G7 phản đối khiêu khích trên biển Đông

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh ngày 11/4 đón và hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Jose Almendras đang thăm Việt Nam. Ảnh: TTXVN
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh ngày 11/4 đón và hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Jose Almendras đang thăm Việt Nam. Ảnh: TTXVN
TP - Trong tuyên bố đưa ra hôm qua, các ngoại trưởng thuộc nhóm bảy nền kinh tế phát triển (G7) phản đối mạnh mẽ hành động khiêu khích trên biển Đông và Hoa Đông, nơi Trung Quốc đang có nhiều bước đi hung hăng trong tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng.

Sau hội nghị tại thành phố Hiroshima, Nhật Bản, các ngoại trưởng Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Anh và Mỹ cùng đại diện từ Liên minh châu Âu tuyên bố phản đối mạnh mẽ “bất kỳ hành động khiêu khích hay bắt nạt nào có thể thay đổi nguyên trạng và gia tăng căng thẳng”. Ngụ ý rõ ràng đến Trung Quốc, các ngoại trưởng G7 cũng kêu gọi các nước tuân thủ luật pháp quốc tế về biển, thực hiện tất cả phán quyết mang tính ràng buộc do cac tòa án, tòa trọng tài quốc tế đưa ra.

Tuyên bố của các ngoại trưởng G7 cũng bày tỏ quan ngại về tình hình trên biển Hoa Đông - nơi Nhật Bản và Trung Quốc đang mắc kẹt trong tranh chấp chủ quyền đối với một quần đảo không người ở.

Phản ứng với tuyên bố của các ngoại trưởng G7, Trung Quốc hôm qua nói họ chưa xem văn bản này, nhưng cho rằng các tranh chấp đang bị “phóng đại”. “Nếu G7 muốn tiếp tục đóng vai trò lớn trên thế giới, họ cần có thái độ tìm kiếm sự thật từ thực tế để giải quyết các vấn đề mà cộng đồng quốc tế quan tâm nhất hiện nay”, Reuters dẫn lời Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói tại cuộc họp báo thường ngày.

Tuyên bố của các ngoại trưởng G7 cũng lên án vụ thử hạt nhân mà Triều Tiên thực hiện hôm 6/1. “Chúng tôi tái khẳng định cam kết vì một thế giới an toàn hơn cho tất cả mọi người và tạo ra những điều kiện cho một thế giới không có vũ khí hạt nhân theo cách thúc đẩy ổn định quốc tế”, các ngoại trưởng tuyên bố.  “Nhiệm vụ này trở nên phức tạp hơn khi môi trường an ninh xấu đi ở một số khu vực như Syria, Ukraine và đặc biệt là những hành động gây hấn lặp đi lặp lại của Triều Tiên”, tuyên bố viết.

Việt Nam, Philippines tái khẳng định quan điểm về biển Đông

Tại cuộc hội đàm chiều 11/4 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Philippines Jose Almendras tái khẳng định tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, đẩy mạnh đàm phán thực chất để sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC). Việt Nam và Philippines nhấn mạnh vai trò quan trọng của ASEAN trong việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở biển Đông.

Việt Nam và Philippines cam kết tiếp tục phối hợp và nỗ lực cùng các nước ASEAN khác triển khai thành công Cộng đồng ASEAN, đề cao đoàn kết và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong hợp tác khu vực, ASEAN cần thể hiện tiếng nói thống nhất và trách nhiệm trước các vấn đề an ninh chiến lược ở khu vực, vì hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển ở khu vực. Hai nước khẳng định ủng hộ lẫn nhau hoàn thành tốt vai trò chủ nhà ASEAN 2017 của Phlippines và chủ nhà APEC 2017 của Việt Nam.

Việt Nam và Philippines cũng trao đổi các biện pháp triển khai nội hàm quan hệ Đối tác chiến lược (thiết lập tháng 11/2015), nhất là trong năm kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (12/7/1976 - 12/7/2016). Nhằm đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng, nông nghiệp, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, ngư nghiệp, văn hóa, giáo dục…, hai bên nhất trí duy trì thường xuyên trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp; tích cực triển khai các thỏa thuận, cơ chế hợp tác hiện có như Thỏa thuận Hợp tác Biển và Nghề cá, Thỏa thuận Hợp tác Văn hóa, cơ chế Ủy ban Hợp tác song phương, Hợp tác Biển và Đại dương, Ủy ban Kinh doanh Việt Nam - Philippines và Tiểu ban Thương mại song phương… Đồng thời thúc đẩy hợp tác trên một số lĩnh vực khác như phòng chống tội phạm, vận tải biển, quản lý lao động di cư… 

Chiều 11/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Jose Almendras đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam. Về lĩnh vực hợp tác trên biển, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị chính phủ hai nước duy trì các chương trình phối hợp chung; tiếp tục tăng cường tình đoàn kết, thống nhất cũng như vai trò của ASEAN trong việc duy trì hòa bình, hợp tác trên biển Đông; thực hiện nghiêm túc DOC, tiến tới đàm phán, hoàn tất COC. Tán thành việc hai nước tăng cường các chương trình hợp tác trên biển, Bộ trưởng Almendras khẳng định, cùng với việc đẩy mạnh vai trò của ASEAN, Philippines sẽ tiếp tục hợp tác đầy đủ, có trách nhiệm với Việt Nam trong vấn đề này.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.