Nhiều hộ phải đóng đến 30 triệu đồng

Ép dân góp tiền xây hè phố

Ép dân góp tiền xây hè phố
TP - Để có đủ cơ sở vật chất hạ tầng theo tiêu chuẩn công nhận đô thị loại III vào ngày 26/10/2008, UBND và HĐND TX Sơn La (nay là TP Sơn La) yêu cầu dân đóng số tiền tự nguyện đóng góp hàng chục triệu đồng/hộ để xây dựng hè phố…

Ngày 7/8/2008, trước khi có nghị định của Chính phủ thành lập TP Sơn La (ngày 3/9/2008), UBND TP Sơn La có thông báo đến các phường, xã trực thuộc để phổ biến từng hộ dân các mức đóng góp xây hè phố.

Theo đó, các tổ chức kinh tế có vị trí mặt tiền ở bốn tuyến phố Lò Văn Giá, Chu Văn Thịnh, Tô Hiệu, Trường Chinh và Điện Biên sẽ phải đóng góp với mức 200.000đ/m2 hè phố.

Cũng ở vị trí tương tự nhưng là các hộ kinh doanh nhỏ hoặc không kinh doanh có mức đóng góp 80.000đ/m2.

Nếu là tổ chức kinh tế khác, UBND TP Sơn La đưa ra mức thu một triệu đồng/đơn vị.

Ép dân góp tiền xây hè phố ảnh 1
Những đoạn hè phố đang thi công ở TP Sơn La bằng tiền đóng góp của dân

Các hộ không giáp hè phố thậm chí ở sâu trong hẻm cũng phải nộp 20.000-50.000đ/hộ. Đúng theo mức thu trên, nhiều hộ dân sẽ phải đóng số tiền lên tới 30 triệu đồng.

“Chuyện chưa từng thấy”

GS.TS Nguyễn Mạnh Kiểm, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam khá bất ngờ: “Đó là chuyện chưa từng thấy xưa nay.

Chủ trương phân cấp cho quận- huyện, xã - phường có quyền huy động mọi nguồn lực để xây dựng các công trình công cộng là một chủ trương đúng.

Tuy nhiên, khi vận hành chủ trương ấy, nhiều nơi lợi dụng để thu tiền của dân không đúng, thậm chí sai pháp luật.

Hộ chị Nguyễn Thị Hường, chủ doanh nghiệp Hà Hường (đường Tô Hiệu, TP Sơn La) có chiều dài vỉa hè là 55,5m, rộng 2,8m.

Chị Hường bất ngờ khi nhận được thông báo phải nộp 31 triệu đồng (mức 200.000đ/m2).

“Mất nhiều tháng kinh doanh chúng tôi cũng không kiếm nổi” - Chị Hường hoang mang.

Chị Nguyễn Thị Mai, chủ hộ kinh doanh hàng điện tử (đường Trường Chinh) có diện tích hè phố là 30m (dài)  x 3m (rộng) x  200.000đ/m sẽ phải đóng số tiền lên đến 18 triệu đồng. Theo chị Mai, đây là khoản thu “ quá vô lý”.

Một hộ dân bán cơm bình dân ở đường Tô Hiệu than: “Nhà có 18m2 vỉa hè (chiều dài 6 m rộng 3 m) mà chỉ buôn bán nhỏ, giờ phải đóng số tiền gần 1,5 triệu đồng (mức 80.000đ/m2) thì không biết đào đâu ra”…

Nhiều hộ dân TP Sơn La đã không nộp và liên tục kiến nghị tại các tổ dân phố và UBND các phường xã từ nhiều ngày nay. Một cựu cán bộ Tỉnh ủy Sơn La có nhà ở đường Tô Hiệu nói: “Xây dựng hè phố là xây dựng công trình công cộng mà thu của dân với mức lớn như thế thì thật làm khó cho dân nghèo”.

Theo điều tra của Tiền Phong tại các phường Chiềng Lề, Quyết Thắng, Tô Hiệu, đã thu hàng trăm triệu đồng của các hộ dân. Riêng tại Chiềng Lề, ông Kiều Đức Đoan, Bí thư Đảng ủy phường cho biết đã thu của dân trên 300 triệu đồng.

Sai thẩm quyền, trái pháp luật

Sở Tư pháp Sơn La vào cuộc và có những kết luận chính thức và gửi kết luận đến UBND tỉnh Sơn La, UBND TP Sơn La. Theo ông Thào Sĩ Di, Giám đốc Sở Tư pháp Sơn La, việc thu tiền xây dựng hè phố của UBND TP Sơn La là hoàn toàn trái pháp luật cũng như sai thẩm quyền quy định.

Lãng phí hàng chục tỷ đồng

Để chuẩn bị lễ đón nhận công bố chính thức lên TP Sơn La vào ngày 26/10, UBND TP Sơn La chi hàng chục tỷ đồng vào việc trang trí các đường phố và đón tiếp khách mời.

Chỉ tính riêng bốn cột hoa ở bốn ngã ba, ngã tư các tuyến đường như Tô Hiệu, Chu Văn Thịnh… UBND TP Sơn La chi trên hai tỷ đồng.

UBND TP Sơn La cũng chi trên ba tỷ đồng để xây dựng 10 cụm pano lớn nhỏ chào mừng ở nhiều địa điểm, chi gần hai tỷ đồng tổ chức các chương trình văn nghệ chào mừng, 500 triệu đồng tiền điện trang trí…

Ông Lường An, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La thẳng thắn: “Dân TP Sơn La còn nghèo, việc chi tiền như thế là lãng phí sức dân”.

Ông Di cho biết : “Đối với các khoản huy động đóng góp tự nguyện để xây dựng hạ tầng cơ sở hay huy động đóng góp mang tính chất xã hội thì phải là tự nguyện. Mặt khác, HĐND và UBND các cấp không được ra các văn bản bắt buộc dân đóng góp cũng như giao chỉ tiêu cho cấp dưới”.

Vẫn theo ông Di, việc xây dựng hè phố không thuộc trách nhiệm của UBND TP Sơn La mà thuộc trách nhiệm của Sở Xây dựng; dân không phải đóng góp mà nguồn vốn sẽ lấy từ ngân sách.

“Khi tổ chức thu tiền xây dựng hè phố, UBND TP Sơn La không hề hỏi qua ý kiến của Sở Tư pháp vì vậy UBND TP Sơn La phải chịu trách nhiệm về việc thu sai của mình”.

“Ngày 10/9/2008, Sở Tư pháp gửi thông báo về việc thu sai về UBND TP Sơn La để địa phương này tự xử lí trong 30 ngày nhưng đến nay UBND TP Sơn La vẫn chưa báo cáo về tỉnh”- Ông Di nói. Được biết, mặc dù có ý kiến của Sở Tư pháp Sơn La nhưng UBND TP Sơn La vẫn tiến hành thu tiền của dân.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Điệp, Chủ tịch UBND TP Sơn La lại cho rằng: “Việc UBND TP Sơn La thu tiền của dân không lạ vì nhiều địa phương trên cả nước vẫn đang áp dụng và nhân dân TP Sơn La vẫn đồng tình đó thôi.

Hơn nữa UBND TP Sơn La đưa ra các mức thu phí với từng hộ dân đóng góp là cái ngưỡng để phấn đấu. Vốn ngân sách nhà nước để xây dựng hè phố chỉ có 40% trong tổng số trên 25 tỷ đồng. Nếu không huy động dân đóng góp thì không xong”.

Ông Lường An, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cũng khẳng định  TP Sơn La vận động nhân dân tự nguyện đóng góp thì dân đóng bằng nào cũng tốt rồi. Nhưng quy định mức thu là hoàn toàn sai. “UBND TP làm sai thì phải sửa. Nơi nào dân đã nộp thì phải trả lại tiền cho dân”, ông An nói.

“Đây là một vấn đề nhạy cảm mà tôi trả lời lại đưa lên báo thế này thì không hay. Trong lúc TP Sơn La đang chuẩn bị làm lễ chính thức lên đô thị loại III thì những thông tin “nhằm làm rõ nhau” như thế này thì không nên đưa lên báo. Nếu đưa, nên đưa tin một chiều thôi”- Trích băng ghi âm ông Nguyễn Hoàng Điệp, Chủ tịch UBND TP Sơn La khi trao đổi với Tiền Phong về việc thu tiền hàng tỷ đồng của dân xây hè phố.
MỚI - NÓNG