khớp, hô hấp, ngoài da ”, ông nói.

Nghiên cứu sức khỏe và cơ cấu bệnh tật nhóm lao động ngành dầu khí cho thấy nguy cơ chấn thương đụng giập và cháy nổ cao với tần suất tai nạn trung bình là 2,4%; nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp liên quan rung, bụi và tiếng ồn cũng cao.

Thủy thủ, ngư dân có tỉ lệ mắc bệnh răng miệng chiếm gần 48%, cao hơn so với nhóm lao động trên đất liền. Nhiều loại bệnh tăng cao ở nhóm dân vùng biển, đi biển, nhưng hệ thống y tế biển đảo còn khiêm tốn.

Kết quả điều tra năm 2012 đối với tàu cá đánh bắt dài ngày trên biển cho thấy, gần 19% người dân trả lời trên tàu của họ không có một loại thuốc nào, 24-49% ngư dân cho biết chỉ có các loại thuốc cảm cúm, tiêu chảy và kháng sinh thông thường, số còn lại hầu như không quan tâm sức khỏe.

Trong khi người dân gặp nhiều bệnh tật khi bám biển, số liệu điều tra năm 2012 của Viện Chiến lược và Chính sách Y tế của Bộ Y tế chỉ ra, chỉ có 46,7% số trạm y tế xã đảo có bác sĩ.

Thiếu đủ thứ

Theo TS Nguyễn Hoàng Long, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế), hệ thống y tế của các bộ, ngành có hoạt động kinh tế trên biển chưa đáp ứng được việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người lao động và thực hiện những quy định quốc gia, quốc tế. “Việc liên kết các lực lượng y tế trên biển, đảo của các địa phương chưa toàn diện”, ông nói.

Thực tế cho thấy, ngành thủy sản đang quản lý trên 126.000 tàu thuyền đánh bắt hải sản, nhiều nhà máy, xưởng chế biến thủy hải sản, nhưng không có một đơn vị y tế nào thuộc Bộ NN&PTNT được đặt ở các địa phương ven biển hoặc hải đảo.

Hơn 80% tổng số gia đình ở khu vực biển, đảo cần tiếp cận các dịch vụ khám chữa bệnh, trong đó có cả dịch vụ y tế chất lượng cao. Nhưng hiện vẫn còn 31% người dân gặp khó khăn trong việc tiếp cận cơ sở y tế do thiếu trang thiết bị, chi phí đi lại quá đắt... Trong khi đó, 33% cán bộ y tế vùng biển đảo thiếu kiến thức xử trí cấp cứu trên biển, xử lý các trường hợp ngộ độc hải sản, bị động vật nguy hiểm đốt…

“Ngư dân đánh bắt hải sản trên biển khi gặp chuyện phải cấp cứu chủ yếu cầu cứu sự trợ giúp của tàu bạn”, một bác sĩ của tỉnh Khánh Hòa nói và cho biết nếu gặp trường hợp nặng hơn, ngư dân chỉ còn cách đến các đảo gần nhất để được cứu chữa hoặc quay vào bờ.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, mục tiêu của đề án là đến năm 2020 sẽ có 80% trạm y tế xã đảo đạt tiêu chí quốc gia về y tế biển đảo, đầu tư 4 trung tâm cấp cứu, vận chuyển cấp cứu trên biển; 6 bệnh viện có trung tâm thu nhận và điều trị bệnh đặc thù vùng biển, đảo và 4 tàu bệnh viện làm nhiệm vụ cấp cứu trên biển. Ngoài ra, 100% trung tâm y tế huyện đảo có đủ năng lực triển khai các hoạt động phòng chống dịch và tiêm chủng mở rộng, 100% tàu biển của các ngành kinh tế biển thực hiện đầy đủ quy định quốc tế về bảo đảm y tế biển…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG