Gần 100 cao ốc tại Hà Nội: Ăn bớt thiết bị, nguy cơ cháy nổ cao

Chung cư JSC 34 quận Thanh Xuân, Hà Nội bị cháy vào tháng 3-2010 làm 2 người thiệt mạng
Chung cư JSC 34 quận Thanh Xuân, Hà Nội bị cháy vào tháng 3-2010 làm 2 người thiệt mạng
TP - Hà Nội vừa tiến hành kiểm tra toàn diện về an toàn cháy nổ tại 96 toà nhà cao tầng mới xây. Kết quả cho thấy, nhiều chủ đầu tư chỉ lo bán nhà thu tiền, chưa coi trọng quyền lợi, thậm chí còn thờ ơ với cả mạng sống của người mua nhà.

>> Vụ cháy nhà 18 tầng: Sai phạm đã được phát hiện từ trước
>> Từ vụ cháy chung cư 18 tầng ở Hà Nội: Báo động !

Chung cư JSC 34 quận Thanh Xuân, Hà Nội bị cháy vào tháng 3-2010 làm 2 người thiệt mạng
Chung cư JSC 34 quận Thanh Xuân, Hà Nội bị cháy vào tháng 3-2010 làm 2 người thiệt mạng. Ảnh: CTV

Thiếu nhiều thiết bị quan trọng

Đại diện Đoàn kiểm tra liên ngành cho biết, kết quả kiểm tra vừa qua cho thấy tình trạng vi phạm các quy định về an toàn cháy nổ diễn ra rất phổ biến và nếu trường hợp xảy ra cháy, sẽ gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản.

"Hà Nội mới kiểm tra được 96 cao ốc chung cư. Nếu kiểm tra toàn diện khoảng 400 chung cư, nhà cao tầng mới xây thì vi phạm sẽ có thể gấp nhiều lần" - Ông Nguyễn Kim Long - Phó phòng quản lý kỹ thuật và giám định chất lượng Sở XD Hà Nội - khẳng định.  

Phần lớn các chung cư tái định cư do Cty TNHH một thành viên Quản lý và phát triển nhà Hà Nội (khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, khu đô thị Đền Lừ) xây dựng đều chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Ngay cả khu đô thị lớn là Ciputra cũng chưa được cấp giấy chứng nhận PCCC, vì chưa đáp ứng được các yêu cầu bắt buộc của nhà nước.

Điều đáng lo ngại về an toàn tại chung cư là hệ thống ống thu rác. Đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện, loại ống thu rác và cửa hố rác làm bằng vật liệu composite do Cty cổ phần nhựa cốt sợi thủy tinh Mai Động sản xuất, là loại vật liệu có khả năng bắt cháy và thực tế đã bị cháy tại toà nhà JSC 34 quận Thanh Xuân làm 2 người thiệt mạng cách đây chưa lâu.

Mở rộng kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện, có tới trên 28 chung cư cao tầng đang sử dụng loại thiết bị nguy hiểm này. Trong đó, có 21 toà nhà chung cư do Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội làm chủ đầu tư.

Cơ quan chức năng cũng phát hiện tới 50% số chung cư được kiểm tra có cầu thang thoát nạn, nhưng không được ngăn cách bởi cửa ngăn cháy, không được lắp hãm thủy lực để tự động đóng sau khi có người chạy qua. Rất nhiều chung cư không lắp đèn chiếu sáng sự cố tại cầu thang thoát nạn hoặc có đèn nhưng không hoạt động; không có hệ thống quạt hút khói khu hành lang chung cư và không có quạt tăng áp khu cầu thang thoát nạn (chiếm tỷ lệ 94,8% số chung cư được kiểm tra).

Nhiều trường hợp đèn chỉ dẫn hướng thoát nạn không sáng, thậm chí chỉ dẫn sai cả hướng thoát nạn! Hệ thống chữa cháy bằng nước tại vách tường tại một số tầng nhà bị hỏng như mất van khoá, không có lăng phun, vòi phun.

Bơm nước chữa cháy không hoạt động do bị hỏng và không được sửa chữa. Cầu thang thoát nạn chưa đáp ứng chiều rộng tối thiểu theo quy định. Với những chung cư có tầng hầm, việc thông thoáng tầng hầm còn hạn chế. Có tới 88/96 chung cư được kiểm tra có tình trạng sử dụng nhà không đúng mục đích dẫn đến quá tải thang máy, điện, nước, giao thông...

Quản lý, vận hành thiếu chuyên nghiệp

Ông Nguyễn Kim Long - Phó phòng quản lý kỹ thuật và giám định chất lượng-Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, quản lý vận hành các chung cư, nhà cao tầng hiện nay đang gây nhức nhối bởi tồn tại nhiều bất hợp lý.

Hiện có 3 hình thức quản lý sử dụng chung cư cao tầng gồm: Chủ đầu tư quản lý trực tiếp, thuê đơn vị khác quản lý và thông qua Cty TNHH 1 thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội. Thực tế xảy ra nhiều trường hợp chủ đầu tư sau khi bán căn hộ đã không quan tâm đến việc quản lý chung cư dẫn đến nguy cơ không đảm bảo an toàn cho người sử dụng, đặc biệt khi xảy ra sự cố.

Đa số các ban quản trị nhà chung cư hoạt động yếu, hiệu quả hạn chế và chưa được công nhận tính pháp lý. Nhiều thành viên của Ban quản trị không có chuyên môn, sức khỏe. Mô hình thuê các doanh nghiệp dịch vụ quản lý chuyên nghiệp tỏ ra hiệu quả hơn so với mô hình tự tổ chức làm, nhất là trong quản lý an ninh trật tự và vệ sinh môi trường.

Đối với chung cư hiện do Cty TNHH 1 thành viên Quản lý và Phát triển nhà quản lý gặp khó khăn về kinh phí hoặc kinh phí cấp không kịp thời dẫn đến tình trạng công trình và thiết bị lắp đặt không được bảo trì hoặc không bảo trì đầy đủ. Phần lớn các thiết bị PCCC chưa được bảo trì dẫn đến hệ thống chữa cháy bằng nước ở nhiều chung cư bị tê liệt.

MỚI - NÓNG