EVN có thật sự cận kề nguy hiểm?

Hai năm gần đây EVN luôn có lãi hàng nghìn tỷ đồng/năm (Ảnh minh họa Nhà máy Thủy điện Đa Nhim). Ảnh: Hồng Vĩnh
Hai năm gần đây EVN luôn có lãi hàng nghìn tỷ đồng/năm (Ảnh minh họa Nhà máy Thủy điện Đa Nhim). Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Trao đổi với báo chí mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, nếu Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) không được tăng giá điện sẽ đối mặt nguy cơ thiếu vốn và nếu cứ tiếp tục với mức giá này sẽ không thể chịu đựng được lâu dài, thậm chí phá sản. Thực tế tình hình tài chính của EVN có bi đát như vậy?

Bài 1: Tăng giá điện, lối thoát cứu EVN khỏi phá sản?

Câu chuyện thiếu vốn đầu tư của EVN dường như không mới khi nhiều năm qua, đơn vị này liên tục nhắc đến vấn đề đau đầu trên tại nhiều diễn đàn khác nhau.

Khó chấp nhận điện bán dưới giá thành


Thông tin “giật mình” được ông Đỗ Thắng Hải cung cấp cho báo chí mới đây lột tả bức tranh tài chính hoàn toàn khác về tập đoàn này. Và nếu đúng như những gì lãnh đạo Bộ Công Thương cung cấp, EVN đang đối mặt với mối nguy hiểm cùng cực.

Theo ông Hải, hiện Ban điều hành kinh tế vĩ mô đã đưa ra 3 phương án tăng giá điện nhưng việc quyết định như thế nào vẫn cần tính toán thêm. Theo đó, phương án điều chỉnh cần căn cứ vào sức chịu đựng của nền kinh tế. Hiện, với tình trạng nợ nần như hiện nay của EVN mà giá điện bán lẻ vẫn dưới mức giá thành thì ngành điện sẽ không thể chịu đựng được lâu dài, thậm chí EVN có thể bị phá sản. 

Tuy nhiên, nếu chiếu theo báo cáo của EVN, tính đến thời điểm hiện tại, tập đoàn này chỉ còn “treo” hơn 8.800 tỷ đồng lỗ từ các năm trước. Cộng với khoảng 8.000 tỷ đồng chi phí phát sinh chưa được tính đầy đủ trong giá điện năm 2014, tổng mức lỗ vào khoảng hơn 16.000 tỷ đồng. 

Về giải pháp, lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, một trong những giải pháp giúp ngành điện bớt khó chính là cho phép tăng giá điện. Lý do khác được đưa ra là do giá điện Việt Nam vẫn thấp hơn so với nhiều nước. “Vậy tại sao bình quân thu nhập thấp mà sử dụng lại lớn?

Nếu ít tiền thì phải dùng điện ít đi chứ, tại sao lại dùng nhiều như vậy? Nghèo nghĩa là người ta chỉ dùng 2-3 cái bóng điện, cùng nữa là thêm cái tivi chứ dùng máy giặt, điều hòa, tủ lạnh… thì không thể gọi là nghèo được. Tăng một chút lại kêu thì ngành điện không bao giờ phát triển được, còn doanh nghiệp cứ phải bán điện dưới giá thành thì không thể đảm bảo lâu dài” - Thứ trưởng Bộ Công Thương nói.

Cũng theo đại diện Bộ Công Thương, khi giá điện được thực hiện đúng theo cơ chế thị trường, người dân cần có phương án sử dụng điện tiết kiệm, biết “liệu cơm gắp mắm” trong tiêu dùng mặt hàng này. Hiện các tổ chức quốc tế đều đồng ý và kêu gọi Việt Nam nâng giá điện. Cần phải đưa giá điện tiến tới thị trường nhằm thu hút nhiều nhà đầu tư, tăng sức cạnh tranh cho ngành. “Cứ giá điện dưới giá thành thì không thể chấp nhận. Nếu thế này mãi thì sẽ chỉ lỗ mãi một doanh nghiệp mà thôi. Trong lúc giá điện thấp, nhu cầu người dân về sử dụng điện cao, EVN phải nhập thêm điện từ nước ngoài, trong đó có Trung Quốc. Cuối cùng nhà nước phải bù lỗ cho điện. Mà nếu không cẩn thận thì thành ra lại hỗ trợ cho chính nước ngoài”, ông Hải nói.

Lỗ vì... giá điện?

Trong khi Bộ Công Thương lo lắng về tình hình sức khỏe của ngành điện, theo số liệu được đích thân lãnh đạo EVN cung cấp, tình hình của tập đoàn này không đến mức quá khó khăn. Thông tin chính thức tại hội nghị tổng kết nhiệm vụ năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015, lãnh đạo EVN cho biết, giá bán điện bình quân trong năm qua của toàn EVN ước đạt 1.529 đồng/kWh, tăng 30 đồng/kWh so với năm 2013.

Doanh thu bán điện của toàn tập đoàn năm 2014 ước đạt hơn 196.000 tỷ đồng, tăng 13,57%. Trong năm qua, các nhà máy thủy điện miền Trung có sản lượng khai thác thấp do khô hạn nhưng các nhà máy thủy điện còn lại đều khai thác đạt hiệu quả cao về công suất và sản lượng với trên 60 tỷ kWh. Sản lượng điện phát bằng dầu chỉ huy động bằng 38% kế hoạch. 

Trong năm, tập đoàn đã đầu tư hơn 125.453 tỷ đồng cho công tác xây dựng các nhà máy, lưới điện... Đặc biệt, số tiền trả nợ gốc, lãi vay cũng được tập đoàn “xử lý” với số lượng khá lớn, hơn 30.362 tỷ đồng. Việc thu xếp vốn cho các dự án cũng khả quan, thuận lợi hơn nhiều. Các số liệu của EVN cho thấy, năm 2014, tổng nguồn vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi và vay thương mại nước ngoài cho các dự án điện đã được cam kết đạt 4,73 tỷ USD. Trong đó, giá trị ký kết đạt 3,1 tỷ USD (vốn ODA, ưu đãi 1,61 tỷ USD, vay thương mại, tín dụng xuất khẩu đạt 1,49 tỷ USD. Đại diện ngành điện cũng cho biết, năm 2015 được kỳ vọng là năm “thuận lợi” với tổng số tiền rót đầu tư các dự án điện khoảng 127.533 tỷ đồng. Tập đoàn sẽ thu xếp trả nợ gốc và lãi vay khoảng 30.873 tỷ đồng. 

Nhìn vào bảng cơ cấu thu chi và tốc độ thoái vốn đầu tư ngoài ngành của ngành điện trong thời gian qua, nhiều chỉ số cho thấy, tình hình sức khỏe của EVN không đến mức “tăm tối” như phản ánh của đại diện Bộ Công Thương. Ngay trong các cuộc trao đổi với PV Tiền Phong gần đây, Phó Tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri cũng xác nhận trong hai năm trở lại đây, ngành điện luôn có lãi.

Dù không công bố cụ thể nhưng qua việc EVN trả nợ dần mỗi năm cũng cho thấy mức lợi nhuận ngành điện đạt được vài nghìn tỷ/năm. Còn theo các số liệu trong báo cáo tài chính của ngành điện, trong hai năm trở lại đây, đạt mức lãi gần 5.000 tỷ đồng/năm không phải việc quá khó. “Hiện toàn bộ lỗ sản xuất kinh doanh của ngành điện đến nay đã được bù hết. Năm 2014, EVN có lãi nhưng nếu đưa toàn bộ các chi phí vào thì sẽ bị lỗ ngay”, ông Tri cho biết.

Một chuyên gia trong ngành thẳng thắn: Nói điện bị bán dưới giá thành là không đúng. Nếu bán dưới giá thành vậy mỗi năm EVN lấy tiền từ đâu mà lại có lãi hàng nghìn tỷ đồng để trích trả nợ?

(Còn nữa)
MỚI - NÓNG