FRD: Các Cty hóa chất không thể trốn tránh trách nhiệm

FRD: Các Cty hóa chất không thể trốn tránh trách nhiệm
Bà Susan Hammond - Phó giám đốc Quỹ Hoà giải và Phát triển (FRD) đã hoạt động trong suốt 20 năm qua nhằm giúp tăng cường sự hiểu biết và hoà giải giữa nhân dân Mỹ với nhân dân Việt Nam, Campuchia, Lào và Cuba, đã khẳng định như vậy.

Trong hơn 10 năm qua, bà Susan đã sống và làm việc tại Việt Nam, Campuchia và Lào.

Bà nói: "Theo quan điểm của tôi, các Cty hóa chất không thể trốn tránh trách nhiệm sau những lập luận họ được Chính phủ Mỹ đặt hàng sản xuất các chất khai quang này và rằng họ chỉ biết sản xuất ra các chất da cam, chất xanh, chất hồng..., chứ họ không sản xuất đioxin. Nhưng vì họ biết sự nguy hiểm của điôxin và họ đã không làm gì để ngăn chặn việc sản xuất hay sử dụng nó, nên họ đã không làm tròn bổn phận của mình". 

Bà có bình luận gì về phiên tòa tranh tụng ngày 28/2 và phán quyết của thẩm phán Jack B. Weinstein?

Tôi tin rằng các luật sư đại diện cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đã giải thích rõ ràng lý do vụ kiện này cần phải được tiếp tục. Đây là phiên mở đầu của một vụ kiện liên quan tới nhiều vấn đề phức tạp của luật pháp quốc tế, vượt ra ngoài câu hỏi liệu các Cty Mỹ có chịu trách nhiệm đối với những ảnh hưởng nghiêm trọng của chất độc da cam và các hóa chất khai quang khác được sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.

Trong quá trình tranh tụng, thẩm phán Weinstein đã chăm chú lắng nghe các lý lẽ của các luật sư hai phía và hỏi nhiều câu hỏi. Điều đó chứng tỏ ông muốn có đầy đủ thông tin trước khi chính thức ra quyết định.

Tôi cho rằng thẩm phán Weinstein sẽ ra phán quyết ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Nếu ông làm như vậy, các Cty hóa chất Mỹ có thể kháng cáo lên tòa cấp cao hơn và vụ kiện này sẽ kéo dài. Nếu thẩm phán Weinstein ra phán quyết ủng hộ các Cty hóa chất Mỹ, các luật sự đại diện cho phía Việt Nam cũng sẽ có cơ hội kháng cáo, do đó vụ kiện cũng sẽ kéo dài.

Hiện nay, chúng tôi đang kêu gọi người dân Mỹ không chờ phán quyết của tòa án mà cần hành động ngay để giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Các gia đình đang chăm sóc những người thân của họ bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam không thể chờ đợi phán quyết của tòa án mà họ cần sự giúp đỡ ngay từ lúc này.

Họ cần sự giúp đỡ về mặt tinh thần của người dân trên khắp thế giới. Hãy để họ biết rằng có những người đang quan tâm đến họ, đang lắng nghe những câu chuyện về họ và muốn giúp đỡ họ.

Chúng tôi cũng muốn mọi người hiểu rằng họ có thể giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam một cách thiết thực thông qua việc đóng góp tài chính cho các tổ chức đang làm việc vì các nạn nhân chất độc da cam như Tổ chức Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Nạn nhân Chất độc Da cam Việt Nam và các làng hữu nghị trên khắp đất nước Việt Nam.

Xin bà cho biết về hoạt động ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam của Quỹ Hòa giải và Phát triển (FRD)?

Quỹ Hòa giải và Phát triển đã hoạt động trong 20 năm qua để thúc đẩy sự hòa giải và hiểu biết giữa hai dân tộc Mỹ - Việt. Chúng tôi cũng đang gắng sức khắc phục hậu quả của cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, cụ thể là chất độc da cam và mìn sát thương.

Ở Mỹ, chúng tôi tìm cách nâng cao nhận thức của người dân về tác động lâu dài đối với sức khỏe và môi trường của chất độc da cam cũng như những hóa chất khác đã được sử dụng trong cuộc chiến tranh thông qua việc tổ chức các cuộc hội thảo, những buổi chiếu phim và các chuyến du lịch nói chuyện về lịch sử, trong đó có các bài giảng của GS Phi Phi ở Mỹ tuần qua.

Chúng tôi đã phối hợp và quyên góp tiền cho các các tổ chức đang tìm cách đáp ứng mong mỏi của những nạn nhân bị ảnh hưởng bởi Chất độc Da cam, như Hiệp hội các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (VAVA) và Quỹ Nạn nhân Chất độc Da cam của Tổ chức Chữ thập Đỏ Việt Nam.

Ở Việt Nam, FRD là nhà điều phối của tổ chức phi chính phủ mang tên Nhóm làm việc chất độc da cam. Hiện nay, chúng tôi đang hợp tác cùng Diane Fox - Nhà dân tộc học đã tiến hành nghiên cứu về tác động của chất độc da cam ở Việt Nam - để lập ra một website tổng hợp giúp người dân Mỹ và những dân tộc khác trên thế giới tìm hiểu về tác hại lâu dài của việc sử dụng chất độc da cam và các vũ khí hóa học khác trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, Lào và Campuchia.

Hiện chúng tôi cũng đang chuẩn bị một cuộc triển lãm các tác phẩm của nghệ sĩ Việt Nam và Mỹ nhằm phơi bày tác hại của chất độc da cam. Triển lãm sẽ được trưng bày ở các trường đại học và thành phố khắp nước Mỹ bắt đầu từ mùa thu năm 2005.

Theo bà, các Cty hóa chất Mỹ phải có trách nhiệm về pháp lý và đạo lý gì đối với các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam?

Tôi cho rằng các Cty hóa chất phải có cả trách nhiệm pháp lý và đạo đức đối với các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Ngay từ đầu những năm 1940, họ đã biết rõ điôxin là một chất rất độc và một số chất khai quang họ sản xuất để bán cho Chính phủ Mỹ có nồng độ điôxin cao, nhưng họ đã che giấu điều này đối với các quan chức Chính phủ Mỹ - những người chịu trách nhiệm mua các chất diệt cỏ này, và quân đội Mỹ - đơn vị sử dụng các hóa chất đó ở Việt Nam.

Các Cty hóa chất cũng thừa biết rằng  việc sản xuất sử dụng nhiệt độ thấp sẽ giảm đáng kể nồng độ điôxin trong chất diệt cỏ, nhưng thay vì làm như vậy, họ lại tăng nhiệt độ sản xuất để cắt ngắn thời gian sản xuất từ 13 tiếng xuống còn 45 phút. Việc này đã làm tăng nồng độ điôxin và cuối cùng là để lại di hại khủng khiếp ở Việt Nam,  Lào và Campuchia như chúng ta đã thấy.

Tôi cho rằng Mỹ phải có trách nhiệm về mặt đạo lý đối với việc dùng chất điôxin đầu độc mảnh đất và con người Việt Nam. Mỹ nên xử sự với hậu quả điôxin như một vấn đề nhân đạo, giống như họ từng làm đối với vấn đề bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Một khi Mỹ có thể giúp đỡ quét sạch bom mìn và trợ giúp những người còn sống sót thì tại sao họ lại không làm như vậy đối với các nạn nhân điôxin ?

Năm 1984, 2 Cty Dow Chemical và Monsanto cùng một số Cty hóa chất khác của Mỹ đã bồi thường 180 triệu USD cho các cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam và bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/điôxin. Tuy nhiên, họ vẫn chưa bồi thường cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Bà có bình luận gì về vấn đề này?

Theo tôi, các nạn nhân da cam Việt Nam có đầy đủ các quyền như các cựu chiến binh Mỹ trong vấn đề đòi các Cty hoá chất bồi thường. Tuy nhiên, quyết định có lợi cho các cựu chiến binh là quyết định mang nặng tính chính trị. Nhiều sức ép từ phía dư luận đòi phải hoàn tất vụ kiện trong một khoảng thời gian hợp lý đã khiến vụ kiện phải được giải quyết ngoài khuôn khổ toà án.

Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy đại đa số người Mỹ ủng hộ Việt Nam trong vụ kiện này, song chúng tôi phải gây sức ép đối với các Cty hoá chất để giải quyết vụ kiện.

Bên cạnh đó, người Mỹ cũng cần biết rằng đây không chỉ đơn thuần là vấn đề lịch sử mà còn là vấn đề của hiện tại, bởi vì hậu quả của nó đang ảnh hưởng đến những người Việt Nam sống vào thời điểm mà chiến tranh đã kết thúc 30 năm và đã 40 năm qua đi kể từ ngày Mỹ  rải chất độc da cam xuống Việt Nam.

MỚI - NÓNG