Gai hoa hồng

Gai hoa hồng
TP - Chẳng hiểu vì sao người ta lại lấy hai từ 'hoa hồng' vốn hết sức thanh tao đẹp đẽ để đặt tên cho một hiện tượng vốn chẳng được như hoa: tiền lại quả, chiết khấu và đôi khi hối lộ.

Chỉ theo dõi trên báo chí thời gian gần đây, có thể thấy hoa hồng gây không biết bao hệ lụy.

Tiền hoa hồng biến nhiều bác sỹ và một số hãng dược phẩm trở thành “liên minh ma quỷ” khiến cho giá thuốc tăng vọt. Hoa hồng ấy đã mang hình một lưỡi hái tử thần gõ cửa người nghèo.

Một bà già ở dưới quê, khi đi khám biết mình mắc bệnh đái tháo đường và cao huyết áp, với toa thuốc khoảng 650.000 đồng. Bà chỉ có 2 sào đất, làm chỉ vừa đủ ăn, thu nhập trung bình mỗi ngày khoảng 20.000-30.000 đồng (thời giá năm 2000). Trước một toa thuốc quá đắt như thế và phải điều trị lâu dài, bà chọn cho mình một lối thoát: tự tử.

Chắc hẳn bà đã được sống nếu như không có hoa hồng đẩy giá thuốc lên quá cao ngoài tầm với. Cái gai của hoa hồng trong ngành dược đã đẩy bao người đến bước đường cùng?

Cũng nhiều quan chức bị  gai hoa hồng đâm mà phải vào vòng lao lý. Ông Huỳnh Ngọc Sỹ - Giám đốc dự án đại lộ Đông Tây phải vào tù vì tội lợi dụng quyền hạn chức vụ trong thi hành công vụ nhưng nghi án hoa hồng thì vẫn còn đó. 

Gai hoa hồng trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng, mua sắm công ...chắc hẳn đã làm thất thoát của Nhà nước rất nhiều tiền của.

Điều 18 của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (có hiệu lực từ tháng 6-2006),quy định rõ: Người được cơ quan, tổ chức giao mua sắm phương tiện đi lại, phương tiện, thiết bị làm việc, tài sản khác hoặc thanh toán dịch vụ nếu có khoản hoa hồng thì phải kê khai, nộp lại cơ quan, tổ chức để quản lý, sử dụng cho hoạt động của cơ quan, tổ chức đó. Nhưng đã có mấy ai nộp lại tiền hoa hồng cho cơ quan, tổ chức?

Đã có vụ án,  vì tiền hoa hồng,  một số  nhân viên hải quan  đã để hàng hóa được miễn, giảm  thuế dưới mức thấp hơn quy định khi qua cửa khẩu.

Nhà nghiên cứu kinh tế Bùi Kiến Thành chỉ ra rằng vấn nạn hoa hồng đã khiến cho nhiều mặt hàng Việt Nam bị giảm lợi thế cạnh tranh so với hàng ngoại nhập. Hàng Việt Nam cho dù có chất lượng cao, nhưng vẫn bị lép vế chỉ vì không có cơ chế hoa hồng linh hoạt như các nhà phân phối nước ngoài.

Gai hoa hồng trong lĩnh vực phân phối hàng hoá  đã “phản lưới” nền sản xuất trong nước.

Nhưng nhiều trường hợp nhờ đưa tiền hoa hồng (chi phí cơ hội) mà các hợp đồng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam được ký kết. Bộ Tài chính cũng đã có hẳn một “Thông tư Hướng dẫn chi tiền hoa hồng trong lĩnh vực giao dịch, môi giới xuất khẩu”.

Tiền hoa hồng trong lĩnh vực này được chi một cách công khai minh bạch với nhiều quy định rõ ràng và phải nộp thuế. Nhiều người cho rằng trong cơ chế thị trường, phải có “bôi trơn” thì việc mới chạy. Phải chăng  vì thế mà “hoa hồng” không tàn héo mà có vẻ như ngày càng tốt tươi và mọc khắp nơi?

Tổng Thanh tra Nhà nước Trần Văn Truyền thừa nhận:  Ranh giới giữa tiền hoa hồng và hối lộ cũng rất mong manh, khó phân biệt. Việt Nam vẫn chưa có một quy định rõ ràng thế nào là hoa hồng, thế nào là hối lộ, trong khi quốc tế đã phân định khá rõ hai khái niệm này.

Chắc chắn một điều, càng minh bạch, càng công khai thì những tác động tiêu cực của “gai hoa hồng” sẽ  càng dễ bị bẻ gãy. Tiền hoa hồng, hợp pháp hay không hợp pháp, tốt hay xấu? 

Đã có nhiều người lên án, cũng có tiếng nói bênh vực. Nhà văn Lưu Quang Vũ đã có vở kịch mang tên: “Tin ở hoa hồng”. Cần chi một mệnh lệnh thức kêu gọi. Rồi mọi người sẽ tin khi hoa hồng hướng thiện vì lợi ích chung. 

MỚI - NÓNG